Bệnh nhân chảy máu não thoát 'án tử' nhờ kỹ thuật mới

Ngày 27/07/2015 13:15 PM (GMT+7)

Sau những nỗ lực nghiên cứu không mệt mỏi, mới đây tập thể bác sĩ Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai đã lần đầu tiên ứng dụng thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất cho bệnh nhân.

“Khắc tinh” của chảy máu não

Nếu như trước đây, việc các bệnh nhân bị chảy máu não hoặc đột quỵ thì nguy cơ bị liệt hoặc tử vong là rất cao. Tuy nhiên, với việc áp dụng kỹ thuật hiện đại, cùng với việc dày công nghiên cứu, các bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) đã áp dụng kỹ thuật mới này để điều trị cho bệnh nhân.

Điển hình trong số đó là bệnh nhân Đặng Đình B. (31 tuổi, ở Thái Bình), qua khai thác bệnh sử được biết, trước khi nhập viện khoảng 7 giờ, bệnh nhân đột ngột đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, sau vài giờ ý thức xấu dần và đi vào hôn mê sâu, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Tại đây, phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy sọ não bệnh nhân có hình ảnh chảy máu não thùy thái dương phải, chảy máu toàn bộ hệ thống não thất gây giãn não thất cấp.

Bệnh nhân chảy máu não thoát #039;án tử#039; nhờ kỹ thuật mới - 1

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng thành công kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất cho bệnh nhân.

Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở và chuyển lên bệnh viện Bạch Mai. Tại khoa Cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài, chụp phim cắt lớp vi tính đa dẫy sọ não và mạch não không thấy dị dạng mạch máu não.

Khoảng gần 20 giờ sau đột quỵ, bệnh nhân bắt đầu được tiến hành điều trị tiêu sợi huyết não thất bằng thuốc Alteplase (rt-PA) qua dẫn lưu não thất với liều 1mg/lần, cách nhau 8 giờ/lần. Khoảng 3 ngày sau đột quỵ, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, và khoảng 5 ngày bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, có thể ăn uống được đường miệng và được rút dẫn lưu não thất.

Đến ngày điều trị thứ 7, bệnh nhân có thể đứng dậy tự đi lại được, và được chuyển về tuyến dưới điều trị. Khoảng 1 tháng sau, khi đến khám lại bệnh nhân có thể đi lại gần như bình thường.

Một bệnh nhân khác cũng trong trường hợp tương tự, đó là bệnh nhân Lê Đình H. (34 tuổi, ở Bắc Ninh). Theo đó, trước khi nhập viện bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn. Sau đó nhanh chóng hôn mê sâu. Khi chuyển đến Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai lúc bệnh nhân trong tình trạng hôn mê (GCS 6 điểm), huyết áp cao: 200/110, mạch 100 lần/phút, liệt ½ người trái.

Phim chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh chảy máu não vùng đồi thị phải, chảy máu toàn bộ hệ thống não thất và giãn não thất cấp. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài ngay trong đêm. Sáng hôm sau chụp phim cắt lớp vi tính đa dẫy sọ não và mạch não không thấy dị dạng mạch máu não.

Khoảng 12 giờ sau đột quỵ, bệnh nhân bắt đầu được tiến hành điều trị tiêu sợi huyết não thất bằng thuốc Alteplase (rt-PA) qua dẫn lưu não thất với liều 1mg/lần, cách nhau 8 giờ/lần. Sau 3 lần dùng thuốc tiêu sợi huyết, máu trong não thất đã được tiêu hết, ý thức bệnh nhân cải thiện.

Đến ngày điều trị thứ 5, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, rút dẫn lưu não thất và có thể ăn uống được bằng được miệng. Chuyển tuyến dưới sau 7 ngày điều trị. Khoảng 1 tháng sau, khi bệnh nhân đến khám lại, thì bệnh nhân có thể đi lại gần như bình thường.

Đạt hiệu quả cao khi điều trị

Bàn về căn bệnh chảy máu não nguy hiểm này, Ths.BS Lương Quốc Chính – Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chảy máu não chiếm 10% - 15% trong tổng số khoảng 2 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó biến chứng chảy máu não thất chiếm khoảng 40% và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Bệnh nhân chảy máu não thoát #039;án tử#039; nhờ kỹ thuật mới - 2

Kỹ thuật mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài và tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp đã được Bộ Y tế đưa vào danh mục kỹ thuật cao và được BHYT chi trả.

Tỷ lệ tử vong trong vòng 30 ngày liên quan tới chảy máu não thất chiếm từ 40% đến 80%, và thể tích máu được cho là một yếu tố nguy cơ gây tử vong độc lập sau chảy máu não.

Do vậy, việc nghiên cứu áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất thành công sẽ giúp cho các thầy thuốc Việt Nam có thêm một biện pháp mới và hiệu quả trong điều trị chảy máu não thất có biến chứng giãn não thất cấp nhằm giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo BS Chính, hiện khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai đang xúc tiến công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài ở bệnh nhân chảy máu não thất có giãn não thất cấp cho các y bác sĩ cấp cứu ở tuyến dưới, và đây là tiền đề cho bước tiếp theo là đào tạo và chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp

Được biết, cả hai kỹ thuật mổ cấp cứu dẫn lưu não thất ra ngoài và tiêu sợi huyết trong điều trị chảy máu não thất có giãn não thất cấp đã được Bộ Y tế đưa vào danh mục kỹ thuật cao trong chuyên ngành cấp cứu vào năm 2014. Đây là bước đầu tiên trước khi có đề xuất với Bộ Y tế đưa hai kỹ thuật vào danh mục BHYT chi trả.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự