Lao công dọn rác sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024: "Năm nay nhận túi rác mà lòng vui phơi phới"

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 15/02/2024 13:47 PM (GMT+7)

Dù lượng rác sau đợt nghỉ Tết đổ ra rất lớn, công việc của các lao công có phần nặng nhọc hơn, thế nhưng họ vẫn thấy le lói niềm vui vì ý thức của người dân đã được nâng lên.

Ngày 15/2 (tức mùng 6 Tết Giáp Thìn) là ngày các cơ quan, xí nghiệp đi làm trở lại sau đợt nghỉ Tết, vì thế lượng rác thải xả ra môi trường cũng tăng nhiều so những ngày trước đó. Ghi nhận tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội cho thấy lượng rác đổ về chật kín tại các điểm tập kết, công nhân môi trường phải làm việc hết công suất.

Tại điểm tập kết rác ở phố Hào Nam (quận Đống Đa, Hà Nội) luôn có 2 công nhân túc trực tại chỗ để dọn dẹp, phân loại rác thải, không để rác rơi vãi ra đường. Đó là chưa kể nhiều xe đẩy rác hiện cũng được huy động để các công nhân khác đẩy đi khắp các ngõ ngách thu gom về điểm tập kết.

Lượng rác sau kỳ nghỉ Tết tăng lên rất nhiều, trong đó chủ yếu là cây cảnh, đồ trang trí hoặc thực phẩm thừa ngày Tết.

Lượng rác sau kỳ nghỉ Tết tăng lên rất nhiều, trong đó chủ yếu là cây cảnh, đồ trang trí hoặc thực phẩm thừa ngày Tết. 

Ông Nguyễn Văn Chiến - một công nhân môi trường cho biết, trong những ngày Tết, lượng rác được các gia đình xả ra nhiều hơn ngày thường, tuy nhiên trong ngày 14 và 15/2 thì tăng rõ rệt nhất. Không chỉ có vậy, các công nhân thu gom rác cũng vất vả hơn vì lượng rác đa dạng, phải phân loại rất lâu.

Nếu như những ngày trước rác thải chỉ là rác sinh hoạt hằng ngày thì 2 hôm nay các gia đình xả đào, quất và cả bình, chậu cây cảnh ra đường. Do vậy, việc thu gom rác gặp nhiều khó khăn”, ông Chiến cho biết.

Theo ông Chiến, với các loại bình hoa, cây cảnh không phải là rác sinh hoạt, các công nhân có quyền không cần thu gom, tuy nhiên, loại rác này vẫn được thu dọn. Nếu đập nhỏ ra thì sẽ dễ cho công nhân vận chuyển thu gom nhưng khi đó công việc dọn rác sẽ nguy hiểm hơn bởi dễ bị đứt tay, gây nhiễm trùng. Do vậy, các công nhân đành chấp nhận chất cả những bình làm từ đất nung này lên xe, đồng nghĩa với việc đẩy xe rác nặng hơn bình thường.

“Với những loại rác này, khi về điểm tập kết chúng tôi vẫn phải chia ra, rồi cho những người có nhu cầu để về họ trồng hoa, trồng cây. Với những bình không có người lấy, chúng tôi tập kết về khu riêng, chứ không được để cùng với rác sinh hoạt”, ông Chiến chia sẻ.

Ông Chiến vui vẻ nhận túi rác thải (chai, lon) đã được phân loại từ người dân.

Ông Chiến vui vẻ nhận túi rác thải (chai, lon) đã được phân loại từ người dân. 

Điều khiến ông Chiến và các đồng nghiệp cảm thấy phấn khởi nhất trong dịp Tết năm nay đó là người dân đã có ý thức rất tốt trong việc bảo vệ môi trường. Theo đó, rất nhiều người mang rác ra điểm tập kết, nhất là cành đào lớn, điều này giúp lao công đỡ mất công, lại không bị cồng kềnh khi đẩy xe. "Với những người mang rác ra điểm tập kết gửi, chúng tôi nhận những túi rác mà lòng vui phơi phới", người đàn ông này nói.

Không chỉ có vậy, ngay tại các gia đình, nhiều nhà dùng túi tự tiêu thân thiện với môi trường, hoặc dùng các vật dụng như các loại xô, thùng carton để đựng rác thay vì túi nilon. “Điều này khiến giảm nhựa thải ra môi trường so với dùng túi nilong rất nhiều. Đồng thời cũng chứng tỏ ý thức bảo vệ môi trường của người dân đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, lượng rác thải nhựa vẫn còn nhiều. Vì thế, chúng tôi mong người dân hãy tự ý thức giảm nhựa từ chính trong mỗi gia đình”, ông Chiến vui vẻ chia sẻ.

Nhiều người dân có ý thức bảo vệ môi trường, họ mang rác ra điểm tập kết để người lao công đỡ khổ.

Nhiều người dân có ý thức bảo vệ môi trường, họ mang rác ra điểm tập kết để người lao công đỡ khổ. 

Ông Hoàng Huy (ở phố An Trạch, Giảng Võ) cho biết, gia đình ông đi du lịch trong những ngày Tết, vì thế khi trở về rác rất nhiều, nhất là các loại hoa, cây cảnh. Nhưng thay vì để ra đầu ngõ như mọi nhà, ông Huy chặt nhỏ cành đào, bó lại hoa cúc, hoa ly rồi tự mang ra bãi tập kết để gọn vào xe rác. “Bản thân tôi không bận gì, trong khi các anh chị lao công ngày nào cũng làm việc quần quật. Vì thế, mình chỉ mất 5 phút mang rác đi thì công việc của họ sẽ nhẹ nhàng hơn khi đẩy xe rác xa đến vài cây số về điểm tập kết”, ông Huy cho hay.

Còn tại khu vực phố Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), do địa điểm tập trung nhiều khu tập thể cũ nên rác được xả ra rất nhiều. Điều này khiến cho những lao công dọn rác vô cùng vất vả. “Biết rằng công việc của chúng tôi là phải dọn dẹp, giữ vệ sinh môi trường, nhưng có những người để rác không có ý thức. Khi được nhắc nhở, họ còn quay lại mắng chửi lao công. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi làm việc của mình”, người lao công tên Hoa cho hay.

Tại khu vực Hồ Tùng Mậu, số lượng rác cũng rất nhiều, điều đáng nói là ngoài các loại hoa Tết, bình gốm sứ... thì lượng thức ăn thừa được vứt bỏ cũng không hề ít. Nữ lao công tên Mai cho biết, có gia đình còn vứt cả cặp bánh chưng, cả con gà cúng hay đĩa xôi to ra bãi rác. "Đây đều là đồ thắp hương ngày Tết, vứt đi rất tiếc nên chúng tôi phải dọn dẹp, phân loại rồi cho những người chăn nuôi, hoặc đổ xuống những hồ lớn gần đó để cá ăn", chị Mai chia sẻ.

Việc người dân có ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải gây hại là điều mà những người làm vệ sinh môi trường mong muốn nhất.

Việc người dân có ý thức bảo vệ môi trường, giảm rác thải gây hại là điều mà những người làm vệ sinh môi trường mong muốn nhất. 

Điều mong muốn nhất của những người lao công là người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là những ngày lễ tết. "Nếu người dân làm được điều này thì đó chính là cách lì xì ý nghĩa và to lớn nhất với chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Chiến thay mặt cho những công nhân môi trường bày tỏ.

Người dân Hà Nội vén màn sương đi thả cá chép tiễn ông Công ông Táo, năm nay tình trạng vứt túi nilon bừa bãi giảm hẳn
Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, trong ngày cúng ông Công ông Táo năm nay, số lượng rác thải nhựa đã giảm, người dân có ý thức hơn khi không...

Ngày ông Công ông Táo

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h