Chó Husky hay Husky mặt ngáo là một giống chó to lớn nhưng vô cùng dễ thương, tình cảm và trung thành. Vậy thì việc nuôi dạy và chăm sóc giống chó này liệu có khó hay không? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
I. Nguồn gốc chó Husky
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu khoa học, giống chó Husky được cho là có nguồn gốc từ Chukchi - một bộ tộc của những người du mục ở vùng Siberia thuộc Đông Bắc của nước Nga. Chúng có họ hàng khá gần gũi với Alaska và Samoyed.
Hình ảnh chó Husky
Các xét nghiệm ADN xác nhận rằng đây là một trong những giống chó lâu đời nhất từng được biết đến. Người Chukchi đã sử dụng những chú chó Husky làm phương tiện để kéo xe trượt tuyết.
Năm 1908, giống chó này được du nhập đến vùng Alaska và được sử dụng làm chó kéo xe trong thời kỳ khai thác vàng của Mỹ bởi chúng có sức khỏe và tốc độ nhanh.
Năm 1930, khi biên giới bị đóng cửa bởi chính phủ Liên Xô, Husky được Hiệp hội chó giống Hoa Kỳ (AKC) công nhận với tên gọi “Husky Bắc Cực”. Từ đó, giống chó này tiếp tục phát triển mạnh ở khu vực Bắc Mỹ.
Năm 1991, chúng được đổi tên chính thức thành Husky Sibir. Còn một tên gọi khác đó là Husky Wooly (hay Wooly Husky) để chỉ những dòng Husky có xác xuất đã từng qua lai tạo với Alaska.
Ngày nay, chó Husky chủ yếu được nuôi và huấn luyện như thú cưng trong các hộ gia đình. Chúng luôn thuộc Top những giống cảnh khuyển được ưa chuộng nhất trên Thế Giới, trong đó có Việt Nam.
II. Đặc điểm của chó Husky
1. Đặc điểm ngoại hình
- Kích thước
Những chú chó Husky cao khoảng 53-55cm và nặng từ 20-25kg.
Con đực sẽ có thân hình to hơn so với con cái. Cụ thể, Husky đực có thể đạt cân nặng lên đến 27kg và cao tới 58cm.
- Bộ lông
Do có nguồn gốc từ xứ lạnh, chó Husky có bộ lông 2 lớp dày dặn gồm lớp lông bên trong ngắn, mềm, bao phủ toàn bộ cơ thể và có tác dụng giữ nhiệt; lớp lông bên ngoài dài hơn, cứng hơn và không thấm nước.
- Đôi mắt
Husky có đôi mắt giống hình quả hạnh nhân, hơi xếch lên trên, toát lên vẻ hoang dã và lạnh lùng. Màu mắt Husky rất đa dạng, từ xanh da trời, xanh nước biển, hổ phách, nâu hoặc xanh lá cây.
Chó Husky mắt xanh
Ngoài ra, một số chú chó Husky còn có mỗi mắt với một màu khác nhau. Hoặc có trường hợp, chúng có một hoặc hai mắt có màu pha trộn (nửa xanh, nửa nâu).
- Mũi
Thông thường, màu mũi của Husky sẽ đi theo màu lông.
Ví dụ: Lông đen - mũi nâu, lông xám - mũi đen, lông nâu đỏ - mũi đỏ thẫm, lông trắng tuyền - mũi xám nhạt.
Ngoài ra, mũi của chúng lúc nào cũng hơi ướt và có thể chuyển màu theo thời gian. Về mùa đông, mũi có thiên hướng chuyển sang màu nâu hoặc hồng nhạt.
- Tai
Tai của giống chó này có hình tam giác, to vừa phải và cân đối so với khuôn mặt. Lông tai ngắn, khi sờ vào bạn sẽ thấy cảm giác mềm, mượt và mịn như nhung.
- Đuôi
Đuôi thường dài và được bao phủ bởi lớp lông xù rậm rạp. Phần chỏm đuôi có lông màu đốm trắng, trông giống một cục bông tròn nhỏ xinh.
Khi ngủ, chó Husky sẽ vòng đuôi qua mõm để giữ ấm cho mũi. Giống chó này thường cụp đuôi khi không có hoạt động và cong đuôi khi chạy nhảy.
2. Chó Husky có tính khí thế nào?
- Thông minh và trung thành
Chó Husky được xếp hạng 45 trong danh sách những giống chó thông minh nhất thế giới. Chúng nhanh nhẹn và vâng lời nên việc huấn luyện khá dễ dàng.
Giống như Alaska, Husky có tập tính sống bầy đàn. Nếu bạn nuôi từ nhỏ, chúng sẽ coi bạn là con đầu đàn, tuyệt đối trung thành và tuân theo mệnh lệnh của bạn.
- Tình cảm và dễ thương
Giống chó này sống khá tình cảm, đặc biệt yêu quý các thành viên trong gia đình, kể cả những em nhỏ, không hay gây sự với các vật nuôi khác trong gia đình. Husky chỉ đáp trả nếu bị những vật nuôi đó chiếm lãnh thổ, cướp thức ăn và đe dọa.
Vì gương mặt có nhiều biểu cảm hài hước nên giống cảnh khuyển này còn được gọi là chó Husky Ngáo.
- Tăng động và tinh nghịch
Giống chó này có nguồn gốc là giống chó kéo xe nên chúng luôn dồi dào năng lượng. Đa phần Husky đều có dấu hiệu bị tăng động, phá phách khi bị nuôi nhốt trong không gian nhỏ như căn hộ, chung cư,… Do đó, bạn nên dẫn chó đi dạo thường xuyên. Việc vận động trong môi trường rộng rãi sẽ giúp chúng giải phóng năng lượng thừa và cảm xúc.
- Bản tính hoang dã
Husky không thích sủa và thường giao tiếp với nhau thông qua cách hú. Tiếng hú về đêm nghe rất vang, chứng tỏ chúng đang cảm thấy bị bỏ rơi hoặc cô đơn.
Ngoài ra, Husky còn được mệnh danh là “bậc thầy đào tẩu”. Chúng có thể vượt rào, đào hầm để tìm cách trốn thoát. Đặc biệt, đến tuổi dậy thì, Husky có thể bỏ nhà để tìm bạn tình.
III. Những màu lông phổ biến
Màu lông của Husky Sibir vô cùng đa dạng với nhiều màu sắc khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là các màu đen, trắng, nâu đỏ, xám trắng. Tuy nhiên, tất cả những chú chó này đều có điểm chung, đó là phần lông chân, mõm và đốm ở cuối đuôi đều có màu trắng.
1. Chó Husky đen trắng
Đây là màu lông phổ biến nhất ở Việt Nam. Lớp trên cùng phần lưng là lông màu đen pha với lớp lông màu trắng phía dưới bụng. Sự kết hợp giữa hai màu đen trắng tạo nên độ sâu cho lớp màu lông.
2. Chó Husky xám trắng
Lông màu xám thực chất là sự kết hợp của hai màu đen trắng. Tuy nhiên, lượng lông màu đen rất ít, chỉ lớt phớt lưa thưa.
Những chú chó Husky lông màu xám nhìn đẹp, lạ nên được rất nhiều người yêu thích. Màu lông này cũng khá phổ biến nên bạn sẽ dễ dàng tìm được một chú Husky lông xám cho mình.
3. Chó Husky trắng tuyết
Đây màu lông hiếm nhất của chó Husky. Một số bộ phận như mũi, vùng da quanh mắt, chúng ta vẫn quan sát được những chấm điểm màu đen hoặc màu nâu đỏ.
4. Chó Husky đồng hoặc đỏ
Sự xuất hiện của màu lông đồng, đỏ cùng sự kết hợp của màu trắng, tạo nên vẻ đẹp hòa quyện bắt mắt.
5. Chó Husky Agouti
Đây là một trong những màu lông hiếm của chó Husky. Màu Agouti còn được gọi là “màu hoang dã”, gần giống như lông của những sói. Đặc điểm nhận dạng là phần lưng được dải màu than củi, hỗn hợp đen nâu hoặc xám. Phần lông phía dưới bụng và chân có màu trắng xám.
IV. Phân loại chó Husky
1. Chó Husky thuần chủng
Có bố mẹ đều cùng một giống và được công nhận bởi các câu lạc bộ chó kiểng Hoa Kỳ (AKC). Những loại Husky thuần chủng phổ biến bao gồm: Husky Siberian, Chinook, Samoyed,...
2. Chó Husky lai
Có bố hoặc mẹ là Husky thuần chủng được lai với một số giống chó khác hoặc loài động vật khác như cáo và sói. Husky lai không được các câu lạc bộ chó kiểng cũng công nhận.
2.1. Chó Husky lai Becgie
Việc lai giữa chó Husky và Becgie tương đối dễ dàng do chúng có nhiều điểm chung về đặc điểm ngoại hình. Con lai sở hữu hình dáng không quá khác biệt so với bố mẹ với thân hình to lớn, lông rậm và dài. Đặc biệt, phần lông quanh cổ khá dài và xù ra như một chiếc bờm. Chúng có khả năng thích nghi tốt với khí hậu của Việt Nam.
2.2. Chó Husky lai Phú Quốc
Chó Husky lai chó Phú Quốc có ngoại hình tương đối nhỏ, đa phần giống với chó Phú Quốc từ mắt, mũi, miệng đến màu lông vàng đỏ. Phần mặt, bụng và 4 chân lại màu trắng giống Husky.
2.3. Chó Husky lai Alaska
Chó Husky lai Alaska có ngoại hình khá nổi bật với bộ lông dày 2 lớp không thấm nước, thân hình to, kích thước lớn và chắc chắn. Phần đầu của chúng có những nét cực kỳ giống chó sói. Đặc biệt, những chú chó Husky lai Alaska có bờm ở cổ sẽ trông cực kỳ oai vệ và dũng mãnh. Bốn chân vô cùng vững chãi và dáng đi rất mạnh mẽ, oai vệ.
2.4. Chó Husky lai Pitbull
Những chú chó lai giữa Husky và Pitbull thường sẽ có phần miệng rộng, hàm răng sắc nhọn và gương mặt gồ ghề của chó Pitbull. Đồng thời, chúng được thừa hưởng bộ lông dài, thân hình thanh thoát và chiếc đuôi lớn của chó Husky.
Việc huấn luyện những chú chó này thường khá vất vả vì chúng là sự kết hợp giữa 2 giống chó vô cùng nghịch ngợm và khó bảo.
2.5. Chó Husky lai Samoyed
Chó lai giữa Husky và Samoyed có sức khỏe tốt, dẻo dai, ngoại hình cực kỳ sang trọng. Chúng có lớp lông đẹp và dày, thường thì sẽ theo màu của Samoyed hơn là Husky.
2.6. Chó Husky lai Corgi
Con lai giữa Husky và Corgi được thừa hưởng bộ lông từ chó Husky nhưng đôi chân lại ngắn ngủn giống với chó Corgi.
2.7. Chó Husky lai Chow Chow
Husky và Chow Chow đều sở hữu tạng người to nên dòng Husky lai này được sinh ra cũng cực kỳ to lớn và mạnh mẽ. Tuy nhiên chúng sẽ hơi có thiên hướng mập mạp và khá tròn. Màu lông thường thấy là vàng đặc trưng của Chow Chow. Còn lại những đặc điểm khác thì chú cún lai này sẽ lấy từ Husky.
2.8. Chó Husky lai Phốc sóc
Các chú cún lai sẽ vẫn giữ nguyên mọi đặc điểm của Husky, chỉ có vóc dáng nhỏ bé là của phốc sóc. Điều này khiến chúng nhìn như phiên bản Husky mini.
2.9. Chó Husky lai chó cỏ
Husky lai chó cỏ thì đa số chỉ phổ biến tại Việt Nam và một số nước châu Á. Vì đây thường là kết quả của những cuộc vụng trộm ngoài ý muốn. Chứ hầu như không có ai cho Husky đi lai với chó cỏ.
Vì một phần gen của chó cỏ đã bị lai tạp rất nhiều. Việc lai với Husky sẽ cho ra đời một giống chó mà không ai có thể biết được bộ gen. Những đặc điểm về ngoại hình có thể biến đổi đến chóng mặt. Tính cách thì càng khó đoán khiến cho người nuôi khá đau đầu.
V. Chó Husky giá bao nhiêu?
1. Giá bán chó Husky lai ở Việt Nam
Đối với các chú chó Husky Sibir được nhân giống và lai tạo ở Việt Nam, mức giá bán sẽ chỉ dao động trong khoảng từ 6-8 triệu đồng. Chúng sẽ có ngoại hình thay đổi và không có được nét sắc sảo, dũng mãnh giống như chó thuần chủng. Bạn nên tìm những cơ sở bán thú cưng uy tín để có thể mua với giá tốt nhất và đảm bảo giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
2. Giá bán chó Husky thuần chủng nhập khẩu từ Thái Lan
Đối với các chú chó mặt ngáo được nhập khẩu từ Thái Lan, mức giá sẽ dao động từ 12-20 triệu đồng. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận được đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sức khỏe và đảm bảo độ thuần chủng của chúng.
3. Giá bán chó Husky thuần chủng nhập khẩu từ Mỹ
Đối với các chú chó được nhập trực tiếp từ Mỹ hoặc châu Âu, mức giá sẽ dao động từ 30-50 triệu đồng. Đây là quê hương cũng như nơi sản sinh ra những chú chó Husky Sibir thuần chủng. Bạn sẽ có được chú chó với đầy đủ nét đẹp hoang dã cũng như có đủ các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, sức khỏe cần thiết.
4. Những tiêu chí quyết định đến giá chó Husky
- Nguồn gốc
Những chú chó Husky nhập khẩu từ châu Âu, Nga, Mỹ.., có giá cao hơn nhiều so với chó cung cấp từ Việt Nam, Thái Lan và một số nước khác vì chúng là gen thuần chủng, có ngoại hình đẹp, chế độ bảo hành tốt nhất.
- Màu lông
Husky có màu lông phổ biến như đen - trắng, nâu đỏ - trắng, xám - trắng sẽ rẻ hơn so với những màu còn lại. Hiện nay, Husky có màu Agouti và trắng tuyết là mắc nhất trên thế giới, không phải ai có tiền cũng mua được.
- Màu mắt
Giá thành của chó Husky có mắt màu xanh cao hơn Husky mắt nâu từ 3-4 triệu đồng.
5. Có nên mua chó Husky giá rẻ dưới 1 triệu?
Đây là quyết định dựa trên sở thích và nhu cầu của mỗi người. Tuy nhiên, bạn cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua một chú chó giá rẻ vì có thể gặp phải trường hợp lừa đảo hay mua phải chó có các bệnh bẩm sinh hoặc chó lai tạp với những đặc điểm có thể khiến bạn “đau đầu” khi nuôi.
VI. Thức ăn cho chó Husky
1. Chó Husky ăn gì?
- Protein và chất béo
Vì Husky có nguồn gốc từ chó sói, nên thịt là món ăn sở trường của chúng. Bạn có thể lựa chọn: Thịt bò, thịt heo, tim, gan, cật, phổi, lòng, mề, óc,... Bên cạnh đó trứng cũng được xem là loại thực phẩm cung cấp protein rất tốt cho chúng.
- Chất xơ
Tuy chó Husky không thích ăn rau, nhưng bạn bắt buộc phải cung cấp chất xơ cho chúng. Có thể trộn chung các loại rau củ với thịt hay những loại thức ăn chú chó thích.
- Tinh bột
Bạn cần cung cấp tinh bột cho Husky để cung cấp năng lượng và giúp hỗ trợ chức năng tiêu hoá của chúng khoẻ mạnh. Thỉnh thoảng, trong khẩu phần ăn nên thêm: Gạo lứt, gạo trắng, gạo lúa mì,…
2. Chế độ dinh dưỡng theo giai đoạn
- Từ 2-5 tháng tuổi
Số bữa ăn trong ngày nên chia nhỏ, khoảng 4 bữa/ngày. Lượng thức ăn cho chó trong một bữa nên vừa phải.
- Từ 5-12 tháng tuổi
Số bữa ăn nên giảm xuống còn 3 bữa/ngày. Lượng thức ăn có thể tăng lên so với trước (tùy thuộc vào sức ăn của Husky).
- Trên 12 tháng tuổi
Husky ở độ tuổi trưởng thành chỉ cần duy trì 2 bữa/ngày với lượng thức ăn lớn hơn. Lưu ý không nên làm Husky quá no.
3. Một số lưu ý khi cho Husky ăn
- Cho Husky ăn đúng giờ, đúng bữa, tuyệt đối không cho ăn tùy tiện.
- Khi ăn xong cần phải cất thức ăn thừa để không tạo thói quen ăn lâu cho chúng hoặc làm mất vệ sinh khiến chúng bị bệnh vì thức ăn ôi thiu.
- Rửa sạch bát và cất gọn vào một chỗ sau khi cho Husky ăn xong.
VII. Cách chăm sóc chó Husky tốt nhất
1. Chăm sóc lông
Bạn nên chải lông cho chú chó của mình thường xuyên để giúp lông luôn suôn mượt và ngăn nguy cơ rụng lông bừa bãi. Bên cạnh đó, việc chải lông sẽ giúp bạn có thể phát hiện được những điều bất thường trên da, từ đó sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho chú chó của mình.
2. Tắm rửa
Husky Sibir là giống chó ưa thích sự sạch sẽ, chúng sẽ tự làm sạch cơ thể giống như loài mèo. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải tắm rửa định kỳ 2 lần/tháng cho chú chó của mình để đảm bảo chúng không bị ngứa ngáy do chấy rận tấn công.
3. Chăm sóc răng miệng
Đánh răng cho Husky ít nhất 3 lần/tuần để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho chúng và ngăn ngừa các vi khuẩn tạo thành mảng bám và mùi hôi.
4. Cắt móng
Cắt móng cho chú chó của bạn từ 1-2 lần/tháng để tránh chúng cào rách đồ đạc trong nhà cũng như tự làm trầy xước bản thân.
5. Vệ sinh đôi tai
Đôi tai to và dựng đứng cần được vệ sinh thường xuyên. Hãy lau sạch chúng bằng khăn ẩm có tẩm cồn và lau ở bên ngoài vành tai. Kiểm tra xem đôi tai có xuất hiện mẩn đỏ hay cái gì đó bất thường không.
VIII. Cách huấn luyện chó Husky
1. Chế độ tập luyện dành cho chó Husky
Dù có bận rộn đến đâu, bạn nên dành 25-30 phút mỗi ngày để cho Husky vận động. Việc làm này giúp cún cưng giải phóng năng lượng thừa, tránh việc phá phách lung tung trong nhà. Bạn có thể áp dụng một số bài tập như sau:
- Dẫn Husky đi dạo mỗi ngày.
- Cho cún chạy bền 5-6 km bằng cách chạy theo xe đạp của bạn.
- Buộc dây kéo vào xe đạp hoặc lốp oto cho chúng kéo. Husky là giống chó kéo xe, do đó chúng cực kì thích các bài tập nặng.
- Nếu quanh nhà bạn có bể bơi, sông, hồ thì có thể cho chúng đi bơi. Đây là phương pháp luyện tập khá tốt.
Vào những ngày nắng nóng, không được đưa Husky ra ngoài vào buổi trưa. Bạn có thể cho chúng thực hiện các bài tập đi dạo hay chạy bền vào sáng sớm hoặc tối muộn, lúc nhiệt độ trong ngày hạ thấp nhất.
Sau mỗi lần tập thì nên cung cấp đầy đủ nước uống cho Husky. Giai đoạn tập luyện quan trọng nhất là khi Husky trên 6 tháng tuổi - độ tuổi phát triển mạnh mẽ nhất. Bạn có thể tăng cường các bài tập phát triển cơ bắp dành cho chúng.
Cũng giống như Alaska, Husky không thích và cũng không có khả năng chơi các trò như ném - nhặt đồ vật hoặc đánh hơi tìm đồ như các giống chó cảnh khác.
2. Cách thiết lập sự thống trị trong huấn luyện
- Không cho Husky ăn khi bạn đang ăn đồ ăn trước mặt chúng.
- Không bao giờ vượt qua Husky bằng cách bước sang một bên mà phải tập cho chúng bước sang một bên để thiết lập sự thống trị.
3. Cách khen thưởng trong huấn luyện
- Không thưởng quá nhiều lần hoặc cho phần thưởng quá lớn vì Husky sẽ no và sinh ra lười biếng.
- Không nên lạm dụng việc thưởng quá nhiều để tránh trường hợp lần sau không có thưởng chúng sẽ không nghe lời.
4. Cách để Husky nhớ bài học một số khẩu lệnh cơ bản- Đối với lệnh ngồi
+ Đưa thức ăn lên đầu chú chó, lúc này Husky sẽ ngồi xuống.
+ Nói thật to chữ “Ngồi” rồi cho chúng một phần thưởng.
Lưu ý: Nếu Husky không chịu ngồi thì hãy kiên nhẫn bắt đầu lại bài học, tuyệt đối không được đánh đập hay la hét. Bài học cần được luyện tập thường xuyên khi Husky đã thuần thục thì bắt đầu bỏ thưởng bằng thức ăn và thay vào đó là một cái ôm hoặc cử chỉ vuốt ve.
- Cách đi vệ sinh đúng giờ
+ Luôn quan sát Husky và tìm hiểu thói quen của chúng để biết khi nào Husky sẽ đi vệ sinh và dắt chúng vào khu vực vệ sinh trong thời gian này.
+ Nhận biết hành vi muốn đi vệ sinh của Husky như: Đi vòng quanh hoặc có những di chuyển bất thường.
+ Đứng chờ Husky giải quyết xong, những hành vi đánh đập hay la mắng sẽ khiến chúng không nghe lời chủ nữa.
5. Lời khuyên khi huấn luyện chó Husky
- Luyện tập hằng ngày để Husky không quên bài cũng như hiểu rõ hơn về câu lệnh của bạn.
- Khuyến khích những thành viên khác trong gia đình thực những lệnh tương tự với Husky.
IX. Phân biệt chó Husky và Alaska
1. Chiều cao, cân nặng
Alaska có thân hình to lớn vạm vỡ hơn nhiều so với Husky, đặc biệt là dòng Giant khổng lồ. Chó Husky trông nhỏ nhắn và thanh thoát hơn so hẳn.
2. Đuôi là bộ phận dễ phân biệt nhất
Đuôi của Alaska rất dày, xù lên như chiếc chổi lông, lúc nào cũng cong lên để trên lưng. Đuôi Husky ngắn và mượt hơn, thường buông thõng xuống khi đi lại và chỉ hơi cong lên khi đang vẫy đuôi.
3. Bộ lông
Lông của Alaska thường dày và dài hơn. Husky thì lại có bộ lông ngắn và mềm mượt hơn nên dễ nuôi tại những đất nước nhiệt đới như Việt Nam.
4. Đôi mắt
Đôi mắt Alaska thuần chủng chỉ có 2 màu nâu hoặc nâu đen. Husky lại có màu mắt đa dạng hơn với màu xanh biển, xanh da trời, xanh lá cây, màu hổ phách, màu nâu. Đôi khi có 1 số cá thể có mắt 2 màu màu nửa xanh nửa nâu nhưng rất hiếm.
Chó Husky mắt 2 màu
5. Đầu và mặt
Đầu Alaska to và bành hơn với lông xù xung quanh còn Husky lại trông khá gầy, mõm dài hơn. Trong khi Alaska nhìn có vẻ khá dữ dằn thì Husky lại có vẻ hiền lành với “nụ cười Husky” thân thiện kể cả khi chúng đang ngậm miệng.
6. Tính cách
Alaska thông minh, thân thiện, dễ huấn luyện. Husky ương ngạnh, khó bảo và hơi ngáo.
X. Một số câu hỏi thường gặp
1. Chó Husky có giữ nhà được không?
Mặc dù với bề ngoài to lớn và có phần đáng sợ nhưng với tính cách hiền lành, thân thiện có chút hài hước và dễ thương thì Husky không phải là giống chó giữ nhà tốt. Cho dù bạn huấn luyện chúng hung dữ hơn những chúng sẽ chờ lệnh của bạn trước khi tấn công.
2. Nuôi chó Husky có khó không?
Nuôi chó Husky không hề đơn giản, cần phải chăm sóc tỉ mỉ và dành nhiều thời gian với chúng. Giống chó này không thích hợp với những người bận rộn và sống trong không gian chật chội.
3. Chó Husky có dữ không? Có cắn người không?
Vì có nguồn gốc từ giống chó sói nên nếu làm gì quá khích thì bản năng của Husky sẽ trỗi dậy, chúng sẽ tức giận và quay qua cắn bạn.
Tuy nhiên, nếu được huấn luyện bài bản, chó Husky sẽ không cắn người.
4. Chó Husky có thông minh không?
Giống chó này thông minh nhưng khá bướng bỉnh và độc lập. Đại đa số chú chó Husky đều tốt với các giống chó khác, nhất là các con được nuôi cùng. Khả năng săn mồi của giống chó Husky cực kỳ cao. Chúng sở hữu tốc độ tốt, có thể đuổi theo gia súc và mèo.
5. Chó Husky bị rụng lông không?
Chó Husky sống ở vùng giá lạnh thường bị rụng lông vào mùa xuân và mùa thu.
Ở nơi có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam thì chúng bị rụng lông quanh năm.
Giống chó này sẽ bắt đầu bị rụng lông vào khoảng thời gian từ 4-5 tháng tuổi và rụng nhiều nhất là vào mùa thay lông hoặc thời kỳ động dục thì hiện tượng này lại càng diễn ra mạnh hơn nữa.
6. Chó Husky có ăn cơm được không?
Cơm, cháo, bánh quy là những thực phẩm cung cấp tinh bột chủ yếu để bổ sung năng lượng cho Husky trong ngày. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của Husky sẽ không tiêu hóa tinh bột tốt như hệ tiêu hóa của chúng ta, vậy nên cần hạn chế cho chúng ăn cơm.
7. Chó Husky sống bao lâu?
Nếu như được chăm sóc tốt, những chú chó Husky Sibir sẽ có tuổi thọ trung bình vào khoảng 12-15 năm, thậm chí có thể cao hơn.