Những thủ đoạn lừa đảo mới ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản khiến bao người mất tiền oan.
Lập trang web giả công ty tài chính cho vay để lừa đảo
Công an TP.HCM vừa phát đi cảnh báo về phương thức, thủ đoạn mạo danh các công ty tài chính cho vay tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, các đối tượng tội phạm lập ra các fanpage trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook với tên gọi là các công ty tài chính (đều là các công ty không có thật, do các đối tượng tự nghĩ ra)… với ưu điểm thủ tục nhanh gọn, đơn giản, lãi suất thấp nhằm đánh vào tâm lý những người cần tiền gấp. Để vay tiền, khách hàng chỉ cần gửi qua Zalo hình chụp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu hoặc bằng lái xe, biên lai tiền điện hàng tháng.
Công an TP.HCM phát thông tin cảnh báo tình trạng tội phạm lợi dụng thủ đoạn mạo danh các công ty tài chính cho vay tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. (Ảnh chụp màn hình)
Khi có khách hàng vay tiền, chúng yêu cầu phải đóng tiền bảo hiểm rủi ro cho khoản vay là 550.000 đồng/1 khoản vay.
Khi người vay đồng ý theo các nội dung vay tiền, các đối tượng gửi cho người vay bản hợp đồng tín dụng giả qua các công ty chuyển phát nhanh; đồng thời nhân viên của các công ty chuyển phát nhanh sẽ thu khoản tiền bảo hiểm rủi ro.
Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc với khách hàng và không giải ngân bất cứ khoản vay nào.
Công an TP.HCM khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc sử dụng dịch vụ cho vay tiền qua các trang mạng xã hội, App, Web. Khi cần vay tiền, người dân lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có đầy đủ thông tin pháp lý và tìm hiểu kỹ về thủ tục, mức lãi suất, các khoản phí phải trả… để tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Mạo danh thương hiệu ngân hàng lớn để lừa đảo
Đầu tháng 7, trên MXH xuất hiện Fanpage Ngân hàng hỗ trợ người nghèo Vietcombank với logo của Vietcombank, trang này liên tục chạy quảng cáo nhận đổi “tiền lỗi serri”, tỉ lệ 1 ăn 10.
Tương tự, một trang Facebook “Shop tiền lỗi 1 triệu đổi 10 triệu” có sự xuất hiện của ngân hàng Agribank chỉ dẫn đến website lạ với lời lẽ quảng cáo “Tiền lỗi số serri 1 triệu = 10 triệu". Không những vậy, những trang này còn quảng cáo nếu hàng lỗi hoặc nhàu nát thì 1 đổi 100.
Trên các trang fanpage xuất hiện nhiều thương hiệu ngân hàng có kèm thông tin quảng cáo "hỗ trợ người nghèo", "tiền lỗi 1 triệu đổi 10 triệu"
Ở phần đăng ký, website yêu cầu đăng ký tên, số điện thoại, địa chỉ giao hàng và số tiền muốn mua, mệnh giá, để lại lời nhắn rồi sau đó bấm nút đăng ký sẽ có người liên lạc lại trong vòng 24 giờ. Trong khi đăng ký, trang website này liên tục hiện ra những mẩu tin thông báo khách hàng giao dịch như Vũ Minh cách đó 14 phút đổi 30 triệu, Bá Tài cách đó 8 phút đổi 20 triệu… Những tin thông báo này cứ xuất hiện đều đặn trong vòng vài giây một lần để kích thích tâm lý người truy cập khiến họ yên tâm giao dịch. Theo các chuyên gia mạng, đây là chế độ cài đặt tự động cập nhật.
Không ít ý kiến khác cho rằng, "tiền lỗi serri" mà fanpage này quảng cáo có thể chính là tiền giả. Việc mạo danh ngân hàng là chiêu trò tâm lý mà các đối tượng tạo ra nhằm tạo sự tin tưởng với những người nhẹ dạ, hoặc những người đang gặp khó khăn về tài chính ‘không biết bấu víu vào đâu.
Trong trường hợp này, một khi "đổi 1 triệu lấy 10 triệu" thành công, người dùng đã vi phạm pháp luật liên quan tới "quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả".
Cảnh báo mất mật khẩu Facebook từ chiêu trò gắn "tag" bài viết
Mới đây, mạng xã hội Facebook lại rộ lên chiêu trò lừa đảo đánh cắp tài khoản theo cách vô cùng tinh vi. Theo đó, những kẻ lừa đảo sẽ tag (gắn thẻ) tên hàng loạt người dùng Facebook, thậm chí kể cả khi cả 2 không hề có mối quan hệ bạn bè và chưa kết bạn qua Facebook vào các bài viết có nội dung đau buồn từ các trang tin, báo điện tử. Nếu không may click vào, người dùng có thể mất tài khoản Facebook chỉ sau vài thao tác.
Những kẻ lừa đảo sẽ tag (gắn thẻ) tên hàng loạt người dùng Facebook vào các bài viết có nội dung đau buồn từ các trang tin, báo điện tử.
Tài khoản Facebook bị đánh cắp sau đó có thể được sử dụng để chat với bạn bè của nạn nhân, lừa đảo tiền bạc hoặc sử dụng để thực hiện các hành vi phi pháp khác.
Để tránh bị đánh cắp tài khoản, người dùng Facebook phải tự nâng cao cảnh giác, trước khi cung cấp thông tin quan trọng như mật khẩu, phải xác định mình khai thông tin cho ai. Ngoài ra, người dùng cần tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không chính thống.
Giả danh cán bộ công an, cán bộ tư pháp lừa đảo tiền tỉ qua điện thoại
Gần đây, loại tội phạm này đang gia tăng ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Các đối tượng lừa đảo hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, có tính chất quốc tế, thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động. Chúng thường chia làm ba nhóm hoạt động.
Nhóm 1: Thiết lập hệ thống tổng đài để điện thoại lừa đảo;
Nhóm 2: Thu mua thẻ ATM;
Nhóm 3: Rút tiền. Khi các đối tượng hoạt động lừa đảo ở Việt Nam thì đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh nhân viên bưu điện thông báo nợ cước điện thoại, nếu khách hàng thắc mắc thì chuyển máy đến “cơ quan công an”, rồi giả danh công an đe dọa người bị hại liên quan đến một vụ án nghiêm trọng. Sau đó, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để “phục vụ công tác điều tra”. Nhóm đối tượng này giả lập số điện thoại của một số đơn vị công an các tình, thành để người bị hàng dễ dàng tin.
Rất nhiều người đã bị lừa thông qua những cuộc điện thoại giả danh cán bộ
Theo khuyến cáo của cơ quan Công an, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trường hợp có người tự xưng là Công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó.
Không nên cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân. Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân trên mạng xã hội, tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo.
Lừa đảo khi nạp tiền qua ứng dụng thanh toán hộ Myaladdinz
Khoảng giữa tháng 8, trên các diễn đàn mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết, video quảng cáo về ứng dụng (app) thanh toán hộ có tên MyAladdinz.
Ứng dụng này được giới thiệu có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, học phí, bảo hiểm, chi phí sinh hoạt, trả góp ngân hàng, mua nhà, mua xe… và có thể hoàn tiền lên đến 80% giá trị hóa đơn. Người dùng thanh toán càng nhiều thông qua ứng dụng sẽ được hoàn trả càng nhiều.
Giao diện của ứng dụng Myaladdinz trên kho ứng dụng Google play
Để tham gia ứng dụng, người dùng đăng ký tài khoản, điền các thông tin cá nhân và thông tin về người giới thiệu, đồng thời phải nạp tiền vào tài khoản của mình số tiền ít nhất là 100 USD (gần 2,4 triệu đồng) để sử dụng.
Số tiền khi nạp vào tài khoản được quy đổi thành “gem”, mỗi “gem” tương ứng với 01 USD.
Người dùng khi thanh toán hóa đơn bằng "gem" sẽ được ứng dụng này hoàn trả 80% "gem" khi giao dịch hoàn thành chứ không hoàn lại bằng tiền. Một trường hợp khác nêu, người dùng chỉ cần dùng tiền thật để mua "gem" (tức là nạp tiền vào tài khoản) rồi sau đó dùng "gem" đổi ra "điểm" (hay còn gọi là Point) để nhận lãi từ 0,1 - 0,2% điểm mỗi ngày. Ngoài ra, người tham gia nếu giới thiệu được nhiều người khác cùng sử dụng ứng dụng thì sẽ được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp tương tự mô hình đa cấp…
Về bản chất ứng dụng Myaladdinz đang lấy tiền của người sau trả cho người trước và khi không có người tham gia mua “gem” nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và người tham gia sẽ khó có thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Mặt khác, ứng dụng này chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Do đó, việc người dân đăng ký tham gia ứng dụng có thể dẫn đến mất tiền hoặc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp, đây là nhân tố tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự tại địa phương.