Chiều 28/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội – ông Hoàng Đức Hạnh trả lời báo chí xung quanh vụ nữ y sỹ của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội ăn bớt vắc xin.
Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt thông tin về việc nhân viên của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khi tiêm chủng cho trẻ đã ăn bớt vắc xin.
Chiều 28/5, tại hội nghị giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhiều PV đặt câu hỏi về việc xử lý vụ việc này.
Tại cuộc giao ban, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội cho biết, ngay sau khi buộc thôi việc đối với y sỹ sai phạm, ngành y tế tiếp tục kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan.
Dự kiến ngay cuối tuần này sẽ công bố hình thức kỷ luật (nếu có xác định sai phạm) đối với Giám đốc, Trưởng phòng Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội.
Ông Hạnh cho biết, sự việc đã gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành, ảnh hưởng không tốt đối với dư luận xã hội đối với công tác tiêm chủng. Đây là sai phạm chỉ mang tính cá nhân y sỹ Bùi Thị Phương Hoa, không phát hiện ra có nhóm lợi ích.
Trước ý kiến cần định lượng kháng thể đối với cháu Phong (Vĩnh Phúc), bị y sĩ Hoa trực tiếp tiêm vắc xin thiếu, ông Hạnh cho biết hiện ở Việt Nam chưa thực hiện được điều này. Vì nhiều lý do, trong đó có việc cơ địa của mỗi người sẽ có các kháng nguyên khác nhau… Do vậy, việc xác định kháng thể rất khó.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của vị lãnh đạo Sở Y tế, PV tiếp tục đặt câu hỏi: Để tiêm mũi “5 trong 1” như cháu Phong, gia đình phải bỏ ra một mức phí dịch vụ không nhỏ. Trong đó, Trung tâm Y tế Dự phòng đã có lợi ích, người đi tiêm có lợi ích. Vậy mỗi lần tiêm, người thực hiện tiêm nhận được bao nhiêu tiền?
Cũng theo các PV, các phương tiện truyền thông đưa tin, cháu Phong không phải là nạn nhân duy nhất là bị tiêm thiếu vắc xin. Nếu nói có không vụ lợi tại sao y sỹ lại bớt nhiều lần như vậy?
Bên cạnh đó, mức xử lý đuổi việc với nhân viên y tế sai phạm, còn một số ý kiến dư luận chưa yên tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiêm vắc xin thiếu như y sỹ trên có đáng bị xem xét hình sự và mời công an vào cuộc xử lý không?
Hình ảnh lọ vắc xin và nhãn được cho là bị "ăn bớt" tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội
Trả lời câu hỏi trên, ông Hạnh cho hay, trong tiêm chủng có hai hình thức là tiêm chủng mở rộng miễn phí và tiêm chủng dịch vụ (có thu tiền). Đối với loại tiêm chủng dịch vụ, sau khi tư vấn cho người dân loại vắc xin, giá tiền... gia đình sẽ quyết định tiêm hay không.
Bản thân Trung tâm Y tế Dự phòng có lợi ích, người đi tiêm cũng có lợi ích trong đó. Vậy đã có tiền, vẫn còn ăn bớt làm gì?
“Hiện giờ Sở y tế cũng không biết rằng, nữ y sỹ ăn bớt vắc xin có tiêm cho người khác hay không, chỉ biết rằng y sỹ tiêm thiếu liều. Do vậy, để trả lời câu hỏi ăn bớt được bao nhiêu tiền... chúng tôi cần xem xét cụ thể hơn mới có câu trả lời xác đáng”, ông Hạnh nói. Còn vụ việc có đến mức hình sự hay không là tùy thuộc vào cơ quan pháp luật, không thể dựa vào dư luận. Không thể có chuyện dư luận bảo hình sự là phải hình sự, bảo kỷ luật là phải kỷ luật... hình phạt nào cũng phải dựa vào quy trình pháp luật.
Ngày 19/4, anh Nguyễn Dương Lam (TP.Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) đưa con trai là Kiều Phong đến Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội để tiêm vắc xin Pentaxim - loại vắc xin phòng tránh được 5 loại bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và hib).
Tại đây, anh Lam đã thấy nữ nhân viên y tế tên Hoa bóc lọ vắc xin ra và bơm nước vào rồi rút vào xilanh nhưng rút không hết. Một lọ vắc xin Pentaxim 0,5ml, nhưng bà Hoa chỉ rút có 0,3ml, để lại trong lọ khoảng 0,2ml.