Hà Nội đang trong một đợt ô nhiễm không khí kéo dài liên tục nhiều ngày. Chất lượng không khí ở một loạt điểm nội thành và ngoại thành Thủ đô đều ở mức kém và xấu. Ô nhiễm bụi xuất hiện ở nhiều khu vực.
Khoảng vài ngày trở lại đây, chất lượng không khí tại Hà Nội thường xuyên ở mức kém, đặc biệt vào đầu giờ sáng. Theo kết quả quan trắc, trong hai ngày 15, 16 và 17/9, chất lượng không khí ở nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội đều ở ngưỡng kém, chỉ số chất lượng không khí AQI liên tục dao động trong ngưỡng 100-200 - ngưỡng chất lượng không khí kém và chuẩn bị sang ngưỡng chất lượng không khí xấu.
Theo hình ảnh thực tế Hà Nội lúc 8h ngày 17/9 , có thể thấy bầu trời nhiều bụi mịn như sương mù dày đặc.
Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được chia làm 5 mức: Từ 0-100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 – 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 – 300 là xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài.
Ngay từ sáng sớm, Hà Nội đã chìm trong sương mù dày đặc, ở những điểm cao quan sát, tầm nhìn bị hạn chế rất nhiều.
Nhiều tuyến đường ở thủ đô Hà Nội đã tràn ngập không khí giống sương mù dày đặc, khiến tầm nhìn xa bị hạn chế. Quá trưa đến chiều, nhiều người tham gia giao thông vẫn phải bật đèn pha để thuận lợi di chuyển.
Kể cả thời điểm gần trưa thì lượng sương mù vẫn không giảm.
Trong đợt ô nhiễm không khí mà người dân đang trải qua ở Hà Nội có đủ các yếu tố gây ô nhiễm. Ngoài ra, còn có sự tác động của hai yếu tố mang tính địa phương. Thứ nhất là diễn biến thời tiết. Trong 4 ngày gần đây, ở Hà Nội mù vào sáng sớm liên tục xuất hiện, trời lại không mưa, lặng gió. Bụi không có gió để phát tán xa hơn. Ngoài ra, sương mù như một lớp màn chặn bụi lại.
Nguyên nhân thứ 2 là trong thời gian qua, ở khu vực ngoại thành Hà Nội lại tái diễn tình trạng đốt rơm rạ. Khói bụi từ rơm rạ khiến tình trạng ô nhiễm trong ngày có sương mù càng nghiêm trọng hơn.
Tháp rùa ẩn mình trong làn sương mù mờ ảo.
Sương mù phủ kín các nhịp cầu Long Biên giữa sông Hồng. Những khu vực càng gần sông hồ thì mật độ sương mù càng dày đặc.
Khu vực cầu Nhật Tân dường như không thấy được đầu cầu bên kia.
Không nhìn thấy đầu cầu Vĩnh Tuy khi cả khoảng trời đều là màu trắng đục của sương mù.
Khuyến cáo người dân ra đường trong những ngày chất lượng không khí xấu, người già, trẻ em, những đối tượng có sẵn các bệnh nền mãn tính, hô hấp nên hạn chế ra ngoài, thường xuyên theo dõi chất lượng không khí như theo dõi thời tiết.