Tận dụng kiến thức về hoá học, nhóm bạn trẻ ở Sài Gòn quyết định thực hiện dự án biến dầu ăn đã qua sử dụng trở thành xà phòng ngát hương thơm, góp phần giảm thiểu rác thải sinh hoạt, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Trong những năm trở lại đây, các vấn đề về môi trường đang được cộng đồng đặc biệt quan tâm khi nhân loại đang đứng trước những mối đe doạ về sự nóng lên toàn cầu hay những cơn bão liên tục được hình thành ngoài đại dương gây nhiều tổn thất về người và của.
Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm" của Gen Z trong thời đại mới, các bạn trẻ đã cùng nhau thực hiện nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau với mong muốn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay tái chế vật phẩm đã qua sử dụng để tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu, giảm thiểu lượng rác thải và giúp không gian sống thêm “xanh - sạch - đẹp".
Đặng Quốc Huy (SN 2002) sinh viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch quyết định thành lập dự án Cũ Đổi Xanh từ tháng 3/2024 với mục đích nâng cao nhận thức của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên về các vấn đề môi trường.
Đến nay, nhóm đã tổ chức hơn 15 hoạt động liên quan đến chủ đề sống xanh, bảo vệ môi trường và thu hút hơn 5.000 người tham gia. Dự án Cũ Đổi Xanh đã đạt được thành tựu ngoài mong đợi như thu gom hơn 5.000 viên pin, 1.000 chai nhựa, 1.000 cuốn sách, 50kg túi nylon và 50kg quần áo cũ…
Trong số đó, dự án tái chế dầu ăn thừa đã qua sử dụng tạo ấn tượng với cộng đồng khi nhóm bạn trẻ có thể biến nguồn nguyên liệu tưởng chừng đã không thể sử dụng trở thành món vật dụng hữu ích trong cuộc sống thường nhật.
Dự án tái chế xà phòng từ dầu ăn thừa nhằm giảm thiểu lượng dầu thải ra môi trường, từ đó giảm lượng carbon gây hại và tạo nên sản phẩm mới có giá trị sử dụng cao.
“Sau khi nấu ăn, chúng ta thường có thói quen đổ dầu ăn thừa xuống cống rãnh hay đổ trực tiếp lên sông, suối hoặc những bãi đất trống. Tuy nhiên, hành động ấy lại khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng ta đang vô tình cản trở quá trình trao đổi khí và gây chết các sinh vật, động vật, thực vật sống ở mặt nước, bên trong lòng đất. Và trong tương lai nó ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của con người" - Quốc Huy, người sáng lập dự án chia sẻ.
Nghĩa là làm, nhóm đã bắt tay vào việc sáng tạo, tìm cách tạo ra hàng nghìn bánh xà phòng thảo mộc từ nguồn nguyên liệu không tưởng. “Quy trình thực hiện cũng khá đơn giản và không yêu cầu công nghệ kỹ thuật cao. Đầu tiên chúng em sẽ lọc bỏ cặn, tạp chất, khử mùi, sau đó dùng các nguyên liệu như nước cất, NaOH thêm vào các loại bột như cà phê và tinh dầu từ thiên nhiên theo ý thích để tạo mùi thơm phù hợp hơn với nhiều loại da.
Ngay cả các bạn không tham gia dự án vẫn có thể tự làm tại nhà với công thức hoá học xà phòng hoá đơn giản. Một trong những khuyết điểm của phương pháp này đó là thời gian, vì phải đợi xà phòng hoá hoàn toàn thì mới sử dụng được và thời gian này có thể kéo dài từ 1-2 tháng” - nam sinh chia sẻ về quá trình thực hiện xà phòng từ chất cặn bã trong nấu ăn.
Xà phòng sau khi được tái chế từ dầu ăn thừa vừa là sản phẩm xanh, hướng đến sự an toàn cho người sử dụng, lại có khả năng tẩy rửa không kém xà phòng công nghiệp thông thường.
Không chỉ thế, nhóm còn tổ chức các Workshop sống xanh để người tham gia có thể tìm hiểu các bước tự tay chế tạo xà phòng bằng dầu ăn thừa ngay tại nhà. Từ đó, giảm thiểu tối đa lượng dầu ăn đã qua sử dụng thải ra môi trường.
Tâm sự về khó khăn lớn nhất của dự án này, nam sinh trường y cho biết: “Khó khăn lớn nhất có lẽ là không có trụ sở và địa điểm cố định nên việc vận chuyển tốn khá nhiều thời gian và nguồn lực. Chúng em đã thu dầu ăn qua sử dụng từ tháng 3 - tháng 9, đến nay nhóm đã sản xuất được 1.000 bánh xà phòng từ dầu ăn cũ. Còn số lượng dầu còn lại, chúng em chuyển cho đơn vị tái chế dầu uy tín thành diesel sinh học”.
Quốc Huy (bên trái) rất vui và hạnh phúc khi kết nối cùng những người bạn có chung lý tưởng, muốn bảo vệ môi trường nên tất cả đã đồng hành, phát triển dự án Cũ Đổi Xanh.
Người sáng lập dự án nhận định đây là mô hình không mới ở Việt Nam và trên thế giới. Song, nhờ những buổi Workshop của Cũ Đổi Xanh đã đưa dự án tiếp cận nhiều người hơn và nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng từ sinh viên và hơn hết là những bà nội trợ - người trực tiếp sử dụng dầu ăn hằng ngày để chế biến món ngon cho cả gia đình.
Trong tương lai, nhóm vẫn tiếp tục hoạt động với mục tiêu ban đầu là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của giới trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung. Ngoài ra, nhóm sẽ tập trung hướng về giáo dục, nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa và vi nhựa thông qua những buổi Workshop, gian hàng lưu động tại các trường đại học.