Cúm mùa hoành hành khiến nhiều người khổ sở: Sai lầm nào hay gặp và ai dễ chuyển nặng, nguy kịch khi mắc?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 05/02/2025 14:55 PM (GMT+7)

Cúm mùa có thể mắc quanh năm, nhưng thời điểm sau Tết số ca mắc thường tăng cao hơn. Khi mắc cúm mùa mọi người tuyệt đối không nên chủ quan, bệnh hoàn toàn có thể gây biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Vì sao cúm mùa gia tăng trong và sau dịp Tết Nguyên đán?

Mới đây, thông tin nữ minh tinh Đài Loan Từ Hy Viên qua đời ở tuổi 48 sau khi mắc cúm mùa, viêm phổi tại Nhật Bản khiến nhiều người lo lắng. Thực tế cho thấy, tại Nhật Bản dịch cúm mùa đang hoành hành, khiến số ca mắc bệnh tăng cao với hơn 9,5 triệu ca, nhiều bệnh viện quá tải trong khi thuốc điều trị khan hiếm.

Còn tại Việt Nam, cúm mùa lưu hành quanh năm và ai cũng có thể mắc bệnh này. Ngay thời điểm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều trẻ nhỏ và người lớn mắc cúm mùa hoặc có triệu chứng điển hình của căn bệnh này. Tuy nhiên, đa số mọi người chủ quan cho rằng, cúm mùa chỉ là cảm cúm thông thường, tự ý sử dụng thuốc điều trị và vẫn đi học, đi làm bình thường.

Sau mỗi kỳ nghỉ Tết số ca mắc cúm lại gia tăng do nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa.

Sau mỗi kỳ nghỉ Tết số ca mắc cúm lại gia tăng do nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa. 

Theo Bộ Y tế, số ca mắc bệnh cúm thường tăng đột biến vào dịp Tết Nguyên đán, nguyên nhân là do thời tiết thay đổi thất thường (miền Bắc thường xuyên xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại xen kẽ với nắng ấm, trong khi miền Nam có sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm) tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển.

Ngoài ra, dịp đầu năm mọi người thường có các hoạt động tập trung đông người, với các hoạt động mua sắm, du xuân, thăm người thân tạo cơ hội cho virus cúm lây lan nhanh chóng. Cùng với đó, thói quen sinh hoạt thay đổi, khi nhiều người thức khuya, ăn uống không điều độ, làm suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng. Đặc biệt, với những người có bệnh lý nền, dịp Tết thường quản lý bệnh không chặt chẽ, điều này sẽ rất nguy hiểm khi mắc cúm, có thể gây tử vong.

Ai dễ tử vong khi mắc cúm?

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm là bệnh do virus gây nên và có thể bùng phát thành dịch. Phần lớn, khi mắc cúm thường có biểu hiện nhẹ, có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính… Với những người này, khi bị virus cúm tấn công có thể gây ra các biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

“Thực tế cho thấy, đa số người tử vong khi mắc cúm là người cao tuổi, có bệnh lý nền, suy giảm miễm dịch và chủ quan không điều trị sớm. Do vậy, những đối tượng như đã nói trên, khi mắc cúm cần đến viện theo dõi, không chủ quan tự ý điều trị”, ông Phu nói và cho biết thêm rằng, tỷ lệ mắc cúm ở người lớn khoảng 5-10%, còn trẻ em khoảng 20-30%.

Bệnh cúm dễ gây biến chứng nặng cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Ảnh minh họa.

Bệnh cúm dễ gây biến chứng nặng cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Ảnh minh họa. 

PGS Đắc Phu cho biết, virus cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đó là cúm A, cúm B và cúm C. Trong đó, cúm A thường được gọi là cúm mùa, dễ gây thành dịch và ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khỏe con người. Các phân nhóm cúm A đang được lưu hành hiện nay bao gồm A (H1N1) và A (H3N2), cúm A (H5N1).

Khi bị cúm biểu hiện thường gặp là sốt, nhức đầu, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, ăn không ngon, mệt mỏi, có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy… Biến chứng nguy hiểm nhất khi bị cúm đó là viêm phổi, có thể dẫn tới suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong.

Một vấn đề nữa chuyên gia cũng khuyến cáo với mọi người, đó là không dùng kháng sinh hoặc Tamiflu khi mắc cúm. Theo đó, nhiều người lầm tưởng dùng kháng sinh giúp bệnh nhanh khỏi. Thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus gây cúm, mà chỉ có tác dụng với bệnh do vi khuẩn gây nên. Do đó, lạm dụng kháng sinh trị cúm vừa tốn kém, vừa có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh.

Với Tamiflu dù được dùng khi mắc cúm, nhưng phải được bác sĩ chỉ định, chỉ nên dùng với những người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Nếu mắc cúm thông thường thì không cần dùng đến Tamiflu, gây lãng phí, có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc sau này.

Phòng bệnh không hề khó

PGS.TS.BS Trần Đắc Phu cho biết, dù cúm mùa dễ mắc, có thể lây lan thành dịch, nhưng phòng bệnh không hề khó khăn. Biện pháp hiệu quả và an toàn đầu tiên để phòng bệnh cúm đó là tiêm vắc xin cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Theo đó, trẻ từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa mũi đầu tiên, mũi thứ 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng.

Một vấn đề ông Phu đặc biệt lưu ý, đó là cúm mùa phải tiêm nhắc lại hàng năm, do chủng cúm mùa thay đổi liên tục từng năm. Hơn nữa, việc tiêm vắc xin có thể giúp tăng miễn dịch phòng bệnh, nhưng vẫn có thể mắc cúm khi đã tiêm. Tuy nhiên, với những người đã tiêm vắc xin, khi mắc cúm thường có biểu hiện nhẹ, ít biến chứng xảy ra.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng cần phải tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm. Ảnh minh họa.

Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng cần phải tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm. Ảnh minh họa. 

Ngoài vắc xin, để chủ động phòng bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo:

1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Tin vui đầu năm: Bé trai nặng 3.2kg chào đời khỏe mạnh từ người mẹ mắc ung thư giai đoạn 3, khi mới mang thai được 26 tuần
Phát hiện ung thư khi mang thai ở tuần thai thứ 26, nhưng bằng nghị lực phi thường chị P đã quyết giữ con bên mình và sinh thành công ở tuần thai thứ...

Những câu chuyện cảm động

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]05/02/2025 13:45 PM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe