Để minh họa cho các vị tướng trong lịch sử, nhiều họa sĩ trẻ đã tạo ra những bức ảnh mang dáng dấp của nhân vật phim hoạt hình, truyện kiếm hiệp... những bức ảnh “méo mó” này là sự khác biệt, hay là “chiêu” thu hút độc giả?
Gần đây liên tiếp các ấn phẩm của các nhà xuất bản cho ra mắt những ấn phẩm “sốc”, đó là những cuốn sách có nội dung không phù hợp, ảnh minh họa rất phản cảm, gây bức xúc đối với độc giả. Mới đây nhất là cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” do NXB Văn hóa - Thông tin xuất bản, ảnh minh họa cho các vị tướng được trình bày hết sức cẩu thả khiến người đọc không khỏi “choáng váng”.
Dù những người có trách nhiệm của cuốn sách nói trên đã giải thích rằng hình ảnh đó đều dùng minh họa, được lấy trên mạng, các nhân vật lịch sử đều không có ảnh, được vẽ qua trí tưởng tượng… Tuy nhiên, điều này cũng chỉ ra rằng ngoài tùy tiện ra, người làm sách, họa sĩ đã chưa hiểu rõ về các nhân vật, thời nào, trang phục… ra sao đối với các nhân vật lịch sử.
Cuốn sách những vị tướng của NXB Văn hóa Thông tin dùng nhiều ảnh minh họa các vị tướng lịch sử giống như phim kiếm hiệp. Ảnh: A.Quang
Theo đánh giá các nhà sử học, người vẽ tranh hầu hết đã không tham khảo, đối chứng với tài liệu lịch sử mà chỉ vẽ theo trí tưởng tượng. Hầu hết tranh minh họa các vị tướng trong sách đều có sai sót, có sự lai tạp giữa trang phục của các nhân vật giữa các triều đại trong nước, thậm chí vay mượn từ nước ngoài.
Ví dụ như, vị nữ tướng Bùi Thị Xuân nổi tiếng trong lịch sử dân tộc được minh họa bằng tranh theo phong cách manga của Nhật Bản. Nhiều nhân vật khác như: Trần Khánh Dư, Trần Quang Diệu, nữ tướng Lê Chân… cũng được khoác lên mình vẻ bề ngoài na ná các nhân vật trong tiểu thuyết, phim kiếm hiệp Tàu.
Nhiều minh họa trong sách được vẽ theo phong cách Digital art, lấy từ bộ tranh “Anh hùng sử Việt” của nhóm Viet Toon. Bộ tranh này từng làm dấy lên tranh luận vào năm 2012 khi sử dụng quá nhiều binh đao, phục trang giống hình game online, không có tính dân tộc.
Các vị tướng lịch sử thời trước được minh họa bằng những hình ảnh khá phản cảm. Ảnh: A.Quang
Những bức tranh minh họa các vị tướng trong lịch sử nói trên có thể thấy, hiện nay một bộ phận họa sĩ, nhất là các họa sĩ trẻ vì muốn tìm sự khác biệt, thu hút người xem trên mạng internet đã cho ra mắt nhiều bộ tranh các nhân vật lịch sử chỉ dựa trên cảm quan cá nhân, thiếu tìm tòi, tư liệu về nhân vật.
Để làm nên một tác phẩm hội họa về nhân vật lịch sử, nhất là các vị tướng được người dân yêu mến, người họa sĩ phải vẽ bằng trách nhiệm, lòng kính trọng và hiểu biết về nhân vật... Đáng buồn là những bức ảnh “lai tạp”, na ná nhân vật trong truyện, phim kiếm hiệp Tàu đang xuất hiện trên mạng internet ngày càng nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng tới nhận thức của giới trẻ về lịch sử.