Bác sĩ sản và đêm trực sóng gió: Mẹ bầu đi đẻ chỉ có 200 ngàn, thiếu nữ 17 tuổi vỡ thai ngoài tử cung

Thảo Nguyên - Ngày 25/10/2023 13:30 PM (GMT+7)

Theo bác sĩ Ngọc Hà kể, tại đêm trực cấp cứu sản ở Bệnh viện Thanh Nhàn hôm qua đã trực tiếp mổ cấp cứu cho 2 ca mẹ bầu có hoàn cảnh rất éo le.

Mới đây, Ths.Bs.Phạm Ngọc Hà, khoa sản II, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã chia sẻ một đêm trực đầy sóng gió nhưng mang lại niềm vui cho người bác sĩ sản khoa và cả ê kíp trực.

Theo bác sĩ Ngọc Hà kể lại, tại đêm trực cấp cứu sản ở Bệnh viện Thanh Nhàn nơi anh làm việc hôm qua đã trực tiếp mổ cấp cứu cho 2 ca mẹ bầu có hoàn cảnh rất éo le và nghèo khó.

Ca bệnh đầu tiên chính là của mẹ bầu T.L.M., 17 tuổi, người dân tộc Dao. Được biết, thiếu nữ trẻ tuổi này xuống Hà Nội đi làm nhưng bị một người đàn ông lừa dối trong tình yêu. Sau khi 2 người quan hệ tình dục thì anh ta cao chạy xa bay.

Một đêm trực cấp cứu sản khoa đầy áp lực. (Ảnh: BSCC)

Một đêm trực cấp cứu sản khoa đầy áp lực. (Ảnh: BSCC)

Thiếu nữ M. sau đó đã phát hiện có bầu nhưng không đi khám. Khi thấy máu từ vùng kín chảy ra bất thường và đau bụng dữ dội M. mới được người thân đưa vào viện cấp cứu. Tại đây qua siêu âm và các xét nghiệm, M. bị chửa ngoài tử cung và thai ngoài tử cung bị vỡ.

“M. nhập viện trong tình trạng sốc mất máu phải mổ cấp cứu ngay lập tức. Cô gái trẻ có người thân đi cùng nhưng không có tiền. Trong người M. chỉ còn đúng 200 ngàn đồng”, bác sĩ Ngọc Hà chia sẻ.

Dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo Bệnh viện và trưởng khoa sản II, cũng như sự phối hợp khẩn trương của khoa gây mê hồi sức mà ca mổ cho sản phụ trẻ M. đã thành công tốt đẹp. Bệnh nhân mất gần 1 lít máu nhưng đã qua cơn nguy kịch và hiện đang được chăm sóc tại khoa sản II.

Bác sĩ Ngọc Hà cũng chia sẻ về ca cấp cứu thứ 2 là ca của sản phụ N.T.P., SN 1990. Dù mới chỉ có 33 tuổi nhưng nhìn bề ngoài mẹ bầu này già và khắc khổ như đã ngoài 40 tuổi.

Sản phụ P. đang mang bầu 9 tháng và nhập viện trong tình trạng chuyển dạ, có tiền sử mổ đẻ cũ. Dù đang đau đớn chuyển dạ sinh nhưng bên cạnh sản phụ này vắng bóng người nhà, không có một người thân ở bên khi vào viện vượt cạn.

“Sản phụ 33 tuổi này cũng không biết ngày dự kiến sinh vì suốt cả thai kỳ cô không hề 1 lần thăm khám. Khi nhập viện, cô cũng chỉ có 200 ngàn đồng, không có quần áo, không điện thoại và không nhớ được nhiều thông tin cá nhân”, nam bác sĩ sản khoa kể lại.

May mắn ca mổ cho sản phụ  P. cuối cùng cũng thành công tốt đẹp. Chị P. đã sinh một em bé khỏe mạnh, bú tốt và được theo dõi hậu phẫu tại khoa.

Dù có nhiều vất vả, mệt mỏi và áp lực khi đối mặt với những ca trực khó nhằn nhưng đằng sau nó là những niềm vui bất tận vì đem lại hạnh phúc cho nhiều người, tính mạng sản phụ an toàn. (Ảnh: BSCC)

Dù có nhiều vất vả, mệt mỏi và áp lực khi đối mặt với những ca trực khó nhằn nhưng đằng sau nó là những niềm vui bất tận vì đem lại hạnh phúc cho nhiều người, tính mạng sản phụ an toàn. (Ảnh: BSCC)

“Sau sinh sản phụ P. được các nữ hộ sinh của khoa chăm sóc chu đáo, còn đi mua cơm cháo cho ăn, em bé sơ sinh được xin sữa cho bú. Đặc biệt mọi người trong viện còn kêu gọi ủng hộ bình sữa, sữa, quần áo sơ sinh cho mẹ và em bé sơ sinh”.

Chia sẻ về một đêm trực phải tiếp nhận nhiều ca bệnh cấp cứu phức tạp, bác sĩ Ngọc Hà cho biết, ca trực đầy sóng gió mệt mỏi nhưng cũng đầy niềm vui và tình thương yêu: “Với các bác sĩ sản khoa, những ca trực luôn là kỷ niệm buồn vui khó tả. Dù có nhiều vất vả, mệt mỏi và áp lực khi đối mặt với những ca trực khó nhằn nhưng đằng sau nó là những niềm vui bất tận vì đem lại hạnh phúc cho nhiều người, tính mạng sản phụ an toàn. Để rồi giúp bản thân có một sức mạnh vô hình nào đó, thôi thúc các bác sĩ như mình tiếp tục chuẩn bị tinh thần cho những ca trực tiếp theo”.

Thai phụ 22 tuần hở tử cung, túi ối thò ra lấp ló: Cả nhà không cho khâu cấp cứu, đợi người khác đến quyết hộ
Câu chuyện về thai phụ nhập viện cấp cứu đầy bi hài trên khiến các bác sĩ mỏi miệng giải thích cho người nhà và bệnh nhân.

Câu chuyện mang thai

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện đi đẻ