Đó là thực tế được người nhà bệnh nhân phản ánh tại khoa Sản – Bệnh viện Quân Y 103 Hà Đông.
Theo đó, ngày 25/7, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc người nhà bệnh nhân phải đóng 220.000 đồng mới có được chìa khóa của nhà vệ sinh nhằm phục vụ những sinh hoạt thiết yếu.
“Ôi đi khắp nơi giờ mới thấy cái quy định bệnh nhân đi vệ sinh phải đặt cọc 220.000 để lấy chìa khóa. Hỏi kỹ thì bảo đây là quy định của khoa Sản và vì bệnh viện 103 sợ nhà vệ sinh quá tải nên chỉ cấp chìa khóa cho một số người. Bộ trưởng Bộ Y tế không biết có biết điều này không?”, nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội.
Từ những thông tin trên, phóng viên đã có mặt tại khoa Phụ sản (Bệnh viện Quân Y 103) vào sáng ngày 26/7. Theo ghi nhận của phóng viên, những nội dung người nhà bệnh nhân phản ánh trên mạng xã hội là hoàn toàn đúng sự thật. Theo đó, cả hai nhà vệ sinh tại khoa này đều được khóa rất cẩn trọng và bên trong vẫn bật đèn.
Theo quan sát của phóng viên, khoảng 8 giờ 30 phút sáng không ít người nhà bệnh nhân muốn đi vệ sinh, nhưng khi ra cửa đều ngậm ngùi quay lại vì nhà vệ sinh đã bị khóa, nhiều người khi muốn rửa bình sữa hoặc tráng bình sữa cho trẻ cũng không có chỗ đổ nước, đành phải quay về phòng tích vào các chai nhựa và dùng nước lọc để rửa bình.
Người nhà bệnh nhân chia sẻ về chuyện đặt tiền cược chìa khóa ở khoa Sản - BV 103.
Chia sẻ với phóng viên ngay tại hành lang khoa sản, một người nhà bệnh nhân ở Xuân Mai (Hòa Bình) cho biết: “Con tôi hôm nay ra viện rồi, tôi quay lại để lấy một số giấy tờ và lấy tiền đặt cọc trước đó”.
Khi phóng viên hỏi về việc nhà vệ sinh bị khóa như vậy, trong quá trình cho con ở viện có bất tiện không thì được biết, những ai vào khoa Phụ sản đều phải đóng tiền là 220.000 đồng để đặt cóc lấy chìa khóa nhà vệ sinh. Khi nào ra viện sẽ được trả lại số tiền là 200.000 còn 20.000 là tiền “khấu hao”.
“Bên trong nhà vệ sinh thì sạch sẽ, nhưng nhìn chung như thế bất tiện lắm, nào là ổ khóa, dây xích nhùng nhằng, nhiều khi buồn đi vệ sinh hoặc cầm quá nhiều đồ trên tay lại phải mất thời gian mở khóa”, một người nhà bệnh nhân chia sẻ.
Nhà vệ sinh nhìn từ khu vực chữa bệnh.
Dù ghi rõ là khu vệ sinh bệnh nhân nhưng luôn cửa đóng then cài.
Hình ảnh khóa và dây sắt rất chắc chắn
Bệnh nhân mở cửa đi vệ sinh, đổ bô luôn có người hộ tống.
Kể cả là bệnh nhân nữ.
Trước những thông tin trên, trao đổi qua điện thoại với Phó giám đốc Bệnh viện là Đại tá Nguyễn Văn Khoa thì được biết, hiện bệnh viện đã nắm được thông tin này vào tối ngày 25/7. Ngay lập tức sau khi nhận được thông tin phản ánh, trực tiếp Đại tá Khoa đã chỉ đạo lãnh đạo khoa Phụ sản xác minh thông tin sự việc.
“Sáng nay, đồng chí trưởng khoa cũng đã xác nhận thông tin là có chuyện đó và có giải thích là làm vậy để đảm bảo vệ sinh ở khu vực nhà vệ sinh khoa Sản. Tuy nhiên, Bệnh viện không có chủ trương đó và tôi đã trực tiếp chỉ đạo tháo khóa ngay”, Đại tá Khoa thông tin.
Cũng theo thông tin từ vị lãnh đạo này, mỗi tháng bệnh viện phải chi tiền tỷ để thuê công ty vệ sinh dọn dẹp tại bệnh viện, đó là chưa kể bệnh viện còn có hệ thống công vụ, nên việc khoa khóa nhà vệ sinh như vậy, bệnh viện phải chấn chỉnh ngay.
Để có thêm thông tin chi tiết về sự việc này, chúng tôi đã liên hệ với BS Trần Đức Trung (Trưởng khoa Phụ sản), tuy nhiên BS Trung đã từ chối trả lời. Trước đó, trả lời trên báo chí về vấn đề này, BS Trung cho rằng, việc khoá nhà vệ sinh rồi giao chìa khoá đến từng bệnh nhân là bất đắc dĩ, còn số tiền 20.000 cũng dùng để quay lại phục vụ chính bệnh nhân.
Theo đó, việc nhà vệ sinh chật hẹp, số lượng bệnh nhân đông mà không chỉ riêng khoa Sản, ở quanh khu vực đó có nhiều bệnh nhân ở khoa khác đến đi vệ sinh “nhờ” nhưng không có ý thức, dẫn đến tình trạng tắc nhà vệ sinh, bẩn thỉu nhếch nhác, vì thế mới có chuyện khóa nhà vệ sinh, giao chìa cho người bệnh trong kho sản.
Chủ nhiệm khoa Sản cho biết, từ mai sẽ chỉ đạo không được giữ lại tiền của bệnh nhân nữa nhưng ông trăn trở nếu mở cửa nhà vệ sinh trở lại sẽ lại tắc, lại bẩn...