Khi đã bắt đầu đi làm, va vấp với xã hội bên ngoài buộc bạn phải dần thích nghi để hoàn thiện mình hơn. Ở trong một tổ chức, một công ty bạn phải tuân thủ những quy định, làm việc theo chỉ đạo của quản lý và không thể tránh khỏi bị khiển trách, phê bình. Vậy phải ứng xử như thế nào khi ấy?
Nói đến vấn đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty uy tín hàng đầu về tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink sẽ đưa ra một vài chia sẻ để giúp bạn xử lý những tình huống này một cách hợp lý nhất.
Cập nhật thông tin việc làm nhanh nhất tại: https://www.careerlink.vn/tim-viec-lam-nhanh
Giữ thái độ chuyên nghiệp
Chắc hẳn không ai muốn bị phê bình khi làm việc và tâm lý chung bao giờ khi nghe những lời khiển trách sẽ không hề dễ chịu tí nào. Cảm xúc ban đầu có thể là tự ái, bị tổn thương lòng tự trọng sau đó là tức giận. Tuy nhiên, đừng để dòng suy nghĩ tiêu cực này “khống chế” bạn. Hãy thể hiện thái độ cởi mở và thân thiện, tránh các phản ứng tiêu cực nóng vội. Bình tĩnh giữ cái đầu lạnh sẽ thể hiện bạn là một người biết làm chủ tình hình.
Nghĩ đến lợi ích bạn sẽ nhận được
Bạn nên cân nhắc đến những lợi ích mà lời phê bình mang tính xây dựng đó mang lại. Mọi lời nhắc nhở, góp ý sẽ chỉ ra cái sai, cái chưa được để nhìn vào đó rút kinh nghiệm cho riêng mình, cụ thể là cải thiện một kỹ năng, hiệu suất công việc hoặc mối quan hệ - những yếu tố giúp bạn trưởng thành hơn trong tương lai. Phản ứng gay gắt không khiến bất cứ ai tiến bộ mà chỉ làm người khác đánh giá bạn là một người cứng đầu, bảo thủ… “Thu nhặt” những ý kiến đóng góp của người khác sẽ là hành trang đáng giá để bạn hoàn thiện mình.
Lắng nghe để thấu hiểu
Khi ai đó chia sẻ phản hồi với bạn, nên lắng nghe cẩn thận. Hãy để người đó nói lên hết ý kiến của họ, tránh ngắt lời đột ngột. Khi họ đã trình bày xong, bạn có thể lặp lại những gì đã nghe được để khẳng định lại một lần nữa nhằm đảm bảo rằng bạn không hiểu lầm bất cứ điều gì. Lúc này, tránh phân tích hoặc đặt câu hỏi về đánh giá họ đã đưa ra, thay vào đó chỉ tập trung vào việc hiểu rõ quan điểm của họ.
Bạn có biết rằng người đưa ra phản hồi cũng có thể rất căng thẳng, dẫn đến việc họ không thể hiện ý tưởng của mình một cách hoàn chỉnh và bạn sẽ mất đi những ý kiến quan trọng. Vì vậy, hãy khuyến khích họ đưa ra nhận xét cụ thể và chi tiết, bạn sẽ thấu hiểu vấn đề chính xác hơn và đưa ra các giải pháp khả thi để giải quyết.
Biết ơn chân thành
Một lời cảm ơn chân thành, chẳng hạn “Tôi thực sự đánh giá cao việc bạn dành thời gian để nói về điều này với tôi” sẽ chẳng bao giờ thừa bởi nó sẽ khiến người đối diện cảm thấy dễ chịu hơn. Thể hiện sự đánh giá cao không có nghĩa là bạn đồng ý với nhận xét của họ nhưng điều đó cho thấy bạn đang thừa nhận nỗ lực mà đồng nghiệp đã bỏ ra để suy nghĩ về vấn đề và chia sẻ quan điểm của họ.
Tìm hướng khắc phục
Khi đã có được những bài học, những thiếu sót, khuyết điểm thì việc bạn cần làm lúc này là tìm cách “khóa” lỗ hổng mà mình đang gặp phải. Luôn không ngừng trau dồi kiến thức, kĩ năng chuyên môn bởi “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Chẳng ai là hoàn hảo thế nên luôn làm việc và tiếp thu trên tinh thần cầu tiến không chỉ giúp ngày càng tiến bộ mà còn gây dựng được cảm tình từ đồng nghiệp, cấp trên.
Những câu chuyện khiển trách, “lời nhẹ lời nặng” không còn quá xa lạ đối với môi trường công sở, tùy bản lĩnh của mỗi người sẽ rút ra cho mình nhiều bài học khác nhau. Hãy luôn là người cầu tiến và biết tiếp thu có chọn lọc nhé!