Những kẻ bắt cóc trẻ em luôn có nhiều mánh khóe để chiếm được lòng tin của nạn nhân, bởi chúng hiểu được tâm lý ngây thơ và sợ hãi của những đứa trẻ.
Mới đây, tại quận Long Biên, Hà Nội, vụ việc một bé trai 7 tuổi bị bắt cóc rồi đòi tiền chuộc 15 tỷ đã gây xôn xao dư luận. Theo thống kê của Trung tâm quốc tế dành cho trẻ em mất tích và bị bóc lột (ICMEC), mỗi năm có khoảng 8 triệu trẻ em bị bắt cóc trên thế giới. Phần lớn những vụ bắt cóc này liên quan đến các thành viên trong gia đình nạn nhân, còn lại là người lạ.
4 kiểu trẻ em mà kẻ xấu thường không muốn tiếp cận
Những kẻ bắt cóc trẻ em luôn có rất nhiều mánh khóe và chuẩn bị nhiều phương án để gây tội nhằm đặt được mục đích của mình. Dưới đây là những mánh khóe phổ biến nhất mà những kẻ bắt cóc trẻ em hay sử dụng:
Dụ dỗ bằng bánh kẹo, đồ chơi, tiền hoặc rủ đi chơi cùng
Trẻ em là đối tượng rất ngây thơ, nhẹ dạ, lại yêu thích đồ ăn và đồ chơi, do đó nhiều kẻ bắt cóc trẻ em thường dùng những thứ này để dụ dỗ trẻ đi theo mình. Thậm chí, nhiều kẻ xấu còn lợi dụng tâm lý ham chơi và tò mò của trẻ em, nói rằng sẽ đưa đến một nơi thú vị để khiến những đứa trẻ đó tình nguyện đi theo mình.
Ảnh minh họa
Dụ dỗ bằng động vật
Chó, mèo hoặc một số loại vật nuôi đáng yêu khác thường được trẻ em vô cùng yêu thích, quý mến. Do đó, những kẻ tội phạm bắt cóc trẻ em cũng hay dùng cách này để dụ dỗ nạn nhân đi theo mình hoặc trèo lên xe của chúng.
Giả vờ là người quen
Một số kẻ bắt cóc có thể tự nhận là người quen, bạn bè hoặc đồng nghiệp của bố mẹ đứa trẻ để dụ dỗ nạn nhân đi theo mình. Thậm chí, kẻ xấu có thể "đầu tư" bằng cách tìm hiểu, điều tra trước về thông tin gia đình của nạn nhân để dễ dàng chiếm được lòng tin hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kẻ bắt cóc cũng có thể thực sự là người quen của nạn nhân.
Nhờ trẻ giúp đỡ
Những kẻ bắt cóc trẻ em sẽ giả vờ nhờ nạn nhân giúp đỡ chuyện gì đó, chẳng hạn như chỉ đường, cầm hộ đồ hoặc tìm giúp thú cưng. Thông thường, trẻ em sẽ dễ dàng nghe theo và nhiệt tình giúp đỡ. Do đó, bố mẹ nên giáo dục cho con cái hiểu rằng người lớn sẽ hiếm khi nhờ tới sự giúp đỡ của trẻ em mà không quen biết và nên đứng cách xa một khoảng nhất định khi tương tác với người lạ.
Nói dối về trường hợp khẩn cấp
Đôi khi, những kẻ bắt cóc trẻ em có thể nói dối rằng đang có trường hợp khẩn cấp xảy ra và đề nghị đưa đứa trẻ tới một nơi khác. Điều này đánh vào tâm lý lo sợ và hoảng hốt của trẻ em, khiến nạn nhân dễ dàng nghe theo những kẻ bắt cóc. Vì vậy, hãy hướng dẫn trẻ em không bao giờ đi bất cứ đâu, với bất cứ ai mà không xin phép bố mẹ hoặc giáo viên.
Ảnh minh họa
Đe dọa rằng trẻ đã làm chuyện xấu
Những kẻ bắt cóc trẻ em có thể tinh vi đến nỗi buộc tội rằng đứa trẻ đã làm chuyện gì đó sai trái và nói rằng đứa trẻ phải đi cùng mình. Thậm chí, chúng có thể giả vờ mình là cảnh sát để khiến nạn nhân thêm tin tưởng và hoảng sợ hơn.
Khen ngợi để tiếp cận
Khi thấy những đứa trẻ xinh xắn hoặc giỏi giang, người lớn thường khen ngợi chúng. Lợi dụng tâm lý này, những kẻ bắt cóc cũng có thể giả vờ khen những đứa trẻ, thậm chí xin chụp ảnh cùng, sau đó đưa ra nhiều lời mời mọc và hứa hẹn hấp dẫn. Chúng có thể đóng giả làm nhiếp ảnh gia hoặc đạo diễn đang tìm kiếm nhân tài để dễ dàng khiến nạn nhân tin tưởng và đi theo mình. Bố mẹ hãy dạy con cái hiểu rằng những người này sẽ không tìm kiếm nhân tài dọc đường và sẽ nói chuyện với người giám hộ hợp pháp chứ không phải với trẻ em.
Lôi kéo nạn nhân như thể con mình
Không ít trường hợp những tên bắt cóc giả vờ mình là bố mẹ của đứa trẻ. Khi nạn nhân khóc lóc, vùng vẫy và muốn chạy thoát, kẻ xấu sẽ nói rằng do đứa trẻ bướng bỉnh và ngang ngạnh. Trên thực tế, ngay cả người trưởng thành cũng có thể bị bắt cóc theo cách này.
Khi đã nắm được những mánh khóe phổ biến này, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con cái cảnh giác, đưa ra những phương án xử lý phù hợp tình huống để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.