Đang độ xuân sắc, Huy bỗng nhiên nhận được thông tin mình bị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Hàng ngày, cậu vẫn phải chịu đựng biết bao đau đớn, cái chết treo lơ lửng, nhưng vẫn hy vọng mình sẽ trở thành một bác sĩ cứu người.
Trong thời gian dài, Trần Tá Huy (sinh viên ngành y, trường đại học Quốc gia TP.HCM) là tấm gương sáng cho nhiều học sinh, sinh viên noi theo. Thế nhưng, gần một năm nay, Huy lại đang đau đớn với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến mọi người phải xót xa.
Trong căn nhà trọ nhỏ ở đường Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức (TP.HCM), bà Nguyễn Thị Lùn (mẹ Huy) rầu rầu cho biết: “Gia đình chúng tôi đều sống bằng nghề làm thuê, nên khi thấy Huy học giỏi thì vui mừng vô cùng. Mặc dù ngày ba bữa cơm còn khó, nhưng với mong muốn cho Huy học đến nơi đến chốn nên cả nhà đều vun đắp. 12 năm phổ thông, Huy luôn thuộc top đầu của trường là món quà lớn cho cha mẹ”.
Dù cái chết lơ lửng, Huy vẫn mong mình trở thành bác sĩ để cứu người
Mặc dù gần đến ngày thi nhưng hàng ngày, ngoài khoảng thời gian ôn tập bài vở, Huy vẫn phụ giúp cha mẹ nhiều công việc. Lúc này, bà Lùn khuyên: “Con đăng ký thi ngành y khó lắm! Cố học đi”. Huy lại cười cười: “Học thì vẫn phải học mà phụ giúp cha mẹ thì vẫn phải phụ giúp”.
Đi thi về, Huy không dám khẳng định sẽ đậu đại học. Suốt ngày, thấy Huy lo lắng, bà Lùn thương vô cùng. Thế rồi, giấy báo đại học, Huy đạt 27,5 điểm và trở thành á khoa ngành y của trường Đại học Quốc gia TP.HCM. Cả gia đình vui mừng khôn xiết. Hàng xóm cũng đến chúc mừng. Đối với nhiều gia đình, khi có con đậu đại học sẽ làm tiệc mừng, nhưng với gia đình bà Lùn thì đó là điều quá xa xỉ. Vợ chồng bà chúc mừng con bằng một nồi chè nhỏ. “Chừng đó thôi nhưng tôi vẫn cảm thấy rất vui rồi”, bà Lùn chia sẻ.
Ở Sài Gòn, Huy vừa học tập vừa đi làm thêm để lo cho cuộc sống của mình. Với tính hiền lành, siêng năng, cần cù, Huy được thầy cô, bạn bè yêu quí. Khi cuộc sống của nam sinh viên đang độ xuân sắc thì vào một đêm tháng 7/2013, Huy bị sốt, nôn ra máu. Bạn bè thấy vậy vội đưa Huy đến bệnh viện Đa khoa quận Thủ Đức. Cậu điếng lòng khi bác sĩ thông báo: “Con bị suy thận giai đoạn cuối”.
Bà Lùn hay tin vội vàng cùng chồng bắt xe từ Quy Nhơn và Sài Gòn chăm sóc cho con. Trước đây, ông Trần Văn Cư (cha Huy) đạp xích lô ở biển để lo lắng cho cả gia đình. Vì bệnh tật của con, ông phải bỏ việc, vào thành phố chăm lo cho con trai.
Lúc này, trường đại học Quốc gia TP.HCM quyên góp tiền phụ giúp. Tuy nhiên, đối với Huy, "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống", bao nhiêu cũng không đủ. Trước số mệnh của cậu con trai, vợ chồng ông Cư bàn tính đến chuyện bán căn nhà ở quê để chạy thận cho con. Không còn cách nào khác, ông bà đành treo bảng bán nhà.
Nước mắt ngắn dài, Huy cho hay, từ khi phát hiện bệnh đến nay, mỗi tuần phải vào viện 6 ngày, trong đó, 3 ngày khám và 3 ngày chạy thận. Mỗi lần chạy thận tiêu tốn hết 2,5 đến 3 triệu đồng. Cũng do thời gian ở bệnh viện quá nhiều, cậu đành xin bảo lưu kết quả học tập. “Mặc dù vậy, nhưng em không chắc đến khi nào mình có thể trở lại trường học nữa”, cậu đưa ánh mắt nhìn xa xăm.
Huy trong một lần chạy thận
Bên cạnh đó, Huy chia sẻ, do việc "chiến đấu" với bệnh tật mất nhiều thời gian nên cậu không còn thời gian buồn bã. Nhưng mỗi ngày nhìn mẹ héo hắt thì lòng cậu quặn thắt, Huy tâm sự: “Suốt đời, mẹ đã vất vả lắm rồi. Nay, vì em, mẹ vẫn phải khổ cực hơn. Đau đớn nhất là không ít lần em nhìn thấy mẹ khóc”.
Mặc dù chống chọi với căn bệnh suy thận giai đoạn cuối, nhưng khi chúng tôi hỏi điều gì cậu mong muốn nhất, Huy không ngại ngần: “Ngay từ nhỏ em đã mong muốn trở thành bác sĩ để cứu người và giờ vẫn như vậy”.
Nắm bàn tay con trai, bà Lùn cho biết, mới đây, bác sĩ thông báo thận của bà thích hợp với thận của con trai nên có thể cứu chữa được. Khi hay tin này, bà ôm con khóc như mưa. Tuy nhiên, ca phẫu thuật phải mất hơn 200 triệu đồng. "Đây là số tiền quá lớn, gia đình không thể kham nổi. Dường như, sự sống của cháu vừa được nhen nhóm cũng là lúc tắt dần hy vọng. Gia đình chỉ mong tấm lòng thơm thảo của những người gần, xa giúp cháu vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo này".