Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi biết đến sự tồn tại của các dịch vụ cho thuê dâu rể, đóng vai cha mẹ hai bên dự tiệc cưới. Dù vấp phải sự ngờ vực và định kiến của nhiều người, dịch vụ này lại ẩn sau nó những số phận éo le, cần được thông cảm nhưng cũng mang đầy hệ lụy khó lường.
Đây là loại hình dịch vụ này không hề được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội nhưng những người cần đến đều có thể dễ dàng kết nối với bên môi giới thông qua một số tiệm váy cưới, studio chụp ảnh. Ngoài ra, vẫn có những công ty chuyên hoạt động về mảng dịch vụ cho thuê dâu, rể nhưng khá kín tiếng.
Khi cùng bạn đi tìm trang phục cưới, M.Trang vô tình thấy biển quảng cáo cho thuê cô dâu, chú rể tại một tiệm váy cưới trên đường Đào Duy Anh (Quận Phú Nhuận, TP HCM). Thắc mắc mục đích của những người cần dịch vụ này, cô đặt câu hỏi trong một hội nhóm trên facebook nhưng đa phần đều nhận về nhiều bình luận khá tiêu cực, sau đó M.Trang phải khoá bình luận vì một số lời lẽ khiếm nhã.
Khi nghe đến dịch vụ cho thuê cô dâu, chú rể, nhiều người liền phản ứng gay gắt vì cho rằng đây là hành động mang tính chất lừa đảo và chỉ những người có ý đồ xấu mới sử dụng dịch vụ khó hiểu này. Không ít lần, một số sự việc dâu, rể giả mạo bị phanh phui trên mạng xã hội, đa phần đều vì mục đích lừa tiền của gia đình hoặc các mục đích khác liên quan đến tài chính.
Theo tìm hiểu của PV, công ty Vina*** là một trong những công ty hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực này. Trên website có đầy đủ thông tin, địa chỉ chi nhánh ở cả TP HCM và Hà Nội, cũng cấp bảng giá, mục đích và ý nghĩa của việc cho thuê cô dâu, chú rể.
Bảng giá dịch vụ được công khai trên trang web
Theo lời giới thiệu của công ty này, dịch vụ cho thuê dâu rể, cha mẹ hai bên, thậm chí thuê cả họ hàng, quan khách đến dự nhằm mục đích giúp nhiều người thoát khỏi sự đàm tiếu của người ngoài cuộc. Người trót lỡ mang thai nhưng không được chấp nhận, người muốn che giấu giới tính thật của bản thân hoặc vì một số lý do cá nhân, không muốn kết hôn.
Các bên cho thuê "nhân sự" liên quan đến cưới hỏi thường cam kết bảo mật thông tin, tất cả "diễn viên" đều sẽ được học trước kịch bản, học về các thông tin liên quan đến gia đình để tránh trường hợp bị lộ tẩy, được phép yêu cầu diễn thử trước khi thực hiện thực tế. Làm việc chuyên nghiệp, tế nhị không ồn ào. Bên cạnh đó, họ cho biết các đám cưới có thuê nhân sự giả là thoả thuận dân sự, có hợp đồng thanh toán chi phí rõ ràng.
Một đám cưới giả sẽ được bắt đầu bằng việc thỏa thuận giữa khách hàng và đơn vị cung cấp dịch vụ. Sau đó sẽ là chọn đối tượng chú rể/cô dâu đóng vai chính trong lễ cưới giả, ngoài ra sẽ thuê kèm bố mẹ, thuê người đại diện,dịch vụ tổ chức đám cưới giả sẽ bao gồm tất cả các thủ tục nghi lễ theo như khách hàng yêu cầu như: Ăn hỏi, đón dâu, bữa cơm thân mật, gặp gỡ thông gia và giải quyết các vấn đề nảy sinh. Tổng các chi phí lên tới hàng chục triệu đồng.
Liên lạc với công ty trên, tư vấn viên cho biết có nhận đào tạo nhân sự, thông thường những người làm công việc này coi đây như một nguồn thu nhập nhỏ ngoài công việc chính. Có nhiều "diễn viên" cô dâu còn là sinh viên, đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống vì việc này thường được xếp lịch từ trước, có thể chuẩn bị và sắp xếp thời gian. Tuy nhiên, công ty cũng có một số yêu cầu cho dâu/rể đó là ăn nói lưu loát, ngoại hình dễ nhìn, nhanh nhạy biết cách ứng phó được một số tình huống bất ngờ.
Bạn Phương Thảo (SV ngành Nhân học - Đại học KHXH &NV TP HCM) bất ngờ khi biết đến dịch vụ này. Sau khi tìm hiểu một số thông tin về mục đích của công việc này, bạn băn khoăn cho rằng: "Mình nghĩ nếu đặt dịch vụ này khoảng 5-7 năm về trước thì dễ hiểu bởi khi đó định kiến giới còn nặng nề, nhiều gia đình không thể nào chấp nhận con cái mình đồng tính, hoặc việc làm mẹ đơn thân, sinh con mà không có chồng bị xóm giềng dè bỉu.
Nhưng hiện nay, xã hội đã cởi mở hơn và đặc biệt mình thấy ở các tỉnh phía Nam đã xuất hiện rất nhiều đám cưới đồng tính nam nam - nữ nữ, các đám cưới đều có đầy đủ cha mẹ hai bên và diễn ra trong không khí rất vui hạnh phúc... Nên mình cảm thấy khó hiểu vì sao dịch vụ cưới giả như thế vẫn tồn tại?".
Đồng tình với quan điểm của bạn Phương Thảo nhưng bạn T. Tuyền (hiện đang hoạt động trong một tổ chức nâng cao nhận thức về giới tại Việt Nam) vẫn đồng cảm và hiểu được nguyên nhân xuất hiện của loại hình dịch vụ này.
"Theo Tuyền, dù cho xã hội đã cởi mở nhưng vẫn có nhiều cá nhân không thể đối diện được gia đình, họ không muốn làm bố mẹ buồn lòng nên tìm đến những bạn gái giả, sau đó là những đám cưới để che mắt. Không phải ai cũng đủ dũng cảm để sống với điều họ muốn, đó là ràng buộc về trách nhiệm, hiếu đạo, truyền thống gia đình...Vậy nên, đối với người sử dụng loại hình dịch vụ này, chắc chắn cũng sẽ có nhiều hệ luỵ về sau nếu bị phát hiện, nhưng trước mắt vẫn có thể xem là một hành động nhân văn, giúp cho nhiều người vượt cảm được mặc cảm nhất thời". - T.Tuyền nêu quan điểm.
GS.TS Hoàng Bá Thịnh (Khoa Xã hội học, ĐH KHXH & NV Hà Nội) cho biết sự xuất hiện của loại dịch vụ này đến từ nhu cầu trong xã hội, có người cần đến thì dịch vụ mọc lên. Tại các nước như Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc.. dịch vụ này nở rộ vì ảnh hưởng của nền văn hoá Á Đông, đề cao sự tiếp nối gia đình, sinh con nối dõi. Người dân chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Á Đông còn nhiều hạn chế, thiếu cởi mở trong việc chấp nhận phụ nữ sinh con một mình, có định kiến với người LGBT và thường xuyên lời ra tiếng vào với người kết hôn muộn hoặc theo đuổi chủ nghĩa độc thân.
GS Hoàng Bá Thịnh cũng nói thêm, tuy trước mắt có dịch vụ này giúp một nhóm người giải quyết được vấn đề tạm thời, có thể được xem là nhân văn, không vi phạm đạo đức nhưng nếu bị phát hiện thì hậu quả khó lường: cha mẹ xấu hổ, hàng xóm càng dị nghị, bạn bè cười chê và việc tổ chức một đám cưới giả còn khá tốn kém, ảnh hưởng đến kinh tế.