Thiết kế trang phục trong phim Đất rừng phương Nam bị khán giả "mổ xẻ" vì khuy cài áo.
Khởi chiếu chính thức trên toàn quốc từ ngày 16/10, bộ phim Đất rừng phương Nam lập tức thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Trong đó, tính lịch sử của Đất rừng phương Nam phiên bản điện ảnh đang “nóng” hơn bao giờ hết, được đưa lên bàn cân “mổ xẻ” từ bối cảnh đến… chiếc khuy cài áo.
Cụ thể, chiếc áo bà ba mà Trấn Thành và dàn diễn viên mặc trong phim được nhận xét là không đậm đà bản sắc miền Nam bộ sông nước, mà giống với các thiết kế áo ba tàu của người Hoa.
Trang phục của nhân vật bác Ba Phi do Trấn Thành thủ vai được cho là giống với kiểu áo ba tàu của người Hoa (bên phải) hơn là áo bà ba (bên trái).
Áo của nhân vật bé An trong phiên bản truyền hình (năm 1997) và áo của bé An trong phiên bản điện ảnh của Trấn Thành. Phần khác biệt ở phần khuy cài áo nhận về ý kiến trái chiều.
Cộng đồng mạng bàn luận về trang phục trong phim Đất rừng phương Nam.
Vì sao chiếc áo trong phim Đất rừng phương Nam lại gây tranh cãi?
Lấy bối cảnh ở Nam Bộ vào những năm 1920-1930, bộ phim Đất rừng phương Nam mang âm hưởng hào hùng của lòng yêu nước và tinh thần cách mạng. Khán giả trông đợi nhiều vào khả năng tái hiện lịch sử cũng như tô đậm văn hoá và đời sống của người dân phương Nam hồn hậu. Trong đó, hình ảnh chiếc áo bà ba vốn quá quen thuộc với người dân, không đơn thuần là một kiểu trang phục truyền thống, mà còn mang nhiều giá trị văn hoá và tinh thần.
Tà áo giản dị đi sâu vào tiềm thức và đời sống người dân Nam Bộ.
Chiếc áo bà ba trong tiềm thức nhiều người thường mang thiết kế dung dị và mộc mạc. Thế nên việc bác Ba Phi hay bé An bỗng nhiên mặc một chiếc áo có phần kiểu cách với phần khuy cài có thiết kế nút thắt khác biệt so với những mẫu áo bà ba thường thấy đã nhận về ý kiến trái chiều.
Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Trần Chí Kông nêu ý kiến: "Trong đời sống người miền Tây trước 1975 thì cái áo có khuy gài và nút thắt bằng vải ấy khá quen thuộc. Người bình dân, nghèo mạt như ông nội tôi, cùng quê Cà Mau với bác Ba cũng có một cái như vậy. Các ông mặc đi đám tiệc cho nó sang sang một chút. Tuổi thanh niên, tôi cũng từng diện áo ấy".
Theo lời đạo diễn, phần khuy cài bằng vải vốn không xa lạ, mà chỉ trông "sang" hơn bình thường.
Chiếc áo truyền thống Nam Bộ thực sự trông như thế nào?
Để bàn luận về chiếc áo gây tranh cãi của dàn diễn viên phim Đất rừng phương Nam, trước hết phải nói về nguồn gốc của trang phục này. Các nhân vật trong phim Đất rừng phương Nam chủ yếu mặc áo bà ba và đeo khăn rằn, đây cũng là hình ảnh biểu tượng gắn liền với đời sống bà con miền Tây Nam Bộ.
Áo bà ba phổ biến ở Nam Bộ, được cả đàn ông và phụ nữ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, bất kể đi làm nông hay đám tiệc.
Hiện tại chưa có tài liệu nào xác định rõ nguồn gốc của áo bà ba, chỉ biết vào đầu thế kỷ XX, kiểu áo bình dị và thoải mái này đã phổ biến ở khắp các tỉnh Nam Bộ. Theo nhà văn Sơn Nam trong Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam thì áo bà ba có nguồn gốc từ Mã Lai lai Trung Hoa.
Ông viết: “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. Một quan niệm khác lại cho rằng “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”. Ngoài ra cũng có giả thuyết cho rằng áo bà ba có nguồn gốc từ người Peranakan ở Indonesia.
Như vậy, áo bà ba có nguồn gốc giao thoa văn hoá, được du nhập vào Việt Nam và cách tân dần để phù hợp hơn với người dân bản địa, mang sức sống và tinh thần của người dân Việt Nam. Phần khuy cài cũng được biến tấu từ nút thắt sang nút nhựa.
Áo bà ba truyền thống không có cổ, vạt ngắn, có hàng khuy chạy dài từ trên xuống dưới.
Người dân cần lao thường mặc áo bà ba tối màu, thường may bằng vải ú. Trong những dịp trang trọng hoặc ở những gia đình có điều kiện hơn, họ sẽ thay đổi chất liệu trang phục bằng gấm hoặc satin sáng màu.
Về nguyên bản, áo bà ba không có cổ, đây là đặc điểm phân biệt áo bà ba Nam bộ với những trang phục tương tự của các quốc gia khác trên thế giới. Thân sau áo bà ba may một mảnh và thân trước may 2 mảnh, có hàng cúc chạy dài từ trên xuống dưới. Cả nam và nữ đều có thể mặc áo bà ba nhưng thiết kế cho nam thì rộng rãi, phom đứng và đĩnh đạc. Còn của nữ thì mềm mại, có đường chiết eo tôn lên đường cong cơ thể.
Theo sự vận động của thời thế, áo bà ba có nhiều biến tấu, song vẫn giữ được sức sống mãnh liệt, có thể ứng dụng trong cuộc sống đời thường lẫn những dịp lễ Tết quan trọng. Thời trang áo bà ba với kiểu dáng và màu sắc đa dạng được nhiều chị em phụ nữ yêu mến, góp phần gìn giữ trang phục truyền thống trường tồn.
Áo bà ba không chỉ tôn lên vóc dáng mà còn thể hiện bản sắc dân tộc và nét đẹp duyên dáng kiêu kỳ của người phụ nữ Việt Nam.