Sản phụ kể tường tận quá trình tách ối chuyển dạ, 22 giờ sau đã mẹ tròn con vuông

Thảo Nguyên - Ngày 18/11/2023 14:00 PM (GMT+7)

Hiện nay nhiều mẹ có thai kỳ hơn 39-40 tuần vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ nên đã nhờ bác sĩ thăm khám và tách màng ối để gây chuyển dạ nhanh chóng hơn.

Cách đây tròn tháng, chị Trần Thị Thủy, 26 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội vừa đẻ thường an toàn. May mắn cuộc vượt cạn đã mẹ tròn con vuông, cả 2 mẹ con đều khỏe mạnh sau sinh. Hiện chị Thủy đang trong những ngày ở cữ.

Chị Thủy cho biết, khi mang bầu tròn 38 tuần, chị đã bắt đầu có những cơn gò tự nhiên nhưng càng về cuối thai kỳ lại càng không thấy hiện tượng gì nên chị đi khám để được theo dõi thai liên tục.

Sau 22 giờ tách ối thì mẹ bầu đã được đón con đầu lòng. (Ảnh: NVCC)

Sau 22 giờ tách ối thì mẹ bầu đã được đón con đầu lòng. (Ảnh: NVCC)

Khi thai kỳ 40 tuần mẹ bầu vẫn chưa thấy có dấu hiệu chuyển dạ nên rất sốt ruột nhờ bác sĩ kiểm tra. Bác sĩ phụ sản đề xuất cho mẹ bầu có thể can thiệp tách ối để chuyển dạ thường.

“8 giờ sáng sau khi tách ối xong bác sĩ dặn mình về phải đi bộ nhiều vì trong vòng 24-48 giờ sẽ chuyển dạ. Tầm 18 giờ tối đó, mình bắt đầu thấy có cơn gò đau bụng nhẹ từng cơn dưới 20 phút/lần. Sau đó 21 giờ tối mình lại đi bộ vài vòng thì cơn gò tăng lên 5 phút/lần và cơn đau chỉ diễn ra trong 1-2 phút”, chị Thủy kể lại.

Thấy có dấu hiệu chuyển dạ nên chị Thủy nhắn tin hỏi bác sĩ về tình trạng hiện nay của bản thân. Chị được bác sĩ dặn nếu cơn gò đều 20 phút/lần thì nhập viện theo dõi: “Sau đó dù các cơn gò đều hơn nhưng do vẫn thấy chịu được nên mình vẫn lỳ lợm ở nhà ngủ. Vừa nằm được một lúc thì 0h 30 phút mình bị bục ối và lúc này vợ chồng mới bắt đầu lục đục vào viện”.

Thời điểm ấy cơn đau của mẹ bầu đã quá sức chịu đựng nhưng khi bác sĩ vào viện và kiểm tra chị Thủy mới chỉ mở được 1 phân. Suốt quá trình sau đó mẹ bầu được đo máy chạy monitor nhưng 2 tiếng sau vẫn chỉ mở được 2 phân và được bác sĩ bắt đầu cho nằm phòng chờ đẻ.

“Nằm được khoảng 1 tiếng thì cơn đau đẻ ập đến khiến mình không chịu được nữa. Lên kiểm tra cổ tử cung đã mở được 6 phân. Lúc này mới bắt đầu tiêm giảm đau và thấy thực sự hiệu quả. Tiêm xong giảm đau hẳn nên mình chỉ nằm chờ mở 10 phân là dặn đẻ theo hướng dẫn của bác sĩ và y tá thôi”, chị Thủy kể lại.

Đúng 5h sáng, vợ chồng chị  đã được đón con trong tay. Sau khi lấy em bé ra khỏi cơ thể, bác sĩ đã khâu thẩm mĩ tầng sinh môn cho sản phụ.

Chia sẻ về quyết định tách ối để chuyển dạ có can thiệp nhằm sinh thường nhanh hơn, mẹ bỉm này nhận xét: “Nhiều mẹ bầu khác chưa từng trải nghiệm quá trình tách ối gây chuyển dạ cứ cho rằng tách ối khiến mẹ bầu đau đớn lắm. Nhưng cá nhân mình vừa trải nghiệm thì tách ối chỉ nhói nhói 1 chút kiểu như kiến cắn thôi. Chắc cũng do tay nghề của bác sĩ và khả năng chịu đau của bản thân nữa. Bởi cùng một bác sĩ tách ối cho mà một mẹ bầu tách ối trước mình kêu đau đớn lắm, thấy rên rỉ mãi trong khi mình làm thấy bình thường”.

Tách màng ối hay còn gọi là lóc ối từ thành tử cung, là một thủ thuật gây chuyển dạ có can thiệp. (Ảnh minh họa)

Tách màng ối hay còn gọi là lóc ối từ thành tử cung, là một thủ thuật gây chuyển dạ có can thiệp. (Ảnh minh họa)

Mẹ bỉm đang ở cữ này cũng cho biết, nếu thai kỳ khỏe mạnh tốt nhất là để quá trình chuyển dạ diễn ra một cách tự nhiên. Điều này sẽ giúp cho phổi và não của em bé được phát triển hoàn thiện trước khi bé chào đời. Nhưng trường hợp có vấn đề với thai kỳ hoặc sức khoẻ của em bé, bà mẹ có thể cần phải sinh con sớm hơn để tránh rủi ro, mẹ bầu nên nói chuyện với bác sĩ để bác sĩ cân nhắc và trao đổi về việc can thiệp chuyển dạ bằng phương pháp tách ối.

Phương pháp tách ối gây chuyển dạ

Túi ối là túi giữ em bé đang lớn lên bên trong tử cung. Túi nước ối chứa nhiều dịch màng ối.

Tách màng ối hay còn gọi là lóc ối từ thành tử cung, là một thủ thuật gây chuyển dạ có can thiệp. Khi tách màng ối, bác sĩ sẽ đeo găng tay và nhẹ nhàng dùng ngón tay đưa vào cổ tử cung, sau đó từ từ tách màng ối ra khỏi tử cung.

Sau khi tách màng ối, các bà mẹ có thể về nhà và đợi các cơn co thắt xuất hiện. Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng có thể cảm thấy đau thắt bụng và xuất hiện những đốm máu. Do ở những tuần cuối thai kỳ, cổ tử cung ngả về phía sau xương cụt nên rất khó để thủ thuật viên có thể chạm tới.

Chuyển dạ có can thiệp có thể mất vài giờ hoặc kéo dài 2-3 ngày, nó phụ thuộc vào cơ thể mỗi người đáp ứng như thế nào đối với việc điều trị. Nếu trong lần mang thai đầu tiên hoặc thai kỳ ít hơn 37 tuần tuổi thì chuyển dạ có can thiệp sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Phương pháp tách ối gây chuyển dạ chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của sản phụ. Vì thủ thuật này là một phương pháp chuyển dạ không tự nhiên có thể gây ra một vài những rủi ro nhất định. Trước khi thực hiện, sản phụ sẽ được bác sĩ cung cấp những thông tin cơ bản, cách thực hiện và các biến chứng sau đó có liên quan đến việc tách màng ối.

Theo Thảo Nguyên
Nguồn: Thời báo văn học nghệ thuật

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Câu chuyện đi đẻ