Trưởng BTC kiêm chủ tịch hội đồng giám khảo Hoa hậu Việt Nam lên tiếng về hiện trạng thi nhan sắc hiện nay.
Với hiện trạng các cuộc thi Hoa hậu trong và ngoài nước xuất hiện ngày càng nhiều. Ai cũng kéo nhau thi Hoa hậu, thậm chí những người tưởng chừng như không thể trở thành Hoa hậu cũng bất ngờ đăng quang.
Chúng tôi đã liên hệ với nhà thơ, nhà báo và đồng thời còn được mệnh danh là "Ông trùm Hoa hậu" Dương Xuân Nam để hiểu thêm quan điểm của ông về các cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước hiện nay.
"Cha đẻ" của cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam" chia sẻ về thực trạng các cuộc thi nhan sắc diễn ra quá nhiều hiện nay.
Chào ông Dương Xuân Nam, ông thấy như thế nào về những lùm xùm, cũng như phản ứng mạnh mẽ của dư luận về các cuộc thi nhan sắc hiện nay?
Theo tôi, mục tiêu của các cuộc thi Hoa hậu chính thống là tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam đồng thời định hướng cái đẹp cho thế hệ trẻ. Nhưng ngày chúng ta có quá nhiều cuộc thi, và hầu như các cuộc thi này có những mục đích khác, hoặc họ không đặt mục đích của việc tìm kiếm cái đẹp lên hàng đầu.
Việc này tất nhiên sẽ gây ra sự bức xúc cũng như ý kiến trái chiều từ dư luận, đồng thời làm ảnh hưởng đến các cuộc thi uy tín khác. Niềm tin của người hâm mộ cũng không còn sâu sắc như xưa trước sự thật giả lẫn lộn của các cuộc thi Hoa hậu.
Những nàng Hoa hậu thực thụ cũng chạnh lòng với danh xưng ngày càng xuất hiện nhiều tại các cuộc thi được tổ chức không thật sự tốt.
Vậy "mục đích khác" của các cuộc thi Hoa hậu mà ông vừa nhắc đến là gì?
Đứng trên góc độ của chúng ta thì không thể hiểu hết được, vấn đề này chỉ có nhà tổ chức họ biết. Nhưng tôi nghĩ đa phần các cuộc thi Hoa hậu hiện nay đều bị thương mại hóa, và điều này thật rất đáng lo ngại.
Làm thế nào để ông có thể khẳng định thương hiệu của Hoa hậu uy tín, không bị ảnh hưởng đến bởi các cuộc thi nhan sắc thiếu tính chuyên nghiệp?
Cái quan trọng là bắt đầu từ các nhà quản lý, chấn chỉnh và cân nhắc thật kỹ càng trước khi cấp phép mỗi một cuộc thi nhan sắc. Phải tìm hiểu kỹ họ, xem họ có am hiểu những giá trị văn hóa hay không, có điều kiện, kinh nghiệm chưa và mục tiêu có phải là tôn vinh cái đẹp hay còn những thứ khác.
Điều này có không, bởi một số cuộc thi hiện nay còn được tổ chức ở nước ngoài, giả sử như cuộc thi của Phi Thanh Vân vừa qua?
Tôi đồng ý về sự khó kiểm soát các cuộc thi tại nước ngoài. Điều này chúng ta phải siết chặt về báo chí, truyền hình truyền thông nói chung. Chúng ta phải đưa tin thật sự đúng đắn và chính xác.
Phải truyền tải thông điệp rõ ràng rằng đây là Hoa hậu gì? Hoa hậu của cộng đồng người nước ngoài, hay một tiểu bang, phường xã nào đó thôi. Việc này là cần thiết, để giúp người dân họ hiểu được tính chất, quy mô cũng như giá trị của từng cuộc thi là khác nhau.
Không thể nào Hoa hậu của một tiểu bang, phường xã mà có thể so sánh được với Hoa hậu của một quốc gia hay quốc tế được.
Ông Dương Xuân Nam cho biết, người phải đẹp về ngoại hình lẫn nhân cách mới được gọi là Hoa hậu.
Nhưng suy cho cùng thì họ cũng có danh xưng Hoa hậu, người dân cũng gọi họ là Hoa hậu. Vậy biện pháp nào để tách biệt vấn đề này?
Điều này tôi nghĩ phải phân định rõ ràng, cuộc thi nào là Hoa hậu, cuộc nào là Hoa khôi, người đẹp. Đó là chuyện chúng ta nên siết chặt hơn ở trong nước, còn nước ngoài thì chúng ta không thể kiểm soát được. Bởi luật pháp ở mỗi quốc gia là khác nhau.
Thế nhưng, việc chúng ta cần làm là kiểm soát truyền thông. Khi các cơ quan báo chí, truyền hình đưa tin phải khẳng định rõ đây là cuộc thi gì, có tính chất như thế nào khi truyền thông trong nước.
Phi Thanh Vân vừa qua có nhắc đến việc chỉnh sửa vòng 3 trong phần thi ứng xử nhưng vẫn đăng quang, ông nghĩ gì về vấn đề này?
Đã được gọi là Hoa hậu thì phải đẹp, về nhan sắc và nhân cách, cũng như hình thể phải hài hòa và nổi bật thì mới xứng đáng đăng quang. Còn nếu nhan sắc, hình thể không xứng tầm thì không thể nào chấm là Hoa hậu được.
Tôi đã gặp những trường hợp rất đẹp và nổi bật, có thể sánh ngang với cường quốc nhan sắc khi ra quốc tế mà cũng không được vào vòng trong vì trả lời ứng xử không tốt. Điển hình là người đẹp Hồng Yến chỉ đạt Á hậu tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1996.
Còn về việc Phi Thanh Vân vẫn đăng quang thì chỉ có BTC hay BGK mới hiểu thôi, có thể họ có những tiêu chí riêng.
Làm giám khảo Hoa hậu cực khó, không phải ai cũng làm được.
Để làm giám khảo một cuộc thi Hoa hậu uy tín, cần những yếu tố gì thưa ông?
Làm giám khảo Hoa hậu rất khó, có người từng hỏi tôi sao cứ mời mãi NSND Trà Giang hay một số người khác... Bởi vì họ là những người vừa có tài vừa có đức, nên không có gì có thể mua chuộc được họ. Và quan trọng là họ có một con mắt tin đời, biết thẩm định và yêu thích cái đẹp.
Nhiều người cũng tài năng và đạo đức nhưng họ không thích cái đẹp thì làm sao chấm thi Hoa hậu được. Tôi khẳng định để làm giám khảo một cuộc thi Hoa hậu uy tín là cực khó.
Ông có thể chia sẻ về quá trình chấm điểm các cuộc thi Hoa hậu là như thế nào?
Mỗi cuộc thi sẽ có những tiêu chí khác nhau, như tôi làm Trưởng ban Tổ chức kiêm chủ tịch hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là có tiêu chí riêng và rất khó.
Nhưng nói chung là phải tìm được một vẻ đẹp hài hòa cả ngoại hình, hình thể lẫn phầm chất đạo đức. Chúng ta sẽ dựa trên thông số nhân trắc học, đó là cơ sở để đánh giá cái đẹp hình thể.
Nhưng vẻ đẹp của một con người rất là sinh động, chúng ta cũng không thể dựa hết vào thông số để đánh giá. Mà còn là vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất phải hài hòa về tổng thể.
Rồi nền Hoa hậu của Việt Nam cũng sẽ đi vào chuẩn mực như các nước Châu Âu, Mỹ.
Hiện trạng quá nhiều cuộc thi Hoa hậu chắc ít nhiều làm ảnh hưởng đến các cuộc thi uy tín như Hoa hậu Việt Nam?
Nếu mình làm tốt thì cũng không ảnh hưởng gì, nhưng nếu mình làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng.
Hoa hậu đang rất được ưa chuộng tại Châu Á, cụ thể là Việt Nam, Philipines, Thái Lan. Nhưng ở Châu Âu, Mỹ nó đã không được quan tâm nữa. Ông thấy sao về nhận định này?
Thật ra các quốc gia ở Châu Mỹ, Châu Âu cũng rất yêu thích Hoa hậu. Họ đã từng có những nhan sắc rất đình đám. Nhưng họ là những nước phát triển, quá trình đó đã đi vào chuẩn mực hết rồi, họ thi hàng trăm năm rồi.
Còn ở Việt Nam hay các nước Châu Á là đang phát triển nên nó mới rầm rộ như hiện nay.
Nói như vậy là Việt Nam hay Châu Á rồi cũng sẽ đến một giai đoạn "chuẩn mực" như vậy?
Đúng là nó sẽ đi vào chuẩn mực, sẽ không còn ồn ào và lùm xùm như hiện nay nữa. Tất cả mọi việc đều có quá trình của nó.
Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này!