Bí ẩn những ngôi mộ cổ ở đất Mường Thàng

Ngày 14/01/2020 07:15 AM (GMT+7)

Những ngôi mộ cổ dựng cột đá ở đất Dũng Phong (trung tâm của Mường Thàng), huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, đến giờ vẫn còn chứa nhiều bí ẩn. Nơi này đã từng bị dân săn đồ cổ bới tung để tìm vàng bạc. Ở sâu trong lớp mộ cổ vẫn là những câu hỏi đến giờ chưa có lời giải thỏa đáng.

Xứ Mường xưa kia gồm có 4 mường nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Mỗi mường đều có những vị quan lang cai trị. Nơi khởi phát của sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” này là cả một nền văn hóa có lịch sử biến động đầy thăng trầm. Do không có chữ viết nên hầu hết những hiện vật của tổ tiên người Mường để lại được coi là những cuốn lịch sử ghi lại những biến động của tộc người này. Hầu như mường nào cũng có những ngôi mộ đá được người xưa chôn cất theo muôn vàn vật báu.

Nơi cất giấu báu vật?

Bí ẩn những ngôi mộ cổ ở đất Mường Thàng - 1

Cụ Ninh bên những hòn đá ong mà người dân lấy từ mộ công chúa mang về.  Ảnh: Xuân Tuấn

"Ngày xưa dải đất bằng phẳng là nơi Đinh Công Tuân - một quan chánh tổng khét tiếng ở. Còn về ngôi mộ đá trên núi cũng chưa lý giải được do quan niệm phong thủy hay do thể hiện sự trị vì của người cai quản mà đặt trên núi như vậy. Nhiều ngôi mộ từng được ngành khảo cổ khai quật, có ngôi có cốt nhưng nhiều ngôi mộ không thấy cốt mà chỉ thấy đồ vật như đồ gốm sứ, đồ đồng…”Bà Nguyễn Thị Thi - Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình nói.

Hệ thống mộ cổ với những cột đá cao sừng sững tựa như oai linh của các bậc quan lang đất Mường vẫn trường tồn với thời gian, trơ gan cùng tuế nguyệt suốt mấy thế kỷ. Người đã khuất núi, nhưng bóng dáng và oai thần của họ vẫn luôn ngự trị trong lòng người dân đất Mường. Lịch sử biến thiên với bao thăng trầm, nhưng những ngôi mộ vẫn tồn tại cùng với thời gian. Đời đời bà con người Mường tôn thờ họ.

Ấy vậy mà cái quy ước tốt đẹp bảo vệ di sản của tổ tiên để lại đó đã bị mai một bởi lòng tham của nhiều kẻ xấu. Cuối những năm 80 của thế kỷ XX, khắp làng trên xóm dưới ở đất Dũng Phong bắt đầu len lỏi những tên chuyên đi săn lùng đồ cổ. Chúng đặt mua bất cứ hiện vật nào có dính dáng đến các quan lang thuở trước.

Những hiện vật bát đĩa, chuông, khánh, chum chóe, cồng chiêng… mà bà con treo ở bên nhà hay để ở góc vườn đều mang bán sạch cho chúng. Khi những hiện vật mà bà con giữ lại không còn để bán nữa, họ bắt đầu để ý đến những ngôi mộ cổ lẩn khuất dưới tán rừng già đã tồn tại cả mấy trăm năm.

Nơi được coi là linh thiêng nhất của người Mường bắt đầu bị xâm phạm. Một người đi đào, hai người đi đào rồi cả chục và cả trăm người cùng nhau vác cuốc, xẻng đi khai quật mộ. Ông Bùi Văn Danh - Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Phong xác nhận: “Bao của nả của đất này đã từng chất lên xe ôtô tải để bán cho bọn buôn đồ cổ rồi”. Trong lớp ký ức tuổi thơ của ông Danh khi đó là “phong trào” đào mộ tìm kiếm đồ cổ mang bán. Ai cũng nổi máu tham, hy vọng kiếm được vàng bạc từ những ngôi mộ đá ngoài bìa rừng.

Người nọ bảo người kia, họ cứ nhè những ngôi mộ lớn, có cột đá to dựng phía trên để đào mộ. Ngôi mộ nào càng to càng có nhiều của. Cụ Bùi Văn Ninh ở xóm Đồng Nhất, xã Dũng Phong, đến giờ vẫn còn cảm thấy nuối tiếc về một thời vàng son ở đất này. Trong lớp ký ức của cụ Ninh, những ngôi mộ có cột đá lớn dựng lên tỏa oai phong tựa như những quan lang đĩnh đạc còn tồn tại ở nơi này. Khi lớp con cháu sau này đổ xô đi khai quật mộ của tổ tiên mà cụ thấy xót xa. “Bao lục bình, con ghê bằng vàng, cồng chiêng, tiền, vàng… chôn theo mộ bị người ta lấy đi sạch. Không một ngôi mộ nào còn nguyên vẹn cả. Ngay cả những cột đá dựng phía trên cũng bị hạ và bê đi nơi khác”- cụ Ninh buồn bã nhớ lại.

Bí ẩn những ngôi mộ cổ ở đất Mường Thàng - 2

Những ngôi mộ đá ở đất Mường.  Ảnh: Xuân Tuấn

Ngôi bên căn nhà sàn lợp lá cọ khi xưa, cụ Ninh luôn chép miệng vì tiếc nuối về thế hệ con cháu của mình chỉ vì hám tí lợi mà bán hết đi những đồ vật của tổ tiên để lại. Không một tấc đất nào xung quanh những ngôi mộ cổ mà không bị người ta đào bới tung tóe, cũng là lúc cổ vật rời đất Mường Thàng. Những ngày “điên rồ” - theo cách gọi của người dân nơi đây - đã dần bị lãng quên theo năm tháng.

Giờ đây, người ở đất Mường Thàng muốn chiêm ngưỡng những hiện vật mà hàm chứa cả một nền văn hóa lâu đời đó cũng không còn. “Hiện ở đất này vẫn còn những cột đá trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng nó chỉ còn cái xác thôi. Phần hồn của một xứ đã bị tổn thương nghiêm trọng”- ông Danh-Phó Chủ tịch UBND xã Dũng Phong cho biết thêm.

Phần hồn đã mất

Mường Thàng bây giờ đã được chia làm nhiều xã. Dòng giống quan lang năm nào cũng đã trải qua bao biến thiên. Hiện ở 2 xóm Đồng Mới và Đồng Nhất của xã Dũng Phong vẫn còn lưu lại được những ngôi mộ cổ năm nào, mặc dù nó đã bị biến dạng căn bản. Men theo lối mòn, ông Hoàng Văn Vinh - trưởng xóm Đồng Nhất dẫn tôi đến thăm khu mộ cổ năm nào. Ven theo đồi mía tươi tốt khoảng vài trăm mét, ông Vinh bỗng dừng lại bên bụi tre cao chót vót giữa đồng. Theo hướng chỉ tay của ông Vinh, ngôi mộ lớn nhất ở xóm Đồng Nhất giờ chỉ còn lại 1 hố sâu. Không một hiện vật nào gợi nhớ về ngôi mộ cổ đã từng tồn tại ở đất này.

Ngôi mộ mà ông Vinh dẫn tôi đến thăm là ngôi mộ của vợ quan lang. Bà con hay gọi là mộ công chúa, vì thiếu nữ này là con của Vua Lê năm nào được gả về làm vợ cho người đứng đầu ở đất Mường Thàng. Ngày trước ngôi mộ này còn có 2 cột đá to dựng phía trước. Xung quanh còn có điểm nghỉ được lát bằng đá. Nó uy nghiêm và linh thiêng, được bao thế hệ bà con người Mường tôn thờ. Nay chỉ còn lại bãi đất hoang, tre pheo mọc đầy.

Ngôi mộ công chúa chỉ là một trong vô số những ngôi mộ cổ còn tồn tại ở đất này, chỉ tiếc rằng, dấu tích năm nào đã bị biến dạng. Ở xóm Đồng Mới còn vô số ngôi mộ đá như thế. Mỗi một ngôi mộ cắm một cột đá. Cột đá được xếp theo phương thẳng đứng. Trên mỗi cột đá có khắc chữ nho, nhưng nay đã bị bào mòn. Hơn nữa, qua vụ đào cổ vật ồ ạt của người dân năm nào, những ngôi mộ này cũng bị thay đổi. Hơn nữa, trong vô số các ngôi mộ đã bị khai quật, có ngôi có hài cốt, có ngôi chỉ chôn toàn của cải và đồ đạc.

Một quần thể mộ cổ

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật “chữa cháy” toàn bộ khu mộ đá ở xã Dũng Phong. Nhiều ngôi mộ chỉ chôn phiến thạch to nhỏ khác nhau, không có di cốt thì có cổ vật. Nhiều mộ di cốt không nằm trong quan tài mà nằm trên khối than dày hàng mét. Trong đống than tìm được nhiều xương cháy dở cùng hiện vật như đồ đồng, đồ gốm sứ, trống đồng… Đặc biệt trong một mộ đá tìm thấy 12 bông hoa rất to đúc bằng vàng và 137 đồng tiền của nhiều triều đại, muộn nhất là thời An Pháp nguyên bảo. Qua xác định, ngôi mộ có khoảng từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 16.

Theo bà Nguyễn Thị Thi - Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình, người đã nhiều năm trực tiếp tham gia vào những cuộc khảo cổ tại “thánh địa” mộ đá ở Mường Động, Kim Bôi, Mường Thàng, Cao Phong, thì khu mộ đá ở Mường Thàng lớn gấp nhiều lần “thánh địa” Mường Động. Và ở đây khi khai quật có nhiều đồ cổ giá trị và nguyên vẹn nhưng rất ít di cốt dưới mộ đá này.

Ban đầu các nhà khảo cổ có ý đồ lập hồ sơ để giữ nguyên trạng phục vụ khai quật nghiên cứu khảo cổ, tuy nhiên sau khi phát hiện, nạn buôn bán, đào trộm cổ vật đã “bùng nổ”. Con buôn ngày đêm rình rập làm cho tình trạng đào trộm mộ trở nên “nóng” ở khu vực Cao Phong.

Ẩn khuất sau số phận người đàn ông có tới 37 bà vợ ở Sơn La
Nghe qua thì ai cũng tưởng rằng anh Bó đào hoa lắm, có phúc lắm nhưng những ai biết đầu đuôi đều thương cảm cho số phận gian truân của người đàn ông...
Theo Xuân Tuấn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h