Đằng sau vinh quang của thời trang - ngành công nghiệp sinh lời hàng đầu trên thế giới là sự tàn phá môi trường sống. Vì vậy, những năm gần đây, để giữ gìn cuộc sống xanh, các nhà mốt lớn đã bắt đầu cuộc cách mạng thời trang bền vững một cách thiết thực với những thông điệp và hành động cụ thể.
Bạn có biết những bộ quần áo bạn đang mặc trên người đã phải trải qua rất nhiều công đoạn sản xuất: từ thu hoạch sợi bông rồi dệt sợi, dệt vải, nhuộm, cắt may và cuối cùng là đóng gói bao bì. Chưa kể, với những bộ trang phục làm từ lông thú hay da động vật, quy trình này còn kéo dài hàng chục công đoạn khác. Chính vì vậy, may mặc đứng thứ nhì trong số tất cả ngành công nghiệp về tiêu tốn tài nguyên nước và gây ô nhiễm nguồn nước. Đi kèm với “thành tích” này, ngành công nghiệp thời trang hiển nhiên cũng trở thành một trong những nguồn phát sinh, đã và đang gây ra những ảnh hưởng đáng báo động về môi trường.
Vật liệu dùng trong may mặc gây ô nhiễm nguồn nước
Phần lớn các trang phục bạn diện đều được dệt từ vải polyester. Khi giặt loại vải này trong máy giặt gia đình, chúng tạo nên những sợi vải siêu nhỏ, có thể dễ dàng đi qua nhà máy xử lý nước thải, vào các tuyến đường thủy làm gia tăng lượng nhựa trong nước biển. Vì không thể phân hủy sinh học, chúng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với sinh vật dưới nước.
Đối với quần áo đem chôn, hóa chất độc hại có trong đó sẽ còn tồn tại rất lâu và ngấm sâu vào trong đất, kể cả nguồn nước. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây bông và thuốc nhuộm trong quá trình dệt vải cũng làm cho nguồn nước bị ô nhiễm.
Quần áo thừa trở thành rác khổng lồ
Xu hướng thời trang liên tục thay đổi cộng hưởng cùng việc sản xuất quần áo quá nhiều, sức cung vượt cầu đã tạo ra lượng đồ dư khổng lồ. Tuy nhiên, rác thải thời trang vốn không dễ để tiêu hủy vì những món đồ thời trang trước khi được mang bán đều đã trải qua nhiều giai đoạn được tẩy rửa và nhuộm bằng hóa chất.
Ngoài ra, phần lớn đồ may mặc đều chỉ được diện một thời gian ngắn trước khi chúng trở nên lỗi mốt, không vừa hoặc chỉ mặc một vài lần rồi vứt bỏ tại các bãi rác. Và khi chôn lấp, vải nhuộm và sợi tổng hợp cũng khó phân hủy hệt như rác thải nhựa. Thiêu hủy quần áo lại càng thải ra môi trường các loại khí nhà kính, đóng góp vào quá trình biến đổi khí hậu do Trái đất ấm lên.
Vi phạm nhân đạo về phúc lợi động vật
Bên cạnh những tác động xấu đến môi trường, nhiều thương hiệu thời trang còn bất chấp đi ngược chiều sử dụng lông thú, da động vật để sản xuất thời trang. Một trong những thương hiệu bình dân từng bị tẩy chay về hành vi sử dụng hình ảnh ngược đãi động vật in áo đến việc lấy lông cừu để làm nguyên liệu sản xuất quần áo chính là Forever 21.
Theo PeTA (tổ chức cộng đồng những người đứng lên bảo vệ phúc lợi của động vật), dây chuyền sản xuất của Forever 21 sử dụng nguyên liệu đầu vào là lông cừu thật. Tất cả sản phẩm như áo hoodie, áo choàng,… của thương hiệu hoàn toàn được sản xuất bằng lông cừu lấy từ những trang trại ở Úc.
Trong một đoạn video từng được đăng tải, quy trình lấy lông dã man khi những chú cừu bị lôi đi một cách thô bạo, bị đánh và dẫm đạp, bị cạo lông đến mức rách da thịt đã nhận về sự phản đối kịch liệt từ người dùng thời trang.
Đứng trước những hậu quả khó lường, một vài năm trở lại đây, các “ông lớn” trong ngành thời trang đều cho thấy những độc thái trong việc bảo vệ môi trường. Họ theo đuổi triết lý về thời trang bền vững, thời trang thân thiện với môi trường để đóng góp sức mình vào việc hạn chế những tác động xấu của ngành may mặc đến lối sống xanh. Mỗi thương hiệu đều có thể chọn một công thức bền vững riêng phù hợp với giá trị, niềm tin và nguồn lực tài chính.
Đối với những thương hiệu thời trang xa xỉ, các “ông lớn” từng thu về khối lợi nhuận khổng lồ từ những sản phẩm may mặc được làm từ da, lông thú như Gucci, Prada, Versace, Michael Kors, Burberry đều không với lông động vật.
Trong sự kiện ra mắt BST Xuân - Hè 2020, Dior đã bố trí sàn diễn bao phủ cây thật (cây sau đó được đem trồng ở nhiều địa điểm ở Paris) cũng như trình làng những bộ trang phục cầu kỳ bằng kỹ thuật đan móc thủ công, chất liệu cói thân thiện với môi trường xuất hiện từ thiết kế mũ rộng vành.
Đối với Alexander McQueen, thương hiệu thời trang nước Anh chọn lối cách tân các mẫu thiết kế cũ, sử dụng chất liệu là tulle, organza và ren tái chế từ những BST trước đây. Bên cạnh đó, Alexander McQueen còn lựa chọn các nhà cung cấp lâu đời của Anh quốc, vừa nhấn mạnh thông điệp “Made in England”, vừa tiết kiệm hành trình vận chuyển chất liệu vốn tiêu hao nhiên liệu và thải ra lượng khí thải cao.
Sau khi về chung nhà LVMH, Stella McCartney cũng đã trình diễn BST được ghi nhận là bền vững nhất trong lịch sử thương hiệu với hơn 75% chất liệu thân thiện với môi trường như cotton, polyester tái chế, vải sợi econyl tái chế từ lưới đánh cá và sợi gai dầu.
Trong khi đó, các thương hiệu thời trang bình dân nói chung từng một thời lao đao trước những cáo buộc gây ảnh hưởng đến môi trường giờ đây cũng đã có những bước đi vững chắc hơn trong cuộc cách mạng soi sáng và phát minh chất liệu mới thân thiện.
Để bắt kịp xu hướng thời trang xanh, ngày càng nhiều các giải pháp sáng tạo từ các vật dụng bỏ đi hoặc vật liệu thân thiện với môi trường được ra đời.. Theo đó, vỏ cam, vỏ quýt da nhân tạo..., hay những nguyên liệu thường bị vứt bỏ khi nấu ăn, hiện đã được các nhà thiết kế ứng dụng vào sản xuất quần áo và phụ kiện thời trang.
Vải làm từ vỏ cam, quýt
Tại Ý, với gần 1 triệu tấn vỏ cam, quýt được thải ra môi trường mỗi năm, một cặp đôi người Ý đã sử dụng vỏ cam quýt dư thừa để biến chúng thành vải. Cách hoạt động của phương pháp này chính là chiết xuất xenlulozo từ vỏ cam, biến nó thành sợi polyme và dệt thành vải. Việc sử dụng cam để làm vải được xem là cách giúp các nhà sản xuất trái cây giải quyết được phần nào vấn đề xử lý rác thải.
Da nhân tạo
Các sản phẩm da thuộc luôn mang vẻ đẹp sang trọng và thời thượng, giúp nâng tầm đẳng cấp thời trang cho người mặc. Tuy nhiên, chất liệu này lại mang đến những tác động xấu dành cho môi trường như ô nhiễm không khí (khí thải metan từ động vật) cũng như cạn kiệt tài nguyên rừng (phá rừng để tăng diện tích đất chăn nuôi). Vì vậy, một số công ty đã tạo ra một quá trình sản xuất da thuộc mà không cần phải sát hại động vật. Theo đó, nhờ vào việc nuôi cấy collagen - protein được tìm thấy trong da động vật và phát triển chúng thành da nhân tạo, chất liệu này đã có thể ngăn ngừa được sự tàn phá của thời trang đối với môi trường.
Lưới đánh cá, rác nhựa ở biển tái chế
Rác thải đại dương là một trong những vấn đề nhức nhối hiện tại khi gây ra cái chết của các loài hải sinh và những loài chim biển. Vì vậy, trong nỗ lực biến rác thải thành một thứ hữu dụng, nhiều dự án thời trang cùng các BTS đã trình làng những thiết kế được tái chế từ rác nhựa ở biển được giới mộ điệu đánh giá cao không chỉ ở mặt thẩm mỹ mà còn vì tính thân thiện với môi trường.
Áo thun được làm từ bạc hà và bạc
Không chỉ thay đổi dây chuyền sản xuất, một số thương hiệu còn chú ý đến việc tạo ra loại vải có khả năng khử mùi hôi từ bạc hà và kim loại bạc - nguyên liệu thân thiện với thiên nhiên. Đây là cách làm giúp việc giặt giũ - công đoạn làm hao phí nguồn tài nguyên nước, điện và gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước khu vực được hạn chế. Chỉ giặt một lần khi chiếc áo bị ngả màu.
Giày được làm từ bã cà phê và nhựa
Không riêng gì các thương hiệu thời trang lớn, hai thanh niên người Việt Nam tại Phần Lan vừa qua đã nhận được sự chú ý của cộng đồng thế giới khi tạo ra những đôi giày được làm từ bã cà phê và nhựa. Với mỗi đôi giày được sản xuất từ 300g bã cà phê (từ 21 cốc cà phê) và 6 chai nhựa, startup của hai bạn trẻ 9X đã góp phần làm giảm bớt tình trạng ô nhiễm môi trường.
Có thể nhận thấy, xu hướng thân thiện với môi trường ngày sẽ càng trở nên mạnh mẽ và lan rộng hơn. Bởi ở thời điểm hiện tại, bất kể các thương hiệu thời trang bình dân hay xa xỉ đều đặt tính trách nhiệm đối với môi trường lên hàng đầu. Hành động tích cực ngày hôm nay sẽ đặt nền tảng cho sự thay đổi lớn của ngành thời trang trong tương lai, góp phần bảo vệ cuộc sống xanh, giảm thiểu các tác hại lên môi trường.