Đã có không ít giáo viên lên lớp mạt sát, hạ nhục học trò như mắng học trò là “ngu”, “dạy mãi không được”… khiến các em bị ám ảnh tâm lý, bị bạn bè trêu chọc.
82,5% nguyên nhân của các trường hợp bạo lực học đường là do tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân; 71,1% là do hùa theo các bạn khác; chỉ có khoảng 31% là do xem cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo… Đây là kết quả của cuộc khảo sát nhanh mới được thực hiện tại các trường THCS, THPT TPHCM.
Giáo viên cũng gây nên bạo lực học đường
Kết quả này được đưa ra tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông” được ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức sáng 24.12 với sự góp mặt của ngành giáo dục nhiều tỉnh thành phía Nam.
Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông thuộc ĐH Sư phạm TPHCM đã tiến hành một khảo sát nhanh ý kiến của 297 học sinh tại một số trường THCS, THPT về hành vi bạo lực học đường.
Theo đánh giá của chính các em, nếu bản thân là nạn nhân của bạo lực học đường, em sẽ có những phản ứng gì? Có đến gần 30% học sinh có phản ứng đánh lại bạn và cũng gần 30% học sinh chọn cách im lặng.
Nhiều người vẫn cho rằng, một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến bạo lực học đường là do các em tiếp xúc với phim ảnh, game bạo lực, nhưng qua khảo sát này, chính các em cho biết, 82,5% nguyên nhân của các trường hợp bạo lực là do tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân; 71,1% là do hùa theo các bạn khác; chỉ có khoảng 31% là do xem cảnh bạo lực trong phim ảnh, sách báo.
Cô Đinh Thị Thảo, Trưởng phòng công tác học sinh sinh viên Sở GDĐT Đắc Lắc trầm giọng: “Tỉnh Đắc Lắc vừa xảy ra 2 vụ bạo lực học đường, một học sinh lớp 9 cầm dao đâm chết bạn học và một học sinh lớp 5 đánh học sinh lớp 6 đến tử vong. Tôi rất lo lắng và nghĩ rằng đã đến lúc cần phải mạnh tay mới có thể biến chuyển được thực trạng này”
Cô Trương Thanh Thúy, Khoa Tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm, ĐH Huế) cũng nêu lên một thực trạng khác về bạo lực học đường mà ít người chú ý đến, chính là bạo lực tâm lý do giáo viên gây ra. Đã có không ít giáo viên lên lớp mạt sát, hạ nhục học trò như mắng học trò là “ngu”, “dạy mãi không được”… khiến các em bị ám ảnh tâm lý, bị bạn bè trêu chọc..
Bộ GDĐT quá lơ là việc giáo dục đạo đức
Ông Phạm Hữu Khương, Chánh thanh tra Sở GDĐT tỉnh Ninh Thuận thẳng thắn: “Bạo lực trong trường học đã ghê gớm, nhưng bạo lực bên ngoài nhà trường mới nguy hiểm hơn rất nhiều. Liệu đây có phải là hệ quả của nền giáo dục hiện nay hay không?”.
Theo ông Khương, đã đến lúc ngành giáo dục phải xem lại chất lượng của mình, đặc biệt về nhân cách đạo đức. Thước đo chất lượng giáo dục không chỉ bó hẹp trong khuôn viên nhà trường mà phải thể hiện cả ở những môi trường bên ngoài xã hội.
Thực tế lâu nay, tư duy giáo dục toàn diện được giới hạn và đo lường ở học lực và hạnh kiểm, trong đó hạnh kiểm là ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ cương nề nếp của học sinh trong nhà trường. Thế nhưng nhìn ra bên ngoài nhà trường sẽ thấy ngay cái còn thiếu, rất đáng lo ngại như học sinh văng tục, chửi thề, lập băng nhóm, bạo lực, vô cảm, thiếu lòng nhân ái…
Vì thế, theo ông Khương, bậc phổ thông nên chú trọng đến “dạy người”, bậc CĐ, ĐH mới tập trung nhiều hơn đến dạy kiến thức. Những kiến thức về đạo đức phải được dạy xuyên suốt từ lớp 1 đến hết lớp 12 chứ không phải chỉ dạy sơ sơ ở lớp 1 lớp 2, rồi lồng ghép, tích hợp môn giáo dục công dân vào môn học này, môn học khác cho đủ số tiết.
Cô Đinh Thị Thảo, Trưởng phòng công tác học sinh sinh viên Sở GDĐT Đắc Lắc nêu quan điểm: Bộ GDĐT đang quá tập trung vào chuyên môn mà lơ là đi vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên và cả giáo viên.
Theo cô Trương Thanh Thúy, một trong những biện pháp tốt để phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực học đường, đó là phải bỏ quan niệm giáo dục học sinh, phòng chống bạo lực là trách nhiệm của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm lớp, mà đây là trách nhiệm của tất cả các giáo viên bộ môn.
Mỗi giáo viên đều có trách nhiệm trong việc tư vấn, tham vấn tâm lý cho các em, dạy các em không chỉ tri thức khoa học mà cả tri thức và cách thức làm người.