Khoảng một tuần nằm nghỉ sau sinh, sản phụ bắt đầu có dấu hiệu bất thường. Cô thường xuyên cảm thấy thở dốc, khó thở và đau tức ngực.
Việc chào đón đứa con đầu lòng luôn là một niềm hạnh phúc vô giá, đánh dấu khởi đầu của một cuộc sống mới và tràn ngập hy vọng cho cả gia đình. Thế nhưng, trong một số trường hợp, niềm vui ấy lại đột ngột chuyển thành bi kịch đau lòng, để lại những mất mát không thể bù đắp. Câu chuyện của người mẹ trẻ vừa sinh con tại Quảng Đông (Trung Quốc) là 1 minh chứng đau xót, khi sự thiếu hiểu biết và áp dụng sai lầm các phương pháp chăm sóc sau sinh đã dẫn đến hậu quả không ngờ tới, cướp đi sinh mạng của sản phụ chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng sau khi đứa con chào đời.
Theo Sohu, người phụ nữ trong câu chuyện này là một sản phụ 29 tuổi, vừa trải qua hành trình sinh nở đầy cảm xúc khi hạ sinh một bé gái dễ thương bằng phương pháp sinh thường. Sự xuất hiện của đứa con đầu lòng như thắp sáng niềm vui cho cả gia đình. Mọi người đều hy vọng rằng em bé sẽ mang lại hạnh phúc mới, và mẹ của bé cũng sẽ nhanh chóng hồi phục để cùng gia đình tận hưởng những khoảnh khắc đáng quý.
Sản phụ nghỉ ngơi bên cạnh con gái mới chào đời.
Ngay sau khi xuất viện, sản phụ được đưa về nhà với sự chăm sóc đặc biệt từ cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ. Để đảm bảo cho cô con dâu hồi phục nhanh chóng và có đủ sữa cho cháu nội bú, mẹ chồng đã áp dụng những phương pháp ở cữ mà bà cho là "chuẩn mực”.
Cô được giữ ấm kỹ lưỡng từ đầu đến chân, thậm chí cửa sổ cũng luôn đóng kín để tránh gió lùa vào. Bà khuyên con dâu không nên di chuyển mà nên nằm nghỉ hoàn toàn trên giường, bởi bà tin rằng việc nghỉ ngơi tuyệt đối sẽ giúp cô lấy lại sức nhanh hơn.
Mẹ chồng chăm sóc con dâu từng li từng tí.
Hàng ngày, sản phụ được bê tận giường những bữa ăn "đại bổ" với các món giàu dinh dưỡng như súp chân giò, sườn kho, gà hầm nấm và canh cá chép đậu hũ. Mẹ chồng nghĩ rằng chế độ ăn uống này sẽ giúp sản phụ bồi bổ cơ thể, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để sữa mẹ dồi dào và đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt nhất. Tuy nhiên, trong thực tế, những bữa ăn quá nhiều đạm và chất béo này lại khiến hệ tiêu hóa của sản phụ gặp khó khăn.
Các món ăn bổ dưỡng được mẹ chồng nấu cho con dâu ăn.
Sau khoảng 1 tuần nằm nghỉ liên tục, sản phụ bắt đầu có dấu hiệu bất thường. Cô thường xuyên cảm thấy thở dốc, khó thở và đau tức ngực. Dù đã cố gắng diễn tả tình trạng của mình với gia đình, nhưng mọi người chỉ cho rằng đó là do cô chưa hồi phục hoàn toàn sau sinh. Mẹ chồng còn trấn an rằng những triệu chứng này sẽ sớm biến mất nếu cô tiếp tục nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ.
Tình trạng sức khỏe của sản phụ ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đến khi cô bị khó thở dữ dội và đau ngực không chịu nổi, gia đình mới vội vàng đưa cô đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn. Bác sĩ kết luận cô bị thuyên tắc phổi – một biến chứng nguy hiểm xảy ra khi cục máu đông di chuyển vào động mạch phổi, gây tắc nghẽn dòng máu. Trong trường hợp của sản phụ này, tình trạng thuyên tắc phổi có thể đã phát triển từ trước đó, nhưng do không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó đã cướp đi mạng sống của cô khi con gái vẫn chưa đầy tháng tuổi.
Trong trường hợp này, bác sĩ nhận định rằng nguyên nhân chính gây ra thuyên tắc phổi ở sản phụ có thể là do sau sinh, cô không vận động thường xuyên mà chỉ nằm nghỉ tại chỗ, dẫn đến tình trạng tuần hoàn máu kém và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Sản phụ đã không qua khỏi vì thuyên tắc phổi sau sinh.
Bệnh thuyên tắc phổi là gì?
Bệnh lý thuyên tắc phổi là tình trạng tắc nghẽn tại mạch máu của phổi do các cục máu đông gây ra. Bệnh nhân bị thuyên tắc phổi có thể xảy ra ở động mạch trung tâm của phổi hoặc gần rìa phổi. Trường hợp các cục máu đông lớn gây tắc ở vị trí gần trung tâm của phổi thì sẽ xảy ra những triệu chứng nặng ở người bệnh và gọi là thuyên tắc phổi lớn, có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Đa số các trường hợp bệnh nhân bị thuyên tắc phổi đều gây ra bởi huyết khối tĩnh mạch sâu. Chính vì thế, những người có nhiều nguy cơ mắc thuyên tắc phổi là chính là những người dễ bị huyết khối tĩnh mạch sâu, một số yếu tố nguy cơ khác là người bệnh bất động trong thời gian dài, mắc bệnh lý nghiêm trọng, và phẫu thuật lớn.
Thuyên tắc phổi sau sinh cũng có thể gây ra bởi những vật tắc nghẽn tạo thành, dịch màng ối do biến chứng thai nghén, khí khi đặt catheter tĩnh mạch trung tâm đi vào máu, mô tế bào, mỡ, bọt khí...xâm nhập vào máu rồi đi lên phổi trong quá trình mổ đẻ. Nguy cơ thuyên tắc phổi sau sinh có thể được giảm đáng kể nếu sản phụ vận động sớm hoặc đối với những đối tượng đặc biệt được sử dụng các thuốc ngăn hình thành huyết khối.
Triệu trứng thuyên tắc phổi sau sinh
Triệu chứng thuyên tắc phổi sau sinh sẽ phụ thuộc vào vị trí ảnh hưởng của cục máu đông là lớn hay nhỏ và tình trạng phổi của người bệnh có đủ sức để đối phó với cục máu đông đến khi nào. Bệnh nhân bị thuyên tắc phổi lớn có thể gây ngừng tim và dẫn đến tử vong nhanh chóng dù được cấp cứu ngay. Những sản phụ sau sinh hoặc người có bệnh từ trước thường có sức khỏe yếu nên triệu chứng sẽ nặng hơn, bao gồm:
- Khó thở sau sinh với mức độ thay đổi từ nhẹ đến rất nặng
- Đau ngực kiểu màng phổi, đau nhói khi hít vào
- Người bệnh không thể hít thở sâu, vì cơn đau làm cho người bệnh phải nín thở lại
- Ho ra máu
- Nhiệt độ tăng nhẹ
- Tim đập nhanh
- Cảm thấy yếu ớt, không khỏe, hoặc choáng.
Một số triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu mà người bệnh có thể gặp phải như: Đau đột ngột ở bắp chân, sưng một chân hoặc bàn chân, đau cơ bắp chân, bắp chân nóng và đỏ, có thể có dấu bầm trên da.