Chỉ là một người bán bánh mì, Châu “nổ” mình là cán bộ kiểm toán nhà nước và cán bộ của phòng tài chính quận. Châu tự phong có thể giúp xin việc làm, làm sổ vay vốn, xuất khẩu lao động… Từ đó, Châu cho hàng chục người rơi vào “ma trận” lừa đảo của mình.
Gọi điện về cho con trước khi bị bắt
Sáng 21/8, Đại tá Trần Thanh Sơn (Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng) đã có quyết định khởi tố đối với Trần Thị Kim Châu (SN 1977, quận Ngũ Hành Sơn) về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, Châu là một người bán bánh mì nhưng “nổ”, mình là người có chức vụ lớn, có thể “lo lót” để chạy việc, làm sổ đỏ, xuất khẩu lao động…
Cùng ngày, chúng tôi tìm về địa phương, nhiều người dân cho biết: “Chúng tôi bất ngờ khi nghe tin bà ấy bị bắt. Nghe bảo, bà ấy nổ là cán bộ kiểm toán Nhà nước. Nhưng, người dân ở đây xa lạ gì, bà ấy chỉ bán bánh mì dạo”. Theo lời người dân, Châu là người khá vui vẻ, hoạt bát, nhanh mồm nhanh miệng. Nhờ tài ăn nói của mình, Châu có khá nhiều bạn bè. Mỗi khi ngồi trò chuyện, Châu có thể nói từ chuyện này sang chuyện khác rất lôi cuốn khiến mọi người không cảm thấy chán.
Châu tại cơ quan điều tra
Được sự hướng dẫn, chúng tôi tìm đến nhà Châu, cửa đóng kín. Chị Nguyễn Thị T (hàng xóm) cho biết: “Không có ai mở cửa đâu. Người thân bà ấy ái ngại với hàng xóm nên đi hết rồi. Chuyện bà ấy bị bắt, chính tôi cũng bất ngờ”. Chị chia sẻ thêm, Châu kiếm sống bằng nghề bán bánh mì ở quận Ngũ Hành Sơn từ khi còn là con gái. Đến tuổi trưởng thành, Châu lấy chồng và chuyển xe bánh mì sang quận Thanh Khê.
Chồng Châu là một công nhân làm thuê. Châu hạ sinh được hai đứa con. Khá siêng năng, sống tiết kiệm, nhưng thỉnh thoảng, Châu vẫn tâm sự thiếu tiền lo cho hai con. Bỗng dưng, cách đây một năm, Châu ăn tiêu rộng rãi, mua sắm nhiều thứ trong nhà và không còn ca thán việc túng thiếu. “Tôi chứ ngỡ, gia đình bà ấy làm ăn được thì cũng mừng. Không ngờ, bà ấy lại đi lừa người khác để có tiền tiêu xài”, chị T chia sẻ.
Ngày 18/8, khi bị bắt, Châu khóc nức nở gọi điện về cho đứa con lớn. Châu bảo: “Mẹ sai rồi con ơi! Mẹ phải đi với mấy chú công an. Ở nhà, con cố gắng lo lắng chứ đừng đánh đập em. Em còn nhỏ, tội lắm!”. Cùng lúc này, đứa con lớn của Châu cũng khóc nức nở. Mọi người động viên, khuyên nhủ cháu phải vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, không nên làm cho cha và em buồn.
Hai đứa con của Châu cứ khóc hoài. Chồng Châu dù rất rối nhưng vẫn phải dỗ dành hai con. “Thấy cảnh hai đứa nhỏ khóc, mọi người cũng không cầm được nước mắt. Châu phạm tội thì phải đền tội là điều hiển nhiên. Nhưng, phải chi, khi phạm tội, Châu nghĩ đến viễn cảnh hôm nay. Chúng tôi cũng không biết, hai đứa nhỏ phải đối mặt chuyện này như thế nào”, chị T nói.
'Thánh nổ”
Châu khai nhận, đọc sách báo, xem ti vi, thấy có nhiều đối tượng thực hiện lừa đảo bằng cách “nổ” làm chức này, chức nọ nên cũng nảy sinh ý định làm theo. Nạn nhân đầu tiên của Châu là bà Hồ Thị Thanh M. Trước đây, hai người từng có quen biết. Khoảng tháng 9/2011, họ gặp lại nhau. Trong lúc trò chuyện, Châu “nổ” đang làm tại cơ quan kiểm toán nhà nước, nằm trong đường dây, có khả năng xin việc, làm sổ đỏ, hộ khẩu, vay ngân hàng… Châu đề nghị, nếu bà M biết ai có nhu cầu xin việc làm thì nhận hồ sơ và đưa cho mình để được hưởng hoa hồng.
Do tin tưởng Châu và trong lúc hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn, bà M nói với nhiều người quen về mối quan hệ giữa mình với bà “kiểm toán viên” có khả năng xin việc và làm thủ tục nhà đất. Người thân của bà M cũng tin tưởng nên dồn tiền nhờ bà làm “mối” để xin việc cho con. Từ tháng 11/2012 đến tháng 3/2012, bà M đã nhận tổng cộng 18 bộ hồ sơ và số tiền hơn 440 triệu đồng.
Mỗi khi nhận được hồ sơ mới, bà M lại hẹn gặp Châu. Bà “kiểm toán viên” luôn mời vào những quán cà phê, nhà hàng sang trọng và giành trả tiền. Trong khoảng thời gian này, Châu vẫn tiếp tục “nổ”. Tin tưởng mù quáng, bà M không chỉ “chuyển giao” 18 bộ hồ sơ cùng số tiền hơn 440 triệu đồng để hưởng hoa hồng mà còn tự đàm phán với ý định góp vốn 130 triệu đồng với Châu để cùng lo dịch vụ visa, hộ khẩu… kiếm thêm thu nhập.
Sau khi đã “ấm túi”, Châu vứt hết hồ sơ, giấy tờ của bà M đưa và lấy tiền chi tiêu cá nhân. Bà M bị mọi người giục vì tiền đã trao nhưng không thấy có việc làm. Bà M đến gặng hỏi nhiều lần. Châu tìm cách né tránh hoặc đưa ra lý do để kéo dài thời gian. Nghi ngờ bị lừa, bà M buộc Châu viết một tờ giấy đã mượn tiền của mình. Đồng thời, bà M nhiều lần đòi lại tiền nên Châu đã trả 93 triệu đồng.
Nạn nhân thứ hai của Châu là bà Trần Thị Thanh L. Khoảng tháng 10/2012, với thủ đoạn và hành vi như trên, Châu gặp bà L và giới thiệu đang làm tại Phòng Tài chính quận Sơn Trà, quen biết với nhiều người làm trong tổ chức chính quyền, có khả năng xin việc, làm sổ đỏ, xuất khẩu lao động, đáo hạn ngân hàng. Châu không quên gợi ý cho bà L tìm mối để hưởng hoa hồng. Bà L đã nhận 10 bộ hồ sơ cùng hàng trăm triệu đồng giao cho Châu. Chờ đợi lâu vẫn không có kết quả như đã hứa, chị L trình báo công an, nhờ điều tra, xác minh.
Ôm nợ
Ông Ngô Trọng Ph (quận Thanh Khê) cho biết, con gái tốt nghiệp ngành sư phạm, từng nộp đơn xét tuyển nhưng không đậu. Vào cuối năm 2012, ông nghe bà L bảo có quen Châu đang làm việc tại Phòng Tài chính quận Sơn Trà có khả năng chạy việc với giá rẻ. Ông tin tưởng, giao cho bà L 20 triệu đồng với hy vọng sẽ tìm được việc cho con. Chờ đợi trong mỏi mòn. Mới đây, ông bất ngờ khi nhận được thông tin cả bà L lẫn mình đều bị Châu lừa. Ông tỏ ra tiếc nuối số tiền này và buồn bã vì sự nhẹ dạ, cả tin của mình.
Quyết định bắt tạm giam đối với Châu
Cay đắng hơn là trường hợp của ông Lương Tấn Th (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Ông Th cho hay, con trai tốt nghiệp đại học, xin việc nhiều nơi nhưng đều không được nhận. Thông qua một số người quen, ông được biết, bà L quen với Châu và có khả năng xin việc. Qua trò chuyện, Châu khẳng định có thể xin con của ông vào một trong hai “chân” ở Cảnh sát môi trường tại quận Ngũa Hành Sơn hoặc vào Ban quản lý đất đai TP Đà Nẵng.
Tin tưởng và nhận thấy, số tiền 140 triệu đồng phía bà L đưa ra là rẻ so với công việc được hứa hẹn nên ông chấp thuận. Không có tiền, ông phải vay mượn nhiều người để đưa cho bà L. Thế nhưng, đã đưa đủ tiền, công việc vẫn “bặt vô âm tín”. Trong khi đó, tiền lãi vay tiền ngày càng tăng lên. Sau cùng, ông ngã ngửa vì đã bị lừa. Bây giờ, ông rất lo lắng vì ôm “một cục nợ lớn”.