Hàng năm trên thế giới có khoảng 520.000 phụ nữ mắc mới ung thư cổ tử cung, còn ở Việt Nam, cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và trung bình 9 phụ nữ tử vong mỗi ngày vì căn bệnh này.
Ung thư cổ tử cung là một trong nhưng căn bệnh có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở phụ nữ, điều đáng nói hơn đây là căn bệnh đang ngày càng gia tăng về số lượng, đặc biệt là những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh, cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh thì không phải người phụ nữ nào cũng biết. Chính vì lý do đó, chúng tôi giới thiệu tới quý bạn đọc tuyến bài về căn bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tuyến bài này sẽ là những ý kiến, nhận định của các chuyên gia bác sĩ về nguyên nhân, triệu chứng, sự nguy hiểm cũng như cách phòng tránh căn bệnh này. |
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh chết người vô cùng đáng sợ đối với bất kỳ người phụ nữ nào. Đáng sợ ở chỗ, căn bệnh ung thư này đang ngày càng trẻ hóa và có xu hướng gia tăng theo từng năm, đáng nói hơn một số nghiên cứu đã chứng minh, tỉ lệ phụ nữ có trình độ cao mắc căn bệnh ung thư này hiện nay đang ngày càng gia tăng.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Hiển – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính của cổ tử cung. Bệnh bắt đầu từ sự biến đổi của một số tế bào thuộc lớp biều mô gai bao phủ toàn bộ cổ tử cung và liên tiếp phủ toàn bộ lòng âm đạo.
Sự biến đổi của các tế bào này khởi nguồn hoàn toàn lành tính ở cổ tử cung bởi sự tác động của nhiều yếu tố trong đó virus HPV được coi là nguyên nhân. Sự biến đổi này bắt đầu từ bề mặt rồi ăn sâu dần xuống lớp đáy, từ lành tính chuyển thành tiền ung thư, ung thư tại chỗ rồi cuối cùng là ung thư thực sự (ung thư xâm lấn).
Bệnh ung thư cổ tử cung cướp đi sinh mạng 9 chị em phụ nữ mỗi ngày.
Hàng năm trên trên thế giới có khoảng 520.000 phụ nữ mắc mới ung thư cổ tử cung và hơn 274.00 tử vong vì căn bệnh này, trong đó có tới 80% ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển như các nước châu Phi, Ấn Độ, Camphuchia…
Tuy nhiên, căn bệnh này cũng không hiếm gặp ở các nước phát triển như Anh, Mỹ… Theo thống kê, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ 2 về tỷ lệ mắc trong những ung thư thường gặp và đứng thứ 4 trong những nguyên nhân tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Theo phó giáo sư Hiển, riêng tại Mỹ, hàng năm có khoảng 11.000 các ca mắc mới, và 3.900 ca tử vong, xếp hàng thứ 8 trong các ca ung thư thường gặp. Theo tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu, những người phụ nữ gốc Tây Ban Nha thường có tỷ lệ mắc cao hơn các cộng đồng dân cư khác.
Còn tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong, trung bình mỗi ngày có khoảng 9 phụ nữ Việt tử vong vì căn bệnh này. Theo kết quả của dự án sàng lọc ung thư cổ tử cung của của Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ Ung thư cổ tử cung Australia tiến hành (từ năm 2012 đến khoảng giữa năm 2015) tại 5 tỉnh và với các phụ nữ từ 30-50 tuổi, cho thấy đa số đều bị viêm đường sinh dục.
Xét nghiệm cho 750 phụ nữ ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc có đến 75% phụ nữ bị viêm nhiễm; trong số hơn 2.200 phụ nữ được xét nghiệm tại TP Hòa Bình, đã có trên 63% phụ nữ viêm cổ tử cung âm đạo, 50% phụ nữ viêm do vi sinh; tại Thái Bình và Cần Thơ, tỉ lệ phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa, chủ yếu là viêm âm đạo và viêm cổ tử cung bất thường lên tới trên 70%.
Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ có sử dụng thuốc tránh thai có tỷ lệ tế bào tiền ung thư, ung thư cổ tử cung cũng cao hơn so với phụ nữ không dùng thuốc tránh thai (7,29% so với 4,17%).
Chính vì thế, ung thư cổn tử cung đang là vấn đề nóng, và là một trong những căn bệnh có tỷ lệ gia tăng hàng đầu ở nước ta và đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam.
Để giúp chị em hiểu đúng hơn về nguyên nhân gây bệnh, cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh Ung thư cổ tử cung, Tạp chí Tạp chí Điện tử Khám phá phối hợp với trang thông tin điện tử Eva.vn tổ chức Giao lưu trực tuyến về căn bệnh Ung thư cổ tử cung. Buổi tư vấn diễn ra vào lúc 14h ngày 25/3/2016 với sự tham gia của 2 chuyên gia hàng đầu về Ung thư cổ tử cung: - Bác sĩ Lê Văn Quảng, Phó Trưởng khoa Ung Bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại Học Y. - Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện sức khỏe sinh sản và Gia đình Độc giả quan tâm đến vấn đề này có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia TẠI ĐÂY. |