Không muốn bó buộc, không hợp tính cách với bố, vị đại tiểu thư này đã từ chối thừa kế gia tài vài chục nghìn tỷ, tự mình kinh doanh mà vẫn đạt được thành công vượt trội.
Sinh ra là thế hệ phú nhị đại nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tiếp quản cơ đồ mà bố mẹ để lại. Được nuôi dạy trong một môi trường giáo dục hoàn hảo, họ luôn khao khát được sống với ước mơ của bản thân chứ không phải thỏa mãn nguyện vọng của người khác.
Đó chính là câu chuyện của Tả Dĩnh, cô gái xinh đẹp, tài giỏi và là đại tiểu thư của Tập đoàn Tông Thân, Trung Quốc. Năm 2009 là lần thứ 2 Tả Dĩnh được gọi trở lại Trung Quốc để giúp đỡ công việc kinh doanh cho bố. Với hơn 13.000 nhân viên và tổng tài sản vượt 4 tỷ NDT (khoảng 635 triệu USD) năm 2012, Tập đoàn công nghiệp Tông Thân là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm liên quan đến xe máy.
Bắt đầu từ con số 0 với vai trò là thợ sửa xe máy những năm 1980, chủ tịch tập đoàn, ông Tả Tông Thân đã làm việc cực kỳ chăm chỉ để biến cửa hàng sửa xe của mình thành một công ty trị giá hàng triệu USD. Tháng 2/2020, ông Tả xếp thứ 2.642 trong danh sách những tỷ phú người Hoa khắp toàn cầu. Tài sản lúc này của ông khoảng 7 tỷ NDT (khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng).
Tả Dĩnh sinh năm 1982. Ngay từ khi còn nhỏ cô đã biết tương lai sẽ tiếp quản sự nghiệp của bố và cuộc sống của hàng nghìn nhân viên trong công ty phụ thuộc vào mình. “Đó là áp lực rất lớn với một cô bé 10 tuổi và tôi cảm thấy căng thẳng hơn là phấn khích”, Tả Dĩnh phát biểu sau khi tốt nghiệp một trường trung học chuyên biệt tại Trùng Khánh và chuẩn bị theo học ĐH Miami, Mỹ. Ông Tả Tông Thân đưa ra kế hoạch giáo dục này sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về cách để biến con gái trở thành người thừa kế tương lai, có thể đảm nhận được đế chế mà ông gây dựng.
Tuy nhiên, kế hoạch giáo dục được tính toán kỹ lưỡng này lại không hoàn toàn mang lại kết quả mà vị tỷ phú mong đợi. Không giống như bố, một người bảo thủ và nghiêm túc, Tả Dĩnh thích được đi du lịch khắp thế giới và đăng những bức ảnh gợi cảm của mình lên mạng xã hội.
Năm 2007, sau khi Tả Dĩnh tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại Mỹ, ông Tả Tông Thân yêu cầu con gái về Trung Quốc để phụ giúp công việc kinh doanh. Tả Dĩnh rất muốn ở lại Mỹ nhưng cuối cùng cũng đồng ý trở về dưới áp lực từ gia đình. Khi trở lại, cô được bổ nhiệm làm trợ lý cho bố. Một năm sau, hai bố con nảy sinh rất nhiều mâu thuẫn, khác biệt.
Văn phòng của ông Tả Tông Thân thì đầy ắp các báo cáo, bản thân ông thì tất tả chạy đi chạy lại giữa các cuộc họp. Tả Dĩnh loay hoay không hiểu tại sao bố mình phải tự giải quyết từng việc nhỏ nhặt còn ông Tả thì khó chịu khi con gái cả ngày chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. Cô gái trẻ còn bị bố giáo huấn vì tỉa lông mày ở văn phòng. Tả Dĩnh nói: “Đối với ông ấy, nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính là một việc lãng phí thời gian. Nhưng làm thế nào mà một doanh nghiệp hiện đại có thể hoạt động khi không có Internet và máy tính?”.
Theo Tả Dĩnh, cô kính trọng và ngưỡng mộ bố vì ông có bộ óc kinh doanh nhạy bén, nhưng cũng sợ những lời chỉ trích gay gắt của ông. “Tôi liên tục bị giáo huấn vì phát ngôn không phù hợp và thiếu suy nghĩ". Hơn nữa, sau khi sống ở Mỹ một thời gian dài, Tả Dĩnh cũng phàn nàn về mối quan hệ phức tạp giữa các cá nhân tại Trung Quốc: “Có quá nhiều phỏng đoán khi giao tiếp. Thật tốt nếu tôi có thể giải đáp được những câu đố nhưng thật tệ khi tôi mắc lỗi”. Cuối cùng, Tả Dĩnh quyết định trở lại Mỹ sau một năm với lý do không thể chịu được mùa đông giá lạnh của Trùng Khánh.
Vào năm 2009, khi Tập đoàn Tông Thân chịu khủng hoảng tài chính và chứng kiến lượng xe máy xuất khẩu giảm mạnh, ông Tả một lần nữa gọi con gái trở về và đề nghị cô tiếp quản Công ty Xuất Nhập khẩu Tông Thân. Đây là công ty con đang gặp khó khăn nhất của tập đoàn.
Lần này, mối quan hệ hợp tác giữa hai bố con đã tốt hơn. Tả Dĩnh mở rộng phạm vi kinh doanh và ông Tả Tông Thân bắt đầu đầu tư vào các ngành khác như bất động sản để phục vụ cho sở thích của con gái mình. Ông cũng khuyến khích cô đầu tư vào các dự án tách biệt với Tập đoàn Tông Thân. Năm 2011, Tả Dĩnh đầu tư 350 triệu NDT (55 triệu USD) vào một cửa hàng BMW 4S. Cô đã thành công trong việc mở rộng khối lượng xuất khẩu của công ty con lên 50% vào cuối năm 2011. Cuối cùng thì ông Tả Tông Thân cũng cảm thấy con gái mình đã trưởng thành hơn.
Nhưng Tả Dĩnh vẫn bay về Miami vài tháng một lần để tránh sự ô nhiễm và khí hậu khắc nghiệt của Trùng Khánh. Đại tiểu thư họ Tả cũng chia sẻ rằng cô có nhiều bạn bè ở Mỹ hơn. Cuộc sống lý tưởng mà cô theo đuổi là đi du lịch vòng quanh thế giới với người chồng Mỹ và kiếm tiền bằng cách kinh doanh cổ phiếu. Tuy nhiên, cô vẫn có nghĩa vụ giúp bố điều hành công việc kinh doanh.
Tả Dĩnh bắt đầu mua cổ phiếu ở Mỹ vào năm 2007 và bán phá giá tất cả ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính. Năm 2009, cô mua cổ phiếu của các công ty lớn, trong đó có cả Apple Inc với giá rất hời. Giờ đây, mối quan tâm lớn nhất của Tả Dĩnh là đầu tư nhưng cô thừa nhận mình đã khôn ngoan hơn trước rất nhiều và cảm thấy may mắn khi có được sự ủng hộ của bố mình.