Với tiềm lực về tài nguyên biển tại Việt Nam, ngành học này được dự đoán sẽ có bước tiến nhảy vọt trong tương lai để phục vụ về nhu cầu vận chuyển hàng hoá, phát triển kinh tế bằng đường biển.
Cực hiếm trường đào tạo, điểm chuẩn “dễ thở"
Với sự gia tăng của thương mại toàn cầu, ngành hàng hải đóng vai trò then chốt trong việc vận chuyển hàng hóa qua các đại dương. Ngày nay, ngành Quản lý hàng hải là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế, chuyên về việc quản lý các hoạt động liên quan đến hàng hải, từ vận tải, khai thác cảng đến quản lý hoạt động trên biển. Đây là ngành có sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ thuật và quản lý nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động vận tải đường biển.
Bên cạnh đó, ngành Quản lý hàng hải cũng đòi hỏi kiến thức sâu rộng về Luật hàng hải, đặc biệt là các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Vì thế, khi sinh viên theo học ngành này phải nắm vững các quy tắc về an toàn hàng hải, chống ô nhiễm môi trường và quyền lợi của các thuyền viên, giải quyết các vấn đề pháp lý trong hoạt động hàng hải.
Trong những năm trở lại đây, dịch vụ hàng hải ở nước ta hoạt động nhộn nhịp do khối lượng hàng hoá vận chuyển lớn.
Công nghệ hiện đại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành Quản lý hàng hải. Việc sử dụng các hệ thống định vị vệ tinh, công nghệ quản lý từ xa và phần mềm mô phỏng giúp tối ưu hóa hoạt động điều phối tàu và quản lý cảng. Từ đó, sinh viên theo học ngành này phải trang bị ngoại ngữ, khả năng tư duy logic và tìm hiểu thông tin về tính năng, cách vận hành của các thiết bị công nghệ, đáp ứng nhu cầu của ngành học.
Sinh viên theo học ngành này cần trang bị kiến thức sâu rộng về quá trình hoạt động hàng hải, kỹ năng vận hành thiết bị công nghệ, khả năng ngoại ngữ và am hiểu về Luật hàng hải.
Hiện nay, ngành Quản lý hàng hải có khá ít trường đào tạo chính quy. Nếu bạn thật sự đam mê, muốn theo đuổi ngành học này, bạn có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của một số trường như: trường Đại học Hàng hải Việt Nam (TP. Hải Phòng), trường Đại học Nha Trang, trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM.
Ngành Quản lý hàng hải ở các trường sẽ xét tuyển dựa trên các tổ hợp: A00 (Toán - Lý - Hoá), A01 (Toán - Lý - Anh), C01 (Toán - Văn - Vật lý), D01 (Toán - Văn - Anh).
Năm 2024, điểm chuẩn của ngành học này tại trường Đại học Hàng hải Việt Nam là 23,75 điểm (ở tổ hợp xét tuyển A00, A01, C01, D01). Trung bình thí sinh cần đạt gần 8 điểm/môn để có thể đỗ vào trường.
Đại học Nha Trang tuyển sinh ngành Khoa học hàng hải chuyên ngành Quản lý hàng hải với điểm chuẩn năm 2024 cán mốc 21 điểm. Ngoài xét tuyển theo tổ hợp A01 và D01, trường có mở chỉ tiêu xét theo tổ hợp D07 (Toán - Hoá học - Anh), D90 (Toán - Anh - Khoa học tự nhiên).
Ở TP.HCM, chuyên ngành Quản lý hàng hải được trường Đại học Giao thông Vận tải đào tạo với chương trình tiên tiến, có mức điểm xét tuyển đạt 20 điểm, xét theo 4 tổ hợp thi A00, A01, D01, D07.
Cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập khủng khi vừa tốt nghiệp
Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý hàng hải có thể đảm nhận các vị trí như: Chuyên viên nghiệp vụ hàng hải, chuyên viên an toàn pháp chế các hãng tàu, chuyên viên kinh doanh hàng hải, quản lý tàu thuyền, chuyên viên quản lý kỹ thuật vật tư, giám định viên, thanh tra viên hàng hải, tư vấn pháp luật của các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải...
Ngoài ra, sinh viên đạt kết quả học tập tốt có thể trở thành giảng viên tại các cơ sở giáo dục về hàng hải trong và ngoài nước. Đồng thời, sinh viên có thể trở thành kỹ sư chuyên ngành điều khiển tàu biển hoặc tiếp tục theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ về Quản lý hàng hải.
Tuy ngành hàng hải tại Việt Nam đang có những bước tiến triển rõ rệt nhưng nguồn nhân lực vẫn đang thiếu hụt, hầu hết sinh viên ngành Quản lý hàng hải sau khi ra trường sẽ dễ dàng lựa chọn cơ quan, doanh nghiệp phù hợp nếu có đủ kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ.
Hiện tại, ngành học này vẫn đang "khát" nhân lực, sinh viên khi ra trường sẽ dễ dàng kiếm được việc làm.
Hiện nay, thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý hàng hải có thể đạt từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, thậm chí lên đến 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mức lương sẽ tăng dần theo từng năm cũng như phụ thuộc vào các yếu tố khác (chức vụ, mức độ đóng góp, kinh nghiệm hoạt động trong nghề…), đảm bảo thu nhập cực tốt cho những ai yêu thích, đam mê ngành hàng hải.
Có thể nói, với sự phát triển vượt bậc của các khối ngành liên quan đến hàng hải tại Việt Nam cùng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua các cảng biển, Quản lý hàng hải hứa hẹn sẽ trở thành ngành học HOT trong tương lai gần.