Biếu quà Tết cho thầy cô ra sao để cả hai không quá nặng nề, áp lực và cân đối được các khoản chi trong ngày Tết?
Ông cha ta có câu: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Câu nói này thể hiện tầm quan trọng của những người thầy trong cuộc sống, ngang hàng với cha mẹ trong dịp Tết cổ truyền. Nó gợi nhắc đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp của dân tộc.
Những phụ huynh có con đang ở độ tuổi cắp sách đến trường chắc hẳn cũng đang tất bật lo toan, chuẩn bị những món quà Tết để thể hiện niềm biết ơn với thầy cô giáo đã thay gia đình uốn nắn trẻ trong suốt năm qua. Tuy nhiên có không ít trường hợp tặng quà Tết không khéo léo, nhiều khi phụ huynh đặt vào món quà quá nhiều những kỳ vọng nên dẫn đến áp lực cho mình và cho cả thầy cô. Từ đó, quà tặng không chỉ mất đi ý nghĩa tốt đẹp mà còn thành một gánh nặng cho cả hai.
Chị Hồng Hạnh (32 tuổi, Ba Đình) chia sẻ: “Nhà mình có 2 bạn, bạn lớn học lớp 3 còn bạn bé đang học mẫu giáo. Mình thường tặng quà Tết cho các cô chứ không đi “phong bì”, vì mình nghĩ quà Tết nó phải là những món hiện vật, có thể để các cô sử dụng vào dịp Tết, như thắp hương, mời khách. Nên mình chọn mua những set quà Tết. Hiện quà Tết được bán rất nhiều, đa dạng về sản phẩm cũng như giá tiền, và tùy vào hoàn cảnh mà phụ huynh có thể lựa chọn thoải mái. Mình mua set 750.000 đồng. 3 cô giáo thì hết 2.250.000 đồng tiền quà Tết”.
Chị Hà Thu (29 tuổi, Hai Bà Trưng) cho biết: “Năm nay bé nhà mình mới đi học nên vẫn còn bỡ ngỡ chuyện biếu các cô quà Tết. Mình cũng có tham khảo ý kiến các chị em đồng nghiệp thì mọi người cũng khuyên nên tặng quà thì hay hơn. Kiểu đi phong bì dịp này nó sẽ thành ra hơi “vật chất” ấy. Năm nay kinh tế cũng khó khăn nên mình tự làm đồ tặng các cô. Mình làm 3 loại bánh quy kiểu bánh quy dừa, bánh lưỡi mèo và crinkles, và mứt dừa non. Tất cả đóng vào hộp nhựa rồi xếp vào hộp quà. Hộp quà có nhiều mẫu mã lắm, mọi người có thể tham khảo trên mấy sàn thương mại điện tử. Hộp nhựa thì đều có bán sẵn ở các tiệm bán đồ làm bánh. Mình tiện làm cho cả nhà ăn Tết luôn nên dành ra một phần để tặng các cô. Đồ handmade nên các cô rất thích. Mà nếu tính chi phí thì rất rẻ, có điều mất công một chút thôi”.
Chị Ngọc Thúy (30 tuổi, Đống Đa) tâm sự: “Chuyện biếu quà Tết các cô thì mình nghĩ chúng ta không nên quá nặng nề. Vì Tết là dịp vui, và quà Tết nên là những món đồ hữu ích trong dịp Tết. Có năm mình tặng cô túi đồ gồm cây giò, nem chua, thịt nguội, năm thì mình tặng giỏ bánh kẹo, có năm thì mình tặng cô cây quất bonsai,… Kiểu đều là những thứ mà mọi nhà đều cần trong dịp Tết và mang không khí Tết. Cá nhân mình thấy không nên biếu phong bì. Tiền thì đúng là ai cũng cần thật, nhưng nó lại không mang nhiều ý nghĩa cho lắm, lại gây ra cảm giác nặng nề quá”.
Nhiều người quan niệm, món quà càng nhiều, càng to, càng giá trị thì càng có ý nghĩa. Các phụ huynh cũng lo lắng, sợ rằng mình tặng quà không vừa ý thầy cô, lại khiến đôi bên chịu áp lực. Thế nhưng “của cho không bằng cách cho”, giá trị của món quà phần lớn nằm ở thái độ và tâm tình của chúng ta khi tặng quà. Chỉ cần xuất phát từ chính tấm lòng muốn thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với thầy cô là cũng đủ để thầy cô ấm lòng rồi. Món quà tuy đơn giản nhưng được gói ghém chỉn chu, cẩn thận cũng rất ý nghĩa.
Ngày lễ Tết, phụ huynh học sinh nhớ và đến thăm hỏi, tặng quà thầy cô là điều đáng quý, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Tuy nhiên, đến thăm hỏi thầy cô để thể hiện sự tôn trọng chứ đừng vì những mục đích khác như lấy lòng, xin xỏ, “mua” sự quan tâm của thầy cô với con em mình. Những món quà xuất phát từ tấm lòng chân thành chính là quà Tết ý nghĩa, thiết thực nhất đối với các thầy cô.