Các loại phí tăng thêm khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thêm khó khăn, giảm sức cạnh tranh vì phải chi hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng mỗi năm.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, sau khi Luật Phí và Lệ phí được ban hành và bốn thông tư quy định về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp có hiệu lực từ 1-1-2017 có nhiều mức phí tăng lên rất cao.
Với mức phí phải đóng làm gia tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp mà trước đó họ không phải trả chi phí này.
Vì vậy, mới đây Hiệp hội Chế biết và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 25/2017 tới Bộ Tài chính kiến nghị về mức phí quy định tại bốn thông tư về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và an toàn thực phẩm (Thông tư 230, 279, 285 và 286/2016).
Tại công văn này, VASEP kiến nghị rà soát, điều chỉnh các mức phí quy định ở bốn thông tư, cụ thể phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại doanh nghiệp là 350.000 đồng/lô hàng, đối với trường hợp chỉ kiểm tra hồ sơ là 100.000 đồng/lô hàng.
Theo VASEP, mức phí trên là rất cao và làm gia tăng chi phí đáng kể của doanh nghiệp khi mà trước đây doanh nghiệp không phải trả chi phí này. Theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu lấy quy mô sản xuất xuất khẩu như năm 2016 thì các doanh nghiệp sẽ phải mất thêm từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng/năm cho mỗi doanh nghiệp.
Dẫn chứng, một doanh nghiệp cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long lấy theo quy mô sản xuất năm 2016, một ngày phải lấy mẫu kiểm 15 lô hàng. Khi đó, chi phí từ năm 2017 dự kiến sẽ tăng thêm 350.000 đồng/lô, tính ra mỗi năm doanh nghiệp phải đóng thêm 1,26 tỉ đồng/năm.
Trường hợp khác, một công ty sản xuất hải sản khô (thuộc diện nhỏ) tại Nam Trung Bộ, có 288 lô hàng xuất khẩu và 250 lô hàng nhập khẩu. Khi đó, tính theo quy định của thông tư mới từ 1-1-2017, thì chỉ riêng chi phí lấy mẫu để cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu sẽ tăng thêm hơn 100 triệu đồng/năm.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Tiền Giang
Về mức phí tại biểu phí ban hành kèm theo Thông tư 279: “Thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm… công bố lần đầu là 500.000 đồng /lần/sản phẩm và công bố lại: 300.000 đồng /lần/sản phẩm”.
VASEP kiến nghị Bộ Tài chính rà soát quy định lại mức thu này để có thể hỗ trợ được cho DN trong bối cảnh hiện nay, kiến nghị mức thu “thẩm định hồ sơ...” là không quá 200.000 đồng/lần cho công bố lần đầu và không quá 100.000 đồng/lần đối với công bố lại.
Đối với Thông tư 230 về phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản lên tới 700.000 đồng/lần. Các doanh nghiệp cũng phản ánh, đây là mức phí quá cao, không thể đồng tình. VASEP kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản xuống không quá 100.000 đồng/lần.
Theo thống kê của một công ty chế biến cá ngừ cỡ vừa, trong năm 2016 họ đã phải cần tới tổng cộng 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Nếu theo quy định của Thông tư 286 thì một năm công ty sẽ phải chi trả thêm chi phí cho hoạt động này là 840 triệu đồng/năm. Các doanh nghiệp lớn hơn, con số sẽ thậm chí gấp 2-3 lần.
Trong bối cảnh ngành thủy sản trong nước đang gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia,…, VASEP đề nghị Bộ Tài Chính xem xét sớm rà soát, sửa đổi các quy định mới còn bất hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2017 và Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ.