Anh Dương Đức Định, quê ở Hải Dương, đang trú tại Từ Liêm, Hà Nội vẫn không tin được điều kỳ diệu đã đến với gia đình mình, với vợ con mình.
Bà bầu cảnh giác với nôn mửa, chóng mặt
Vợ anh Dương là chị Đỗ Thị M. T mang bầu tuần thứ 34. Anh kể, vợ anh mang bầu rất khỏe mạnh. Hôm ấy, anh đi thể dục về, như mọi ngày anh chuẩn bị đi làm thì thấy vợ nôn mửa nhiều quá. Nhìn vợ ngồi sụp xuống đất nôn thốc nôn tháo, anh Định hốt hoảng vì chưa khi nào thấy vợ như thế.
Anh lấy quyển sổ khám thai gọi cho bác sĩ theo dõi thai thì bác sĩ cho rằng có thể do thay đổi cơ địa nên khuyên uống nước gừng cho ấm. Tuy nhiên, càng uống càng nôn nhiều. Anh nghĩ có thể bị rối loạn tiêu hóa nên đưa vợ vào khoa tiêu hóa Bệnh viện E theo dõi. Đến bệnh viện thì không còn triệu chứng như trên nhưng bác sĩ khuyên nên ở lại theo dõi tiếp. Lúc này, anh Định và vợ ở lại bệnh viện.
Đến đêm, vợ anh xuất hiện đau đầu, bác sĩ nghi có thể viêm não nên chuyển sang khoa truyền nhiễm BV Bạch Mai. Tuy nhiên, khi sang đây bác sĩ chọc dịch não tủy và phát hiện có bất thường và kết luận có chảy máu trong não. Bệnh nhân chuyển sang khoa thần kinh rồi chuyển về khoa cấp cứu hồi sức của bệnh viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt – khoa Cấp cứu Hồi sức Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sản phụ Đỗ Thị M. T 27 tuổi (địa chỉ ở Từ Liêm, Hà Nội), vào viện ngày 23/01/2015 khi đã rối loạn ý thức.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong trạng thái ngủ gà (GCS 12 điểm), mạch 68 lần/phút, huyết áp 110/65 mmHg, nhiệt độ 36,7 độ C, nhịp thở 20 lần/phút, SpO298% (thở khí phòng), đường máu mao mạch 5,6 mmol/l, tư thế cò súng, gáy cứng, không có liệt khu trú, đồng tử hai bên đều (kích thước đồng tử 3 mm và có phản xạ với ánh sáng), tim và phổi chưa phát hiện gì đặc biệt khi thăm khám lâm sàng. Xét nghiệm máu có tăng số lượng bạch cầu và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
Hình ảnh chụp MRI của bệnh nhân T.
Xúc động giây phút đón hạnh phúc từ cửa tử
Bác sĩ chẩn đoán định hướng có thể do đột quỵ não bao gồm xuất huyết dưới nhện và/hoặc xuất huyết não. Thứ hai là viêm màng não và/hoặc viêm não.
Vì bệnh nhân có thai nên các bác sĩ cân nhắc chọc dịch não tủy trước và cho kết quả: Dịch não tủy hồng đều cả 3 ống xét nghiệm và để không đông (sau 6 giờ).
Để có chẩn đoán chính xác và an toàn cho thai nhi, y bác sĩ đã quyết định chụp MRI sọ não và mạch não cho kết quả: Thùy thái dương phải có khối lớn tín hiệu tổ chức, kích thước 40x50 mm, có phù não xung quanh, gây hiệu ứng khối lên não thất bên phải.
Màng não không thấy dày hay bất thường tín hiệu, không thấy máu tụ nội sọ, không thấy hình ảnh dị dạng mạch máu não. Kết luận: Hình ảnh khối dạng máu tụ thùy thái dương phải. Sau khi làm việc với gia đình sản phụ, báo cáo tình hình, bác sĩ tiến hành mổ cho sản phụ.
Trao đổi với chúng tôi Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Chính – Bệnh viện Bạch Mai cho biết “Đây là một ca khó cho đội ngũ y bác sĩ bởi nếu sơ sểnh một chút không phát hiện kịp thời chắc bệnh nhân sẽ không qua kịp. Đối với bệnh nhân đang có thai nữa thì cực kỳ nguy hiểm”.
Đối với anh Định, khi bác sĩ thông báo tình hình rất dè dặt, anh cảm giác lo sợ vô cùng vì nếu vợ con anh có mệnh hệ gì chắc anh không sống nổi. Nhất là khi, bác sĩ thông báo sản phụ T. được sử dụng máy móc hỗ trợ tim đập nuôi thai nhi, anh Định đứng ngồi không yên. Sau ca mổ một ngày, bác sĩ thông báo tình hình vợ con anh qua cơn nguy hiểm nên anh Định thở phào.
Sau khi ổn định sức khỏe, chị T được gia đình đưa về quê nghỉ ngơi. Chia sẻ sau khi cùng vợ con qua ải tử thần, anh Định nói: “Tôi thật sự không biết nói gì hơn để cảm ơn các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai đã tận tình cứu sống vợ và con tôi. Tôi cảm ơn các bác sĩ rất nhiều”.
Còn về phần vợ mình, anh Định không thể nào quên được giây phút cận kề sinh tử, chị T. vẫn xin mổ lấy em bé ra trước rồi mới mổ đầu cho chị. Là người chồng, chứng kiến cảnh đó, anh Định thực sự bối rối và xúc động. Đến ngày 14/2, ngày lễ tình yêu vợ anh đã sinh một em bé kháu khỉnh nặng 2,6 kg.