Bắc Kinh cấm nhà tuyển dụng hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân và sinh con

Ngày 02/07/2019 02:39 AM (GMT+7)

Quy định này được ban hành nhằm xóa bỏ sự phân biệt giới tính và thúc đẩy cơ hội việc làm cho phụ nữ.

9 cơ quan chính phủ tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã cùng thống nhất ban hành một quy định mới, đó là: Nhà tuyển dụng không được phép hỏi về tình trạng hôn nhân và sinh con của ứng viên nữ. Hôm 27/6 vừa qua, quy định này đã trở thành đề tài nóng hổi của dư luận. 

Bộ quy định này có tên "Tăng cường quản lý tuyển dụng để thúc đẩy việc làm của phụ nữ". Các nhà tuyển dụng không được phép hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân hoặc khả năng sinh sản trong các cuộc sinh sản, bao gồm cả việc loại bỏ thử thai bắt buộc khi kiểm tra sức khỏe trước khi đi làm.

Động thái này là một nỗ lực của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc nhằm xóa bỏ sự phân biệt giới tính trong lực lượng lao động. Những công ty vi phạm quy tắc này sẽ bị phạt từ 10.000 nhân dân tệ (gần 34 triệu đồng) trở lên. Một bài viết trên Weibo nói về chủ đề "Nhà tuyển dụng không được hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân, tình yêu và con cái" đã nhận được hơn 340 triệu lượt xem chỉ trong thời gian ngắn.

Bắc Kinh cấm nhà tuyển dụng hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân và sinh con - 1

Phụ nữ Trung Quốc thường xuyên bị hỏi về tình trạng hôn nhân và sinh con khi đi xin việc (Ảnh minh họa)

Sự phân biệt giới tính trong thị trường làm việc Trung Quốc

Sự phân biệt giới tính trong quá trình tìm kiếm việc làm vốn là chủ đề nóng tại Trung Quốc. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy, 87% sinh viên nữ tốt nghiệp đại học đều bị kỳ thị khi đi phỏng vấn xin việc. 

Vị trí của phụ nữ trong thị trường việc làm Trung Quốc là một vấn đề phức tạp. Một mặt, trình độ học vấn của phụ nữ Trung Quốc nhiều năm gần đây đã cải thiện rất nhiều, góp phần lớn vào sự bình đẳng giới trong xã hội. Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ lao động nữ cao trên thế giới. Năm 2018, tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động là 61%. Mặt khác, phụ nữ Trung Quốc phải đối mặt với những bất lợi rất lớn trong công việc. Các quảng cáo việc làm thường chọn ứng viên nam nhưng lại nói không với ứng viên nữ đã kết hôn và sinh con.

Trung bình, phụ nữ kiếm được tiền lương ít hơn 36% so với nam giới khi làm công việc tương tự. Từ khi chính sách một con của Trung Quốc kết thúc, phụ nữ gặp áp lực phải sinh con thứ hai và việc nghỉ thai sản kéo dài cũng ảnh hưởng tới vị thế của họ.

Luật pháp Trung Quốc khá hào phóng trong chế độ thai sản khi phụ nữ được nghỉ trả lương 98 ngày, được nghỉ có lương để kiểm tra sức khỏe trước khi sinh. Tuy nhiên, chính điều này lại làm tăng đáng kể chi phí cho các công ty, khiến họ cảm thấy thà thuê một ứng viên nam hơn một ứng viên nữ chưa sinh con.

Bắc Kinh cấm nhà tuyển dụng hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân và sinh con - 2

Bắc Kinh ban hành quy định cấm nhà tuyển dụng hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân và con cái.

Năm 2018, dư luận xôn xao trước thông tin một nữ giáo viên ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam bị đuổi việc vì có thai trong thời gian thử việc. Đầu năm 2019, một người phụ nữ ở thành phố  Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, cung bị sa thải vì có thai trong lúc thử việc. 

Những người phụ nữ đang có công việc ổn định mà mang thai cũng có nguy cơ bị sa thải hoặc kiếm ít tiền hơn. Một cuộc khảo sát của trang tuyển dụng việc làm Zhaopin.com cho thấy 33% phụ nữ bị cắt giảm lương và 36% bị hạ cấp sau khi sinh con. 

Năm 2016, một công ty ở tỉnh An Huy cho phép nhân viên nữ được nghỉ có lương nếu đến "ngày đèn đỏ". Tưởng được ủng hộ, nào ngờ cư dân mạng lại phản đối chính sách này vì cho rằng việc cho phụ nữ nghỉ ngày đặc biệt sẽ càng khiến phụ nữ khó kiếm việc hơn.

Quy định mới có thật sự giúp ích cho phụ nữ?

Quy định mới về việc nhà tuyển dụng không được hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân và sinh con vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều cư dân mạng cho rằng kể cả nhà tuyển dụng không hỏi bạn trong hôm phỏng vấn thì họ vẫn có nhiều cách khác để tìm hiểu trình trạng của bạn.

Bắc Kinh cấm nhà tuyển dụng hỏi ứng viên nữ về tình trạng hôn nhân và sinh con - 3

Phụ nữ Trung Quốc gặp nhiều mâu thuẫn trong quá trình tìm việc và chuyện lập gia đình, sinh con đẻ cái (Ảnh minh họa)

Trên mạng xã hội Weibo, một người bình luận: "Tôi đã hỏi một người bạn làm việc trong lĩnh vực nhân sự về vấn đề này. Anh ấy trả lời rằng họ không cần phải hỏi trực tiếp ứng viên nữ vì nó sẽ không chuyên nghiệp. Nhưng khi lọc hồ sơ, họ sẽ luôn quan tâm tới vấn đề giới tính".

Một người khác thậm chí còn bình luận bi quan hơn: "Quy định mới này sẽ chỉ khiến các nhà tuyển dụng từ chối ứng viên nữ ở lứa tuổi nhất định. Nếu thật sự muốn thay đổi, tôi nghĩ nên cho cả phụ nữ và nam giới cùng được nghỉ thai sản".

"Những chi phí xung quanh vấn đề sinh con nên là chuyện của gia đình và nhà nước chứ không phải một công ty. Nếu đặt hết trách nhiệm lên một công ty, họ đương nhiên sẽ o ép phụ nữ và người chịu đựng cuối cùng vẫn là phụ nữ. Nếu không được hỏi về tình trạng hôn nhân và sinh con, các công ty sẽ chỉ đơn giản là không thuê phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nữa", một người khác viết.

Bên cạnh những ý kiến tiêu cực vẫn có một số bình luận tích cực, ủng hộ chính sách này: "Tôi mới tốt nghiệp và đang đi tìm việc làm. Người chủ đã bày tỏ mối quan tâm về tình trạng độc thân của tôi, ông ấy sợ tôi sẽ kết hôn. Khi đi tìm một công việc khác, người chủ cũng thẳng thắn hỏi tôi rằng có ngại không nếu bị đuổi việc vì sinh con".

Phụ nữ Trung Quốc cắm sừng chồng nhiều nhất thế giới vì không dám ly hôn?
Với sự chênh lệch tỷ lệ giới tính quá lớn tại Trung Quốc, nhiều người cho rằng phụ nữ Trung Quốc đi ngoại tình nhiều là bởi họ có nhiều sự lựa chọn,...
Khánh Hằng (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h