Do thấy chai dầu để dưới gầm bàn, tưởng nước ngọt cháu T. đã tự ý lấy uống, dẫn đến ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.
Liên tiếp trong 2 ngày gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ bị ngộ độc do uống nhầm hóa chất, rượu.
Mới đây nhất, ngày 7/7 cháu Hỏa Minh T. (16 tháng tuổi) được gia đình đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, toàn thân tím tái, khó thở. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, hồi sức cho cháu T..
Hiện cháu T. vẫn đang được điều trị an thần, truyền dịch, dùng kháng sinh, chống viêm, làm các xét nghiệm cần thiết, theo dõi sát thể trạng và tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa Nhi.
Theo gia đình cháu T., ngày 7/7 khi đang chơi trong nhà, cháu thấy chai dầu đốt đèn để dưới gầm bàn thờ, nên tò mò và mở nắp chai ra. Khi mở được nắp chai, thấy bên trong có nước màu nên cháu đã đưa lên miệng uống và xảy ra sự việc.
Gia đình cũng cho biết, chai dầu thắp đó được gia đình để đó khá lâu, bình thường kể cả người lớn cũng không ai để ý hay di chuyển đi đâu. Tuy nhiên, do cháu T. đang tuổi tập đi và thích khám phá mọi thứ xung quanh, hơn nữa dầu để trong trai nhựa lại có màu bắt mắt nên càng kích thích sự tò mò của cháu.
Được biết, sau khi cháu T. uống xong bắt đầu có các biểu hiện ho, tím tái, khó thở... gia đình mới phát hiện và đưa đến bệnh viện huyện cấp cứu, sau đó tiếp tục được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Gia đình cũng không biết số lượng cháu uống là bao nhiêu, nên khi đi đến viện gia đình cầm theo chai dầu hỏa để các bác sĩ dễ dàng nhận diện loại hóa chất cháu đã uống phải.
Cháu bé và chai dầu được mang đến viện.Ảnh: BVCC
Cũng giống như cháu T., cháu Nguyễn Anh V. (5 tuổi) khi sang nhà hàng xóm chơi, thấy 1 chai C2 để dưới gầm bàn uống nước, trẻ đã uống hết khoảng nửa chai.
Ngay sau uống, gia đình phát hiện thấy trẻ mặt đỏ, nôn, người co giật, hơi thở có nhiều mùi rượu, nên đã đưa trẻ đến Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Yên để cấp cứu, sau đó được chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh tuyên Quang điều trị.
Từ hai trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, gia đình không nên đựng rượu, dầu đốt đèn hoặc các loại hóa chất trong chai, lọ như chai lavie, trà xanh, C2… nếu đựng trong các chai, lọ thì cần để cao, xa tầm tay của trẻ nhỏ để trẻ không bị uống nhầm.
Cháu V. hiện vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC
Việc uống nhầm rượu có thể gây suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh uống số lượng nhiều có thể gây tử vong, nếu trẻ uống nhầm, cần tìm cách để trẻ nôn hết và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), trong tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái để tránh sặc chất nôn.
Nếu uống nhầm phải dầu đốt đèn sẽ có tác dụng kích thích tại chỗ tiếp xúc như miệng, lưỡi, thực quản, dạ dày, gây đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, khó chịu. Khi nôn ói bệnh nhi hít luôn dầu hỏa vào phổi có thể gây nên tình trạng suy hô hấp, khó thở rất nặng.
Khi trẻ bị ngộ độc dầu đốt đèn, gia đình cần bình tĩnh đưa trẻ đến bệnh viện, không được tự ý gây nôn cho trẻ. Nếu trẻ bị nôn, lúc hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản làm trẻ bị viêm phổi, hơi của dầu hỏa này xâm nhập đường hô hấp gây tổn thương phế nang.
Không chỉ có vậy, tình trạng sặc dầu hỏa vào phổi thì tổn thương ở phổi càng nặng nề hơn. Nên dùng nước muối loãng súc miệng hoặc lau rửa miệng cho trẻ bị ngộ độc dầu hỏa.