Hãy bỏ túi những kiêng kị giúp việc đi tảo mộ tiết Thanh minh cổ truyền được trọn vẹn, may mắn tốt lành hơn, có ý nghĩa hơn...
1. Sức khỏe không tốt nếu đi tảo mộ tiết Thanh minh cần cẩn thận
Nhiều người đi tảo mộ về đau ốm cả tuần, thậm chí cả tháng trời. Người dân lưu ý là việc tảo mộ, sửa sang mộ phần gia tiên là việc quan trọng cần làm trong Tết Thanh minh, và năm nào cũng có Thanh minh. Vì thế, người hay đau ốm hãy cẩn thận giữ mình, bởi năm nay có thể không đi Thanh minh được thì sang năm, hoặc khi có sức khỏe tốt hãy đi.
Chuyên gia phong thủy Hà Thanh khuyên người dân tự bảo vệ minh theo các cách dân gian như mang theo quả chuối xanh, lá trầu không, củ tỏi… khi đi tảo mộ để tránh nhiễm hơi lạnh ở nghĩa trang. Về nhà cần bước qua chậu lửa có bồ kết - nhằm loại bỏ năng lượng xấu, tránh bị nhiễm hàn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Thanh minh là dịp tưởng nhớ gia tiên, không nên tính toán chi quá nhiều tiền để tu sửa, đắp mộ to, bề thế "phô trương" với thiên hạ. Ảnh internet.
2. Không nên "bóp bụng" chi tiêu để đắp mộ to, sửa mộ tiết Thanh minh
Cũng theo ông Hà Thanh, Thanh minh là dịp tưởng nhớ gia tiên, không nên tính toán "bóp bụng" chi quá nhiều tiền để tu sửa, đắp mộ to, bề thế hơn những mộ xung quanh để "phô trương" với thiên hạ.
Tuyệt đối tránh mê tín bằng cách đốt nhiều vàng mã, cúng bái linh đình ngoài mộ… - bởi Thanh minh đang đầu năm mới không nên làm việc âm phần lớn.
Việc chính đi tảo mộ tiết Thanh minh là phát quang cỏ rậm, nhổ bỏ cỏ dại, đắp bồi thêm đất, trồng thêm hoa tươi, quét dọn xung quanh quang sạch – vừa tỏ lòng kính trọng người đã khuất, vừa tiện xem xét kỹ mộ phần (xem có bị sứt mẻ, rễ cây mọc, chuột rắn đào hang, quanh mộ có nước, hoặc vũng nước sát mộ…) xem có phải tu sửa gì sau đó hay không.
3. Không tùy tiện thời gian đi Thanh minh
Không nên đi tảo mộ khi trời chưa sáng, hoặc lúc chiều tối nhập nhoạng – nhằm tránh những chướng khí, năng lượng xấu có thể tác động xấu đến cơ thể.
Thời gian tảo mộ tốt nhất khoảng 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều - là lúc trời quang đãng, dương khí nhiều nhất trong ngày, giúp việc cúng lễ thoải mái hơn.
Nên đi tảo mộ tiết Thanh minh khi trời sáng, dương khí nhiều. Ảnh internet.
4. Tránh đi Thanh minh tảo mộ nơi quá vắng vẻ
Chuyên gia phong thủy Song Hà khuyến cáo, đi tảo mộ tiết Thanh minh tránh tới nơi hẻo lánh – vì có thể xảy ra những sự cố nguy hiểm không thể lường trước, hoặc bị nhiễm năng lượng xấu.
Nếu bắt buộc phải đi thì nên đi đông người, nên đi vào những con đường có nhiều người đi để tránh gặp nguy hiểm.
5. Mang ý niệm tốt khi đi Thanh minh
Tết Thanh minh nên mang tâm thành kính, hoan hỉ đi tảo mộ – bởi ý nghĩa quan trọng làm nên Tết Thanh minh chính là sự thành kính, tri ân khi cúng lễ.
Khi dọn sạch cỏ dại, đắp thêm đất, trồng hoa tươi, bày đặt trái cây cần cung kính lễ bái, loại bỏ hết tạp niệm trong lòng.
6. Không giẫm hoặc xâm phạm bia mộ khác
Đi tảo mộ chú ý không được giẫm đạp lên các ngôi mộ, không được ngồi lên bia mộ, nhảy từ mộ nọ sang mộ kia, nhổ bọt vào mộ…. Tuyệt đối tránh dùng chân đưa đẩy đồ cúng lễ, hoặc vứt ném, đá đồ cúng trên phần mộ khác – vì đó là thái độ bất kính với người đã khuất, theo dân gian có thể khiến bản thân, hay người thân có thể gặp xui rủi, không may sau đó.
7. Không chụp ảnh nơi bia mộ
Các nhà tâm linh khuyên không nên tùy tiện chụp ảnh ở nghĩa trang - đặc biệt chụp chung với người lạ. Khi tới nghĩa trang, mộ phần cần có thái độ trang nghiêm, thành kính. Có thể chụp ảnh hoạt động cúng lễ tự nhiên, nhưng tránh dàn hàng ngang chụp ảnh trước mộ - vì theo dân gian có thể gặp xui xẻo.
8. Không cười đùa, mắng chửi, to tiếng khi đi thăm mộ
Nếu có dắt theo trẻ nhỏ chú ý giữ trẻ yên tĩnh trong khu vực mộ phần. Tránh cho trẻ ăn uống, nô đùa chạy nhảy, to tiếng… gây phiền nhiễu cho mọi người xung quanh.
Người lớn tránh cười đùa, to tiếng hay mắng chửi nhau nơi mộ phần - vì như thế bị coi là bất kính với người đã khuất.
Cho trẻ nhỏ đi Thanh minh cần giữ trẻ nô đùa, to tiếng… gây phiền nhiễu cho mọi người. Ảnh internet.
9. Cúng xong không nên ăn tại mộ phần
Theo Chuyên gia phong thủy Hà Thanh, sau khi cúng lễ ở nghĩa trang xong không nên ngả đồ cúng ra ăn ở nghĩa trang – bởi có thể bị lạnh bụng, ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa.
Tốt nhất cúng Thanh minh ngoài nghĩa trang xong thì đến nơi khác ăn uống vui vẻ. Hoặc về nhà tẩy uế xong (bước qua đống lửa, hoặc đốt nắm quả bồ kết bước qua 3 lần, rửa ráy chân tay sạch sẽ…) rồi hãy cùng nhau ăn uống.
Cúng lễ Thanh minh xong nên đi chỗ khác ăn uống để tránh bị lạnh bụng, ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa. Ảnh internet.
10. Không tiện đường tới thăm nhà khác
Đi Thanh minh về không nên tiện đường thăm hỏi bạn bè, người thân vì khí lạnh có thể bám theo vào nhà người đó, ảnh hưởng tới người trong ngôi nhà đó – nhất là trẻ con.
Nếu muốn qua tới thăm hỏi nhau thì nên đến trước khi ra mộ phần.
11. Chồng mất chưa đủ 3 năm vợ không nên đi tảo mộ
Dân gian cho rằng người vợ kiêng chồng mất chưa đủ 3 năm thì vợ không nên đi tảo mộ, vì có thể ảnh hưởng đến vận khí của người vợ; hoặc cải giá thì người chồng sau có thể bị khắc, con cái yếu ớt.
Theo Chuyên gia phong thủy Hà Thanh, đó là quan niệm dân gian ở một số địa phương, chứ không phải là tất cả. Nếu địa phương có luật lệ này thì nên tránh để không bị đàm tiếu. Nếu như địa phương đang sống không có những điều này thì không phải làm theo.
Những người có vấn đề về sức khỏe, sức đề kháng yếu... tránh đi tảo mộ. Ảnh internet
12. Những người không nên đi tảo mộ Tết Thanh minh
- Phụ nữ mang thai không nên đi tảo mộ.
- Phụ nữ đang trong kỳ "đèn đỏ" không nên tảo mộ.
Lý do là thời điểm mang thai, kinh nguyệt sức đề kháng yếu hơn, rất dễ bị nhiễm lạnh (khí lạnh và năng lượng xấu tỏa ra từ khu mộ), ảnh hưởng đến sức khỏe và cả thai nhi.
- Người già, trẻ nhỏ, người yếu bóng vía, đau bệnh, người huyết áp thấp, hay nhiễm hàn – nhất là bệnh liên quan tới xương khớp, ung bướu thì không nên đi tảo mộ.
13. Không phải con cháu trong nhà thì tránh theo đi tảo mộ
Tiết Thanh minh là đi tảo mộ tổ tiên, dòng tộc. Vì vậy không phải con cháu trong dòng tộc thì không nên đi theo - bởi dân gian cho rằng người ngoài có thể làm trường khí huyết tộc hỗn loạn, là điều nên tránh.
Tất cả những kiêng kị trên phần lớn theo dân gian truyền miệng, tùy vùng miền mà có thể theo hoặc không theo. Người dân nên bỏ túi những kiêng kị trên để tham khảo, giúp việc tảo mộ tiết Thanh minh cổ truyền trở nên trọn vẹn, may mắn tốt lành hơn, có ý nghĩa hơn, tránh gặp phải cảnh tài lộc tiêu tán, gia đình lục đục...
Một số kiêng kị khác theo quan niệm dân gian dịp Thanh Minh để tránh xui xẻo
- Không mặc quần áo quá sặc sỡ, kém kín đáo tới nơi mộ phần. Tránh mặc màu đen vì nhìn xui rủi, dễ nhiễm âm khí.
- Tránh gọi tên nhau nơi mộ phần, giữ thái độ nghiêm trang khi cúng lễ để tránh gặp xui rủi.
- Đi tảo mộ rồi về nhà làm lễ cúng gia tiên. Không nên tổ chức việc hỉ, đám cưới, sinh nhật, tân gia… vào ngày này.
- Không nên để tóc phủ trước trán - vì theo dân gian tiết Thanh minh là "tiết Quỷ". Vầng trán được coi là "cánh cửa vận mệnh", là nơi "đèn thần" soi rọi nên không để tóc che phủ trán. Khuyên người dân để tóc gọn gàng, không che phủ vầng trán... để đón nhận may mắn.
- Không mua giày mới – bởi tiếng Hán chữ "hài" (giày) và chữ "tà" đồng âm – do đó mới có quan niệm tránh mua giày tiết Thanh mình vì bị cho là không may mắn.
- Không nên khóc lóc, kêu gào tên người đã khuất ở mộ phần vì dân gian cho đó là điều không tốt, khiến vong linh luẩn quẩn ở lại.
* Bài viết chỉ có tính chất tham khảo.