40 phút xin giấy chuyển viện đi đẻ của mẹ bầu Hà Nội: Thủ tục đơn giản, giấy chuyển tuyến có giá trị 10 ngày

Thảo Nguyên - Ngày 30/10/2023 09:00 AM (GMT+7)

Trước ngày đi đẻ, mẹ bầu Hà Nội này đã đi xin giấy chuyển tuyến tại một phòng khám đa khoa để nhập viện vượt cạn tại viện Thanh Nhàn.

Được công ty đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tại một phòng khám đa khoa ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nên khi sắp đến ngày chuyển dạ, chị Khúc Thị Mỹ Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) đã quyết định xin giấy chuyển tuyến để đi đẻ ở Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Những thứ mẹ bầu cần chuẩn bị khi xin giấy chuyển viện đi đẻ

Theo chị Mỹ Hạnh, trước khi đi xin giấy chuyển tuyến, mẹ bầu cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

- Thẻ BHYT có nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là tuyến phòng khám tại Hà Nội (Hiện tại các phòng khám thông tuyến nên xin ở bất kì phòng khám nào cũng được). BHYT của chị Mỹ Hạnh tại một phòng khám đa khoa vì thế chị dùng thẻ BHYT trên App VssID.

- CCCD gắn chíp hoặc CMT.

- 1 quyển sổ khám chữa bệnh (như chị Hạnh không có sổ, mua sổ tại đây mất 10 ngàn đồng).

- 1 giấy khám thai/siêu âm gần nhất (nếu có): Mẹ bầu nên mang đi để bác sĩ nhìn vào viết giấy chuyển cho nhanh.

Về chi phí xin giấy chuyển tuyến

- Tiền gửi xe ở phòng khám: 5 ngàn đồng.

- Chi phí mua sổ khám bệnh: 10 ngàn đồng (Nếu có sổ rồi thì không mất thêm chi phí này).

- Phiếu thu khám chữa bệnh: 27,5 ngàn đồng (được BHYT chi trả) nên thanh toán 0 đồng (Lúc xin giấy xong xuống tầng 1 được kí 1 tờ thì thấy ghi như vậy).

Tổng chi phí khi đi xin giấy chuyển tuyến đi đẻ: 15 ngàn đồng.

40 phút xin giấy chuyển viện đi đẻ của mẹ bầu Hà Nội: Thủ tục đơn giản, giấy chuyển tuyến có giá trị 10 ngày - 1

Phiếu thu khám chữa bệnh 27,5 ngàn đồng (được BHYT chi trả) nên thanh toán 0 đồng. (Ảnh: NVCC)

Thời gian khám

- Giờ hành chính: Các mẹ bầu đi giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 (Sáng 8-11h, Chiều 14-16h).

- Thời gian để xin giấy và hoàn thành các thủ tục mất khoảng 30- 60 phút tùy theo tình trạng đông hay vắng bệnh nhân. Cụ thể như hôm chị Hạnh đi xin chuyển tuyến đi đẻ vào buổi sáng trong tuần, hết khoảng 30-40 phút là xong xuôi mọi thủ tục.

Những bước xin giấy chuyển tuyến đi đẻ

Theo mẹ bầu này, những thủ tục xin giấy chuyển tuyến đi đẻ khá đơn giản:

Ban đầu khi đến phòng khám, lấy số khám bệnh và trình bày yêu cầu/ nguyện vọng. (Ảnh: NVCC)

Ban đầu khi đến phòng khám, lấy số khám bệnh và trình bày yêu cầu/ nguyện vọng. (Ảnh: NVCC)

- Sau khi gửi xe, các mẹ bầu vào tầng 1, tại cửa ghi ô số 1 - Nơi lấy số khám bệnh thì đưa CMT/CCCD + thẻ BHYT (mở App VssID) + sổ khám bệnh và trình bày luôn là đang có thai, hôm nay đến xin giấy chuyển tuyến đến Bệnh viện Thanh Nhàn.

- Vào trong phòng bác sĩ sẽ hỏi vài câu cơ bản: Thai bao nhiêu tuần? Con lần mấy? Có tiền sử thai lưu, dọa xảy hay gì chưa? Địa chỉ bây giờ ở đâu?

Do chị Mỹ Hạnh đưa sẵn phiếu siêu âm nên bác sĩ chỉ hỏi thế rồi viết giấy chuyển viện cho luôn.

Tại tầng 1, Nơi để sổ khám + CCCD gắn chip + giấy chuyển tuyến sau khi đã khám xong ở tầng 3. (Ảnh: NVCC)

Tại tầng 1, Nơi để sổ khám + CCCD gắn chip + giấy chuyển tuyến sau khi đã khám xong ở tầng 3. (Ảnh: NVCC)

- Sau khi có giấy chuyển tuyến, xuống tầng 1 nộp sổ kẹp cùng CCCD gắn chip + giấy chuyển tuyến vào cái khay trên bàn ô cửa ghi số 2 và 3. Sau tầm 10-15 phút sẽ được gọi để kí và giấy chuyển tuyến đã được đóng dấu đỏ là xong. Lúc này mẹ bầu có thể đi về.

Lưu ý: Giấy chuyển tuyến đi đẻ chỉ có giá trị 10 ngày (không tính thứ 7, Chủ nhật) nên sau khi xin được giấy các mẹ bầu phải tranh thủ đi làm hồ sơ sinh ngay nhé.

“Do mình sinh ở Thanh Nhàn nên ngay khi có giấy chuyển tuyến, mình đến Khoa sản 2, tầng 5, nhà C - Bệnh Viện Thanh Nhàn để làm thủ tục đi đẻ”, chị Mỹ Hạnh chia sẻ.

Phiếu siêu âm gần nhất của mẹ bầu. (Ảnh: NVCC)

Phiếu siêu âm gần nhất của mẹ bầu. (Ảnh: NVCC)

Nhận xét

- Phòng khám nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu này mới, sạch sẽ, cơ sở vật chất đẹp. Các y bác sĩ cũng khá nhẹ nhàng. Tuy nhiên vì phòng khám mới nên 1 số khâu chưa được trơn tru, nhưng theo đánh giá chủ quan thì sau ổn định sẽ nhanh hơn.

- BHYT của mẹ bầu mua theo công ty nên nơi khám chữa bệnh được cố định ở phòng khám đa khoa trên. BHYT tuyến bệnh viện sẽ khó xin giấy chuyển được, nhất là bệnh viện nơi đăng ký khám chữa bệnh đã có khoa sản thì càng không xin chuyển được.

Chia sẻ lại thủ tục xin giấy chuyển tuyến đi đẻ, mẹ bầu Hà Nội này nói: “Mình chỉ mong các mẹ bầu xin giấy chuyển tuyến thuận lợi, sớm đón bé yêu khoẻ mạnh, bình an. Hy vọng những chia sẻ của mình giúp ích được cho các mẹ bầu”.

Mẹ bầu mách quy trình làm hồ sơ sinh, chi phí đi đẻ và thủ tục ra viện khi vượt cạn tại BV Bưu Điện
Mặc dù không phải là một viện có quy mô lớn nhưng nơi đây đang dần trở thành địa chỉ khám thai kỳ và sinh con tin cậy của nhiều sản phụ.

Chọn nơi sinh

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cẩm nang đi đẻ