Rất nhiều lời xót xa và cả trách móc gia đình ở Thủ Đức (TP. HCM) chỉ vì nợ 30 triệu mà người chồng đầu độc khiến cả nhà chết thảm.
Câu chuyện trên lại khiến tôi nhớ về người hàng xóm 15 năm trước. Khi ấy anh ta thua độ bóng đá, vợ cũng vướng vào số đề và mấy lần dắt díu nhau trốn nợ nhưng chủ nợ vẫn tìm ra. Chửi mắng, đánh đập và nhục mạ cả nhà khắp nơi.
Tài sản không còn gì, con cái hết dám đến trường, vợ chồng đi đâu bị chỉ trỏ bàn tán đấy… mà nợ vẫn không hết, điều tiếng vẫn vương đầy. Số nợ nghe đâu còn gần 50 triệu nhưng vợ chồng bị bà con họ hàng xa lánh, không ai giúp đã đành, cả chia sẻ thông cảm cũng chẳng có nên họ đã nghĩ quẩn. May mà cứu được hai đứa con cùng người vợ. Lúc ấy ba mẹ, vài người thân vô cùng hối hận nhưng cũng chỉ “giá mà, phải chi…”
Có thể thảm cảnh của gia đình tại Thủ Đức xuất phát từ nguyên nhân khác hoặc còn nhiều lý do đã theo họ về nơi xa ấy. Nhưng chắc chắn phải rất cùng quẫn, không còn biết con đường nào khác ngoài cái chết họ mới hành động như thế. Là người ngoài, chưa hiểu gì nhiều về gia cảnh chúng ta rất dễ để bàn này tán nọ. Cũng không khó để “phán quyết” rằng người cha hay mẹ ấy quá dại dột, tước đi quyền được sống của đứa con vô tội.
Dù gì thì mọi việc đã xảy ra rồi, có trách cứ hay gì đi nữa cũng không đưa họ quay về lại với thế gian này. Nhưng tôi tin, bất cứ thời điểm nào thì những hoàn cảnh đau lòng như vậy cũng chực chờ đâu đó. Họ sẽ tìm đến đâu để trút nỗi niềm, giải tỏa những cay đắng, rũ bỏ bớt u sầu? Dường như có rất nhiều kênh tư vấn này nọ, lời khuyên cũng đầy trên các phương tiện truyền thông nhưng chỗ thực sự hiểu, chia sẻ và thông cảm để họ vượt qua khủng hoảng trong cuộc đời thì vẫn thiếu.
Ảnh minh họa
Có những điều cực kì khó để tâm sự hay giãi bày với người thân, trình báo với chính quyền hay cầu mong giúp đỡ từ bạn bè. Mà có đi chăng nữa, nghị lực vẫn phải ở chính người đang cần phải đứng dậy. Còn không cực kì khó để họ đứng dậy từ vũng bùn. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ cần một lực đỡ hay nâng để họ dễ vượt qua hơn.
Chuyên viên tâm lý hoặc một tổ chức thiện nguyện nào đó có lẽ sẽ là chỗ dựa thích hợp hơn cả.. Đôi khi người đang u uất hay trầm cảm tạm thời chỉ cần những lời động viên chân thành, lối ra hợp lý hay cách vượt qua khủng hoảng phù hợp. Họ sẽ càng nghỉ quẩn hơn bởi những trách móc càng như dầu đổ vào lửa, lời khuyên như dạy dỗ ban ơn… Vì vậy người có chuyên môn hay thường xuyên giải quyết những ca tương tự sẽ dễ đồng hành.
Với những người “thấp cổ bé họng”, việc tìm đến chuyên viên, bác sĩ tâm lý hay tổ chức thiện nguyện có chức năng và chuyên môn tương tự có vẻ rất xa vời, thiếu thực tế. Tuy nhiên phải đi mới thành đường. Đã muộn nhưng ngày càng cấp thiết phải “xây” những con đường này khi những vụ từ bỏ cuộc sống ngày càng nhiều vì đủ thứ khủng hoảng.
Tôi tin rất nhiều người có nhu cầu giải tỏa và trò chuyện với những người như vậy để có cách và niềm tin vượt qua ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Họ ngại ngùng có thể vì thiếu tiền hay chưa biết cách, không biết chỗ. Nếu có nhiều và lan rộng, có lẽ đó lẽ là một giải pháp tốt góp phần giữ lại những mạng người vẫn cần được sống.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng đã từng trải qua giai đoạn bế tắc, đôi khi tưởng chừng không lối thoát. Tự mình có thể vượt qua nhưng cũng có không ít người nhờ bên cạnh có người thân, bạn bè. Còn những người không may mắn như gia đình trên họ sẽ dựa vào ai, dù chỉ là tinh thần?
Tôi nghĩ đã đến lúc cần rất nhiều “bệnh viện tinh thần” với những “bác sĩ” tận tâm, ít nghĩ đến tiền bạc chữa chạy cho những tâm lý bất ổn, dù họ như “bệnh nhân nghèo” hoặc đang bị bệnh nan y. Còn vẫn như bây giờ, mỗi một vụ lại một đợt xót xa, ồn ào xôn xao thì tôi tin sẽ còn nhiều thảm cảnh tương tự…