Ngày 30/9, cục Điều tra, viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can cho tại ngoại đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), cựu thẩm phán TAND Tối cao để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng.
Đây là trường hợp thứ ba bị khởi tố do liên quan đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn(trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang).
Ngày 4/11/2013, VKSND Tối cao công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành án với ông Chấn sau 10 năm tù oan.
Vì sao bị khởi tố?
Theo thông tin mà PV thu thập được, ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ tọa phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27/7/2004 vừa bị cục Điều tra, VKSND Tối cao tống đạt quyết định khởi tố bị can ngày 30/9. Theo bản án phúc thẩm, ngày 28/9/2003, ông Chấn đã đến Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang tự thú và khai nhận là người giết chị Nguyễn Thị H.. Ngày 30/10/2003, Cơ quan điều tra đã cho ông Chấn thực nghiệm hiện trường, kết quả là ông Chấn thực hiện thành thạo các động tác giết chị H. và phù hợp lời khai, dấu vết tại hiện trường.
Bản án phúc thẩm nhận định, trong quá trình điều tra đã nhận dạng được hung khí gây án cùng các tang vật chứng, dấu vết để lại hiện trường phù hợp với hành vi phạm tội nên bác kháng cáo của ông Chấn, y án sơ ẩm (tuyên phạt chung thân đối với ông Chấn về tội giết người). Vì vậy, ông Chấn đã phải chấp hành án phạt tù oan suốt 10 năm trời cho đến khi cục Điều tra, VKSND Tối cao vào cuộc điều tra vụ án này và hung thủ thực sự Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Được biết, quá trình điều tra vụ án này, cục Điều tra, VKSND Tối cao xác định ông Chiêm đã thiếu trách nhiệm dẫn đến bản án oan của ông Chấn. Cụ thể, trong quá trình nghiên cứu xem xét phúc thẩm hồ sơ vụ án Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người xảy ra vào ngày 15/8/2003, ông Chiêm với tư cách là thẩm phán toà Phúc thẩm TAND Tối cao, chủ tọa phiên toà đã không kiểm tra tài liệu, đánh giá chứng cứ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định để kết tội ông Chấn giết hại nạn nhân Nguyễn Thị H.. Đặc biệt, tại thời điểm xảy ra vụ án, ông Chấn có nhiều chứng cứ ngoại phạm như việc nhiều nhân chứng có đơn và xác nhận ông Chấn đang gọi điện thoại cho người khác tại nhà riêng nhưng không được xem xét.
Quá trình xét xử phúc thẩm, ông Chiêm chỉ sử dụng chứng cứ duy nhất là lời khai nhận tội của ông Chấn tại cơ quan điều tra và sử dụng biên bản xác định kích thước bàn chân ông Chấn "gần đúng với dấu vết bàn chân thu thập được tại hiện trường" để làm chứng cứ quy kết ông Chấn phạm tội giết người.
Tại phiên toà phúc thẩm, ông Chấn cũng kêu oan nhưng đều không được xem xét. Ngoài ra, tại phiên sơ thẩm, gia đình nạn nhân Nguyễn Thị H. cũng đề nghị xem xét việc nạn nhân bị mất hai chiếc nhẫn đeo trên tay trước khi bị sát hại và tiếp tục nêu tại phiên phúc thẩm. Tuy nhiên, ông Chiêm không kiểm tra đánh giá chứng cứ trong quá trình điều tra nên đã không phát hiện được những sai sót, vi phạm về tố tụng.
Hành vi của ông Chiêm đã vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên toà trong việc đánh giá chứng cứ vụ án. Do những vi phạm này đã dẫn đến việc đánh giá sai bản chất vụ án, dẫn đến việc tuyên án tù chung thân khiến ông Chấn phải ngồi tù oan hơn 10 năm. Hành vi của ông Chiêm được xác định phạm vào tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Hệ lụy khủng khiếp từ chuỗi việc “tặc lưỡi làm liều”
Ngày 1/10/2014 chia sẻ thông tin với PV báo Đời Sống và Pháp Luật tại nhà riêng, ông Phạm Tuấn Chiêm cho biết: "Tôi nhận được quyết định khởi tố bị can hôm 30/9 và cảm thấy rất đau đớn. Tôi vẫn mang bản chất người lính, thượng tôn pháp luật, xét xử công tâm, làm đúng bổn phận, nhưng có những điều mình không thể lường trước được".
Ông Chiêm cũng cho biết: "Quyền phát ngôn vụ việc do Chánh án TAND Tối cao, vì bản án đó thuộc đối tượng điều chỉnh của hội đồng thẩm phán". Tuy nhiên chia sẻ riêng về vụ việc hơn chục năm về trước, ông Chiêm trần tình: "Khi xét xử, mặc dù đã làm hết trách nhiệm, công tâm nhưng vì trước đó, một số cơ quan đã dùng những thủ đoạn nghiệp vụ làm sai lệch hồ sơ nên dẫn đến kết quả xét xử chưa đúng. Điều kiện tiên quyết để xử đúng là các cơ quan điều tra khởi tố, VKS truy tố đúng người đúng tội, chúng tôi không có chức năng điều tra. Chúng tôi cũng chỉ căn cứ vào kết quả điều tra của các cơ quan khác, trên cơ sở cơ quan tố tụng. Nhưng vì họ đã có các thủ đoạn bức cung dùng nhục hình, bây giờ mới phát lộ đã làm sai lệch hồ sơ vụ án. Trường hợp này, hoàn toàn là bất khả kháng trong quá trình xét xử vụ án".
Nhắc đến vụ án năm xưa, ông Chiêm thừa nhận: "Khi xét xử, Hội đồng không biết hung thủ là Lý Nguyễn Chung cho nên đinh ninh kết luận ông Chấn là hung thủ. Bây giờ mới bộc lộ ra một số cơ quan khác đã làm sai lệch hồ sơ, bức cung, nhục hình dẫn đến việc chúng tôi xét xử không đúng. Đó là hệ lụy của chuỗi việc làm sai trước đó. Trường hợp khi người ta đã giở thủ đoạn nghiệp vụ làm sai lệch hồ sơ, dẫn đến kết quả bị sai cũng khó cho cơ quan xét xử. Chúng tôi không có chức năng điều tra ngoài xã hội, chính vì thế mới chứng minh rằng, tại sao vụ việc 10 năm sau mới phát lộ".
Với tư cách một người dân, khi nói về vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Chiêm cho rằng, việc xét xử thông qua bản án của hội đồng tái thẩm thể hiện sự công tâm, minh bạch và quyết tâm bảo vệ công lý của TAND Tối cao: Đã chỉ rõ ra hung thủ của vụ án và minh oan cho ông Chấn, tiến tới xin lỗi theo luật định và bồi thường. Theo ông Chiêm, ông Chấn bị oan thì sẽ được pháp luật giải quyết, còn bây giờ tìm ra hung thủ thì phải trừng trị nghiêm. Còn đối với trách nhiệm của ba ngành công an, viện kiểm sát và tòa án, tuy khác chức năng nhưng cùng mục đích thượng tôn pháp luật, nếu sai đến mức độ nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm ở mức độ đó, vì sự nghiệp cải cách tư pháp, vì dân, vì nước.
Ông Phạm Tuấn Chiêm: "Tôi không chối bỏ trách nhiệm...".
Về trường hợp khởi tố bị can đối với mình, ông Chiêm cho rằng, trước hết cơ quan chức năng cứ sử dụng chức năng của họ, còn việc tiến triển đến đâu, tùy thuộc vào quan điểm pháp lý và chức năng nhiệm vụ của ba ngành công an, viện kiểm sát và tòa án. "Tôi tin tưởng vào các cơ quan thực thi pháp luật nói chung và tòa án nói riêng, trên cơ sở chức năng của mình dần dần làm sáng tỏ vấn đề. Sai đến đâu tôi sẽ chịu đến đó. Tôi không chối bỏ trách nhiệm...", ông Chiêm khẳng định.
Trước thông tin ông Chiêm bị khởi tố bị can, trao đổi với PV báo Đời Sống và Pháp Luật, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết, đã nắm được thông tin ba cán bộ điều tra, xét xử vụ án của mình bị khởi tố bị can. ông sẽ theo đuổi vụ án này đến cùng và tin tưởng vào cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những cán bộ cố tình làm sai, khiến ông bị oan.
Ba cán bộ liên quan đến vụ án oan đã bị khởi tố Liên quan đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, đến nay đã có 3 người bị khởi tố bị can để điều tra làm rõ. Đó là ông Trần Nhật Luật (nguyên Thượng tá, nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang); ông Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) về hành vi "làm sai lệch hồ sơ vụ án" với khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Còn ông Phạm Tuấn Chiêm, cựu thẩm phán TAND Tối cao bị khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và đối mặt với khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù. Nếu kết luận ông Chiêm có tội, vụ án sẽ có thêm đồng phạm? Theo luật sư Bùi Đình ứng, đoàn Luật sư Hà Nội, ông Phạm Tuấn Chiêm chỉ là người điều khiển phiên tòa. Còn hội đồng xét xử là ba người và quyết định của hội đồng xét xử phải quá bán. Điều đó có thể thấy rằng, nếu ông Chiêm bị tuyên là có tội thì căn cứ vào chứng cứ như tài liệu biên bản ghi lại phiên tòa để xác định những đồng phạm với ông Chiêm. |