Hà Nội - Tăng cân sau sinh khiến Linh ngán ngẩm khi nhìn mình trong gương, cô quyết nhịn ăn gián đoạn, ăn theo quy tắc bàn tay kết hợp tập luyện thay đổi vóc dáng.
Nguyễn Mỹ Linh hiện làm nhân viên phiên dịch tài chính và chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp. Linh luôn mặc cảm sau sinh do vòng bụng sồ sề, nhiều mỡ, trông như "đang mang bầu 6 tháng", cân nặng lên đến 65 kg vào tháng 3/2023 trong khi chỉ cao 1,53 m.
Ngoài ra, người phụ nữ mắc căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống từ năm 2013, phải sử dụng thuốc thường xuyên nên sức khỏe kém. Linh còn có chỉ số mỡ nội tạng cao, thường xuyên mệt mỏi, bị hụt hơi, mặt tích nhiều nước kể cả khi không béo.
Bà mẹ một con nhận ra cơ thể "báo động", quyết tâm giảm cân, cải thiện ngoại hình lẫn sức khỏe.
Cơ thể Linh sồ sề sau sinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sau nhiều lần tham khảo, tháng 7/2023, Linh tìm hiểu về nhịn ăn gián đoạn 16:8 để giảm cân. Lúc này, Linh đã giảm tự nhiên còn 59 kg. Cô ăn hai bữa một ngày, trưa và tối. Ngoài ra, người phụ nữ áp dụng quy tắc "bàn tay", bổ sung đủ các nhóm xơ, đạm, tinh bột và chất béo tốt theo một tỷ lệ khoa học... Nhờ đó, Linh không bị kiệt sức hay bị đói trong suốt quá trình giảm cân.
Nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) là thuật ngữ mô tả chế độ ăn uống và nhịn ăn có chu kỳ. Phương pháp giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu thụ thức ăn hoàn toàn, đồng thời giới hạn nghiêm ngặt lượng calo dung nạp. Hình thức nhịn ăn gián đoạn thường là hạn chế thời gian ăn trong ngày (ăn từ 6-8 giờ và nhịn ăn trong 16-18 giờ còn lại). Việc này kích thích cơ thể chuyển hóa năng lượng dựa trên glucose sang năng lượng dựa trên ketone, giúp giảm thiểu căng thẳng, giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư, béo phì và tăng tuổi thọ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học New England cuối năm 2021 cho thấy nhịn ăn gián đoạn giúp giảm căng thẳng, giảm nguy cơ ung thư, béo phì, tăng tuổi thọ và hỗ trợ giảm cân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhịn ăn gián đoạn vẫn có thể dẫn đến tăng cân. Nhịn đói trong thời gian dài có thể khiến một số người ăn uống vô độ sau đó. Việc ăn nhiều calo hơn nhu cầu cơ thể khiến lượng mỡ tăng lên, ngay cả sau chu kỳ nhịn ăn liên tục 12 đến 16 giờ mỗi ngày.
Nhịn ăn trong thời gian dài có thể làm giảm lượng đường huyết, gây ra cảm giác choáng váng, chóng mặt, đau đầu và buồn nôn.
Các chuyên gia khuyến cáo người mắc bệnh nền cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Người bị tiểu đường type 1 và đang điều trị tiểu đường rất có thể gặp phản ứng không mong muốn khi thực hiện chế độ ăn này.
Còn quy tắc lòng bàn tay được các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra để ước lượng tương đối khẩu phần ăn của mỗi người trong một ngày. Theo Good Health, đây là phương pháp đơn giản, dễ áp dụng, bởi thông thường hàm lượng dinh dưỡng và kích thước trên bao bì được niêm yết bằng gram, nhưng ít người quan tâm và không biết phải ăn bao nhiêu là đúng. Người trưởng thành với bàn tay to hơn, cần khẩu phần lớn hơn và ngược lại với trẻ nhỏ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, quy tắc lòng bàn tay có thể áp dụng để ước tính sơ bộ lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn, từ đó giúp kiểm soát cân nặng. Bên cạnh đó, cần bổ sung đủ 4 nhóm chất là đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Linh thường ưu tiên ăn rau lá xanh thẫm như rau muống, rau khoai lang, họ nhà cải, chủ yếu luộc hoặc nấu canh. Các món thịt cô không hạn chế nhiều, chỉ bỏ bớt mỡ để phần thịt đỡ ngấy.
Bên cạnh đó, Linh cắt giảm đồ ngọt, trà sữa, thức ăn nhanh..., kết hợp sử dụng thực phẩm chức năng nhằm thải độc, giảm mỡ. Đặc biệt, cô áp dụng áp dụng "ngày xả hơi" định kỳ hàng tuần, còn gọi là quãng nghỉ trong quá trình ăn kiêng, vừa hạn chế thèm ăn vừa giải tỏa căng thẳng.
Nhờ giảm cân thành công, Linh trở nên khỏe mạnh, tự tin và hạnh phúc hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngoài dinh dưỡng, Linh kết hợp tập luyện tối thiểu 1-2 buổi/tuần ở các lớp fitness gần nhà. "Việc tập luyện ở lớp giúp tối đa hiệu quả luyện tập và có nhiều bạn đồng hành, giúp mình có thêm nhiều động lực", Linh nói.
Về bản chất, fitness là một trong số những phương pháp tập gym thịnh hành hiện nay. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng các bài tập gym có tác dụng kích thích sản sinh hormone, nhờ vậy cơ bắp có thể hấp thụ được lượng axit amin cần thiết và trở nên săn chắc hơn. Khi luyện tập gym thường xuyên và đúng kỹ thuật, quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra suôn sẻ hơn, đồng thời lượng calo tiêu hao tăng lên rõ rệt, từ đó giúp giảm cân.
Sau một năm, Linh giảm còn 44 kg, vòng eo từ 82 cm xuống 66 cm, vòng bụng từ 108 cm xuống 85 cm, mỡ nội tạng cũng giảm đáng kể.
Qua hành trình của bản thân, Linh cũng có thêm nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe gia đình. Áp dụng phương pháp như Linh, sau 3 tháng, mẹ cô giảm được 7 kg, chỉ số dự báo tiểu đường về mức an toàn. Chồng Linh sau 11 tháng ăn uống, tập luyện cũng giảm 21 kg, các chỉ số mỡ nội tạng, gan nhiễm mỡ... cải thiện tích cực.
Hiện, Linh vẫn duy trì phương pháp ăn và tập luyện như cũ nhưng không quá khắt khe. "Mỗi tuần tôi vẫn ăn xả một bữa tẹt ga với bất cứ thứ gì mình thích như thịt nướng, pizza, gà rán, trà sữa, bánh ngọt..., sau đó thì điều chỉnh lại", cô nói, thêm rằng nhờ giảm cân thành công, bản thân trở nên khỏe mạnh, tự tin và hạnh phúc hơn.
Linh hiện tại, sau khi giảm thành công 21 kg. Ảnh: Nhân vật cung cấp