Những ngành học này vô cùng tiềm năng, cơ hội việc làm rộng mở nhưng ít người theo học, thị trường "khát" nhân lực.
1. Ngành thú y
Cũng thuộc khối ngành y tế, tuy nhiên ngành Thú y lại nhận được sự quan tâm ít hơn hẳn so với những ngành còn lại.
Đây là ngành học đào tạo bác sĩ thú y chuyên chăm sóc và chữa bệnh cho thú nuôi. Ngành này đào tạo kỹ năng chuyên môn về thú y, chẩn đoán, phòng trị bệnh, các thao tác trong thí nghiệm về vật nuôi. Giúp người học biết sử dụng các loại thuốc, hóa chất, dược phẩm, vắc xin để phòng bệnh cho chúng.
Trên các trang tuyển dụng trực tuyến thường xuyên đăng tải hàng trăm thông tin tuyển dụng kỹ sư ngành Chăn nuôi thú y, với mức lương và đãi ngộ hấp dẫn từ 8-20 triệu/tháng. Thậm chí các doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật Bản, Mỹ, Úc, Israel… với mức lương lên đến 30-35 triệu/tháng. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực của ngành này vẫn chưa đáp ứng đủ.
Ở nước ta hiện có nhiều trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành Thú y. Nếu bạn có mong muốn trở thành bác sĩ thú y, có thể tham khảo các trường sau: ĐH Lâm nghiệp; ĐH Nông nghiệp - ĐH Thái Nguyên; ĐH Nông lâm TP.HCM; ĐH Công nghệ TP.HCM; ĐH Hùng Vương... và một số trường đại học, cao đẳng khác.
2. Ngành bảo vệ thực vật
Bảo vệ thực vật là ngành học chuyên nghiên cứu về đất, môi trường sống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng, đặc biệt đi sâu vào các kiến thức về sâu bệnh hại cây trồng và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng… qua đó tổ chức xây dựng, điều hành mạng lưới bảo vệ thực vật các cấp, sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cho đến việc thực hiện các thao tác bảo vệ cây trồng trên đồng ruộng. Từ đó cải thiện thu nhập của nông dân, sản xuất những giống cây trồng bền vững và đảm bảo cân bằng sinh học.
Trước hiện trạng nền nông nghiệp Việt Nam đang tồn tại việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hay sử dụng chúng thiếu kiểm soát dẫn tới các tổn hại tới môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái nông nghiệp thì ngành Bảo vệ thực vật càng mang trọng trách to lớn trong việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Ngành này ít người theo học bởi nhiều bạn trẻ cũng còn cảm thấy e ngại việc học ngành nông nghiệp vì sợ cực, sợ lương thấp, khó xin việc… Tuy nhiên, những năm gần đây ngành học này "khát" đầu ra. Dựa theo số liệu thống kê của tạp chí Bảo vệ thực vật thì ngành này đang rơi vào trạng thái "khát đầu ra", tức là nguồn nhân lực ngành Bảo vệ thực vật đang có dấu hiệu bị thiếu. Vì vậy, sinh viên tốt nghiệp Bảo vệ thực vật có cơ hội việc làm rộng mở và đảm nhận công việc ở nhiều vị trí khác nhau.
Ngành học này có nhiều trường đào tạo như: Trường Đại học Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Bắc Giang, Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, Đại học Nông lâm TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ.
3. Ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan
Sự phát triển của xã hội hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao về các sản phẩm hoa kiểng và cảnh quan. Chính vì thế, ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan (hay Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên) đang ngày được chú trọng, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ông Bùi Minh Lắm, Giám đốc một doanh nghiệp buôn bán các sản phẩm nông lâm nghiệp chia sẻ, người trẻ chưa thật sự hiểu hết về ngành học Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan. Nhiều bạn không xác định được mục tiêu nghề nghiệp. Một số khác có tư tưởng rời khỏi các ngành nông nghiệp vì sợ "chân lấm tay bùn" nên việc đảm bảo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này lại càng khó.
Ngành học này thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp những kiến thức, kỹ năng tương đối toàn diện về cảnh quan hoa viên môi trường và ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, sản xuất các loại hoa cảnh, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, sinh viên có khả năng chọn, lai tạo giống, chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh, hoa kiểng, thiết kế cảnh quan nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu về thẩm mỹ và trang trí. Ngành học này có phổ việc làm rất phong phú và đa dạng, đặc biệt rất dễ khởi nghiệp trong lĩnh vực hoa kiểng và thiết kế cảnh quan nội thất, ngoại thất.
4. Ngành Ngôn ngữ Ả Rập
Ngôn ngữ Ả Rập là ngành học ít bạn trẻ biết đến và lựa chọn. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập toàn cầu cùng sự bão hòa của thị trường nhân lực ngôn ngữ Anh, Hàn, Trung, Nhật… thì tiếng Ả Rập trở thành ngành học “hiếm, lạ” giúp các bạn trẻ gia tăng cơ hội cạnh tranh, tìm kiếm việc làm cũng như những học bổng du học nước ngoài.
Theo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2022 của Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, 100% sinh viên ngành Ngôn ngữ Ả Rập có việc làm. Số liệu này ở năm 2021 là 98,26%, trong đó trên 67% làm việc đúng chuyên ngành, 30% làm việc liên quan đến ngành đào tạo.
Trong khi đó, đề án tuyển sinh năm 2024 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn - Đại học Quốc Gia TP.HCM thông tin: 92,31% sinh viên ngành Đông Phương học có việc làm sau khi ra trường.
Đặc biệt, mức lương sinh viên ngành ngôn ngữ Ả Rập mới ra trường có thể dao động từ 400-700 USD/tháng (khoảng 10 đến gần 18 triệu đồng). Các vị trí quản lý cấp cao hơn hoàn toàn có thể đạt được mức lương 1.000 USD/tháng (khoảng 25,4 triệu đồng).
5. Bảo hộ lao động
Bảo hộ lao động là ngành học đón đầu xu hướng mới trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Đây chẳng những là ngành học triển vọng trong tương lai, khả năng ứng dụng cao, có thể làm ở nhiều tập đoàn đa quốc gia mà còn có cơ hội sở hữu mức lương vô cùng hấp dẫn.
Tại Việt Nam, kể từ khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành bảo hộ lao động trở thành ngành nghề được quan tâm đặc biệt nhưng ít người lựa chọn theo học. Qua khảo sát và một số thống kê được công bố vào tháng 12/2023, trung bình vị trí Chuyên viên An toàn lao động (HSE Specialist) được trả khoảng 1.200 - 2.000 USD/tháng (khoảng 30 - 50 triệu đồng/tháng).
Đây là một lĩnh vực chuyên về việc đảm bảo an toàn, sức khỏe và phúc lợi của người lao động trong môi trường làm việc dựa trên cách xác định nghĩa vụ, quyền lợi giữa người thuê lao động và người lao động.
Ông Trần Quang Hưng - Giám đốc an toàn một công ty sáng tạo công nghệ ở Việt Nam chia sẻ với báo chí: "Nhiều công ty, doanh nghiệp cần ít nhất 1 vị trí phụ trách về an toàn và vệ sinh lao động. Kỹ sư bảo hộ lao động khi tốt nghiệp chính quy có thể làm người phụ trách về quản lý an toàn vệ sinh lao động tại rất nhiều lĩnh vực như nhà máy, công trường, văn phòng hay các nhãn hàng. Với kiến thức họ được học và trang bị tại trường, người học có thể phụ trách được cả quản lý chất lượng, kỹ sư quy trình, quản lý phát triển bền vững tại doanh nghiệp. Do vậy, đây là một trong những ngành học tiềm năng và rất quan trọng".