Một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài, mà người ta lại bị oan sai. Tiền nào bù đắp nổi án oan sai... Người tạo ra án oan sai cũng phải chịu một phần trách nhiệm tiền bồi thường.
Đó là những chia sẻ của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tình trạng án oan sai thời gian gần đây, cũng như chuyện bồi thường người bị án oan thời gian gần đây.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Án oan sai, tiền nào bù đắp nổi
“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Thực tế hiện nay oan sai chỉ có thể bồi thường bằng tiền để bù đắp những mất mát về vật chất. Còn những mất mát về tinh thần, tình cảm, đau thương gia đình của họ thì không tiền nào có thể bù đắp được.
Có biết bao gia đình sau khi bị lâm vào cảnh hàm oan dẫn đến tan cửa nát nhà. Nhiều người cha, người mẹ sau khi bị vướng án oan không còn điều kiện để nuôi dạy con cái dẫn đến chúng phải bỏ học, thậm chí lao vào con đường nghiện ngập, hư hỏng…
Tất cả những cái đó bù đắp thế nào đây? Không thể bù đắp nổi.
ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Ngoài chịu trách nhiệm, phải buộc người tạo ra oan sai phải chịu trách nhiệm bồi thường bằng tiền, không thể lấy toàn bộ ngân sách ra trả
Tôi đề nghị các cơ quan tư pháp phải nghiêm túc chấp hành Hiến pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội, không để xảy ra tình trạng oan, sai mà nguyên nhân chính do chủ quan, thỏa mãn, bệnh thành tích, thống nhất một chiều, phẩm chất đạo đức kém.
Đối với người mắc sai phạm, anh làm người ta oan sai thì bản thân anh phải chịu trách nhiệm chứ không thể đơn giản là kiểm điểm, giảm lương… sẽ không tương xứng, không tạo được niềm tin với dân. Ngoài ra, cũng phải buộc những người tạo ra oan sai phải chịu một phần việc bồi thường cho người bị oan, chứ không thể hoàn toàn lấy ngân sách ra để bồi thường được.
Tôi cũng đồng tình với quan điểm cần bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung để tránh tình trạng bức cung, nhục hình, dễ dẫn tới oan sai.
ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội: Người tạo ra oan sai cũng phải “gánh” tránh nhiệm bồi thường
Một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài, mà người ta lại bị oan sai. Có rơi vào hoàn cảnh như họ mới biết được là như thế nào. Vì thế, không thể nói con số 71 án oan sai trong vòng 3 năm qua là ít được. Ngược lại, tôi cho rằng đó là sự báo động lớn đối với xã hội. Điều này cũng làm giảm lòng tin của người dân với các cơ quan thực thi pháp luật.
ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị): Cần quy định tỷ lệ "cứng" về tiền bồi thường với người tạo ra oan sai
Đơn cử, vụ án điển hình nhất là vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Sau 10 năm ngồi tù oan và chỉ khi gia đình vận động được kẻ gây án ra đầu thú nhận tội ông Chấn mới được minh oan, trong khi đằng đẵng 10 năm trời ông và gia đình lien tục kêu oan, gửi đơn kêu oan tới các cấp, ngành mà không được giải quyết…. Từ vụ án điển hình này cho thấy tiếng chuông cảnh báo các cơ quan bảo vệ pháp luật, phải làm sao đó để điều tra truy tố, xét xử, thi hành án một cách đúng pháp luật và có lý, có tình, công tâm, khách quan, minh bạch. Có thế mới mong giảm bớt được oan sai.
Còn nếu như điều tra dùng nhục hình, bức cung thì bản chất sự việc sẽ thay đổi trái thành phải, phải thành trái và oan sai vẫn sẽ tiếp diễn.
Khi đã phát hiện oan sai thì các cơ quan tiến hành tố dụng, cơ quan làm sai tạo nên sự oan sai đó phải minh oan cho họ, bồi thường cho họ không chỉ về vật chất mà cả tinh thần một cách kịp thời.
Về tiền bồi thường, tôi đồng tình với quan điểm cho rằng người tạo ra oan sai cũng phải chịu trách nhiệm, phải bỏ tiền bồi thường cho việc làm oan sai của mình, chứ không phải tạo ra cái sai rồi bắt cả xã hội phải gánh, mà ở đây là tiền ngân sách, tiền thuế dân đóng, sẽ phải bỏ ra trả.
Để chặt chẽ, thì cần phải có quy định cụ thể, ví như quy định anh tạo ra oan sai cho người ta thì sẽ phải chịu một tỷ lệ nhất định nào đó trong số tiền bồi thường ấy.