Vì là tiểu thư cành vàng lá ngọc, nên mới chịu có vài cơn co thắt, cô đã cảm thấy quá sức chịu đựng, đòi sinh mổ cho bớt đau, ai ngờ...
Trong suy nghĩ của nhiều người, sinh con là một trải nghiệm đáng nhớ đối với người phụ nữ. Tuy nhiên, chỉ có các mẹ bầu mới hiểu, trước khi “lên thớt” là các mẹ luôn bị bao trùm bởi cảm giác lo lắng, hoang mang và sợ hãi. Lo vì không biết lúc đẻ có suôn sẻ không? Có đau lắm không? Hoang mang vì không biết mình nên chọn sinh mổ hay sinh thường và sợ hãi lỡ đẻ thường không được bị đẩy vào phòng mổ thì sao?
Song, dù hoang mang hay lo sợ như thế nào, các thai phụ cũng hãy nên tin tưởng làm theo lời khuyên của bác sĩ, bởi họ là người hiểu rõ hơn ai hết phương pháp sinh nào tốt cho bà mẹ và thai nhi trong từng trường hợp. Đừng để giống như bà mẹ 9X tên là Tiểu Lan, sống tại Trùng Khánh (Trung Quốc), có hối hận thì cũng đã muộn rồi.
Theo đó, Tiểu Lan là tiểu thư “lá ngọc cành vàng” của một gia đình giàu có. Vì thế mà cô được nuông chiều từ bé, được bố mẹ nâng niu như ngọc trong lòng bàn tay. Sau khi kết hôn, cô cũng may mắn lấy được người chồng yêu thương vợ hết mực. Đối với Tiểu Lan, mỗi bước cô đi đều rải hoa hồng.
Lấy chồng 1 năm, Tiểu Lan có bầu. Cả hai gia đình lại càng chăm sóc, cung phụng cho cô như bà hoàng. Duy chỉ có một việc, Tiểu Lan và gia đình chồng bất đồng ý kiến trong suốt quá trình mang thai. Đó là cô thì muốn sinh mổ cho đỡ phải đau đẻ, còn bố mẹ chồng và ông xã lại khuyên nên sinh thường để vừa tốt cho em bé, vừa giúp cơ thể mẹ phục hồi nhanh, đồng thời bụng không có sẹo. Mãi đến gần đến ngày sinh, Tiểu Lan mới xuôi xuôi theo ý của gia đình.
Mới chịu vài cơn đau đẻ, Tiểu Lan đã la toáng lên, nhất quyết đòi sinh mổ (Ảnh minh họa).
Đến ngày khai hoa nở nhụy, Tiểu Lan nói với bác sĩ rằng cô sẽ sinh thường. Song, chỉ sau vài cơn co thắt, cô đã la toáng lên và nhất quyết sinh mổ, mặc kệ chồng và bố mẹ hai bên khuyên nhủ dỗ dành. Bác sĩ cũng khuyên sản phụ nên đi bộ dọc hành lang để giảm đau và sinh nở nhanh hơn, nhưng tất cả đều bị Tiểu Lan bỏ ngoài tai. Cô cứ liên tục hét lên: “Đau quá! Tôi không thể chịu đựng được. Tôi muốn sinh mổ”. Nhìn Tiểu Lan vật vã, cuối cùng, gia đình cũng xin bác sĩ cho cô được sinh mổ. Một lúc sau, bác sĩ thông báo ca mổ thành công, mẹ tròn con vuông.
Cứ tưởng sinh mổ sẽ nhẹ nhàng hơn sinh thường, ai ngờ vừa hết thuốc tê, sắc mặt của Tiểu Lan tái đi vì đau vết mổ. Cô không thể ngồi dậy hay đi lại được. Lúc này, cô tiểu thư mới bắt đầu hối hận, ước gì mình chịu đau một chút mà sinh thường rồi sẽ hết, còn hơn là bây giờ ngồi không được đi cũng không xong.
Thật ra, trường hợp sản phụ nổi loạn, đòi bác sĩ phải làm theo ý mình như Tiểu Lan trên thực tế không phải hiếm gặp. Tuy rằng bác sĩ đã căn cứ vào thể trạng và điều kiện của từng sản phụ mà chọn lựa phương pháp tối ưu nhất nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, nhưng không phải bà đẻ nào cũng lắng nghe. Điều này đôi khi khiến bác sĩ cảm thấy bực mình. Đặc biệt, có 4 kiểu mẹ bầu sau đây là khiến các y bác sĩ phiền lòng và khó chịu nhất phòng sinh.
1. Sản phụ nghi ngờ năng lực của bác sĩ
Bác sĩ là người được đào tạo bài bản, là người chịu trách nhiệm về ca sinh của sản phụ nên bạn hãy tin tưởng và làm theo lời dặn của bác sĩ (Ảnh minh họa)
Những sản phụ có tính “chuyên quyền” như thế này thường không lắng nghe ý kiến của bác sĩ. Họ có một đặc điểm rất rõ ràng đó là kiên định với ý kiến của mình và luôn cho mình đúng. Họ không chỉ chất vấn bác sĩ tại sao lại không làm đúng như những gì “bác sĩ Google” hướng dẫn, mà có sản phụ còn đề xuất bác sĩ hãy làm theo lời chỉ dẫn của bản thân.
Đối mặt với những sản phụ này, hầu như y bác sĩ nào cũng cảm thấy ngán ngẩm, bởi một người được đào tạo chuyên môn một cách bài bản lại bị xem thường, thua cả những “bác sĩ bàn phím” ở trên mạng. Trường hợp này dễ xảy ra tranh cãi giữa bệnh nhân và bác sĩ, dẫn đến tình trạng biến chứng nguy hiểm có thể xảy, đe dọa tính mạng của cả người mẹ lẫn em bé.
Thế nên, các mẹ bầu khi đi sinh con thì nên giữ thái độ nhã nhặn và tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ. Tại các bệnh viện cũng có dịch vụ chọn bác sĩ đỡ sinh nên mẹ hoàn toàn có thể yên tâm chọn vị bác sĩ mà mình tin tưởng để đồng hành trong khi lâm bồn.
2. Sản phụ la hét quá to
Người ta thường ví đau đẻ như gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc, nghĩa là cường độ đau đẻ rất lớn. Tuy nhiên, các bác sĩ đều khuyên các mẹ thay vì la hét hãy học cách thở sâu và đều để vừa giảm cảm giác đau, vừa có sức để rặn.
Song, không phải ai cũng nghe theo lời khuyên này. Không ít sản phụ vào phòng sinh mà la hét inh ỏi đến mức át luôn của tiếng của bác sĩ. Họ gào khóc, kêu la, thậm chí buông lời chửi rủa. Việc này khiến các mẹ sẽ không có đủ thể lực để sinh con, từ đó thời gian sinh nở kéo dài, dẫn đến một số hậu quả là em bé dễ bị ngạt.
Do vậy, dù đau đến mấy, các mẹ cũng hãy giữ thái độ tế nhị, bình tĩnh nghe lời dặn và hợp tác cùng bác sĩ và nữ hộ sinh để ca vượt cạn suôn sẻ.
3. Sản phụ chịu đau kém
La hét quá to trong khi chuyển dạ sẽ nhanh khiến mẹ bị mất sức, làm cho cuộc sinh nở kéo dài (Ảnh minh họa)
Mặc dù khả năng chịu đau của mỗi người là khác nhau nhưng cũng có nhiều mẹ rất sợ đau, chỉ hơi đứt tay một chút đã khóc chứ đừng nói chi đến đau đẻ. Vậy nên, tuy bác sĩ đã khuyến cáo nên sinh thường tốt cho cả mẹ lẫn con, nhưng vẫn có một số bà mẹ mới đi được một nửa chặng đường chuyển dạ đã chịu không nổi, một mực đòi chuyển qua sinh mổ.
Đòi hỏi này khiến các y bác sĩ rất bị động, vì họ phải vội vàng đi chuẩn bị phòng mổ. Việc này cũng vô tình khiến cho quá trình sinh nở lâu hơn. Đã vậy, bạn còn phải chịu hai lần đau, vừa đau đẻ vừa đau vết mổ.
Thế nên, đã cố rồi thì nên cố cho chót. Bạn hãy cố gắng hít thở sâu đúng cách, đi bộ hoặc xoa đầu ngực để quá trình chuyển dạ được nhanh hơn.
4. Sản phụ béo phì
Một số mẹ bầu vẫn giữ tương tác « ăn cho hai người » nên đã không kiểm soát tốt cân nặng của mình. Tình trạng này thật sự rất nguy hiểm dù bạn sinh thường hay sinh mổ cũng đều tăng độ khó của ca sinh vì các biện pháp hỗ trợ sinh nở rất phức tạp. Nó không chỉ liên quan đến sự giãn nở của tử cung không đáp ứng được kích thước của thai nhi mà sự chuyển động chậm của cơ bắp, sự sai lệnh ngoài màng cứng hoặc do khối lượng quá nhiều gây khó khăn trong việc xác định vị trí đốt sống khi gây tê để sinh mổ cũng có thể xảy ra.
Vì vậy, khi mang thai, các mẹ bầu cần phải chú ý đến chế độ ăn uống khoa học, nếu không bạn sẽ trở thành sản phụ béo phì, thai nhi tăng cân nhanh tạo ra mối đe dọa rất lớn đến tính mạng của mẹ và bé.