Đầu tháng 12, được phép của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật 1 ngôi mộ tại hang Dê (Khu Bích Nhôi 3, thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, Hải Dương).
Hang Dê không lớn, sâu 8,8m; cửa hang rộng 7m, cao 5,4m, quay ra hướng bắc lệch đông 10°, nằm ngay sát đường vành đai của mỏ đá Hoàng Thạch.
Đường vào Hang Dê.
Đứng nhìn vào cửa hang, thấy phía phải có thềm đá hơi hõm chếch ra phía ngoài. Chính tại hõm này phát hiện di cốt của người và 2 chiếc nồi gốm nhỏ là đồ tùy táng. Điều kỳ lạ là nhũ phủ đè lên di cốt người chớm hóa thạch và nồi gốm làm thành một khối rắn chắc.
Trong cuộc đời làm công tác khảo cổ mấy chục năm, chưa bao giờ tôi được thấy ngôi mộ kỳ lạ kiểu này. Chúng tôi đã dùng búa để phá phần nhũ hơn một tiếng đồng hồ, nhưng không được vì lớp nhũ dày gần gang tay cứng quá. Cuối cùng phải dùng khoan điện cỡ lớn mới tách được khối nhũ, xương, nồi gốm ra khỏi thềm đá gốc.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường (bên phải) đang giới thiệu với lãnh đạo địa phương về ngôi mộ ở Hang Dê.
Bộ xương đã bị phá vỡ một phần, do người dân địa phương lấy nhũ đá. Rất may một phần hàm dưới với mấy chiếc răng còn đính nguyên trên hàm, vài mảnh sọ và các đoạn xương dưới sọ: đùi, chày, cánh tay còn bảo tồn được. Có nhiều khả năng người chết được mai táng theo thế bó gối, vì chúng tôi phát hiện xương bàn chân nằm sát với mảnh sọ, xương đùi, chày, cánh tay gần như song song với nhau.
Dựa vào chiều cao của thân hàm dưới, cột xương đùi, độ mòn của răng, chúng tôi cho rằng có khả năng đây là di cốt của một người đàn ông, khoảng 30-40 tuổi.
Chưa tách được phần vai của nồi gốm để tìm hiểu về hoa văn, nhưng dựa vào kiểu dáng của nồi gốm, cấu tạo của xương gốm, nhiều nhà khảo cổ học có ý kiến trùng với suy nghĩ của chúng tôi – niên đại của ngôi mộ này thuộc giai đoạn sơ kỳ kim khí, cách nay khoảng 3.000 đến 3.500 năm.
Hai chiếc răng hàm người tìm thấy ở Hang Dê.
Chúng tôi dự kiến sẽ gửi ra nước ngoài một chiếc răng khôn (M3 – loại răng không có ý nghĩa lắm về mặt nghiên cứu) để đoán định chủng tộc của ngôi mộ này, để tiến hành định niên đại một cách chính xác bằng phương pháp AMS (Accelerator Mass Spectrometry).
Vị trí của Hang Dê rất thuận lợi cho người xưa sinh sống. Chính vì vậy chúng tôi đã tiến hành đào thám sát 1m2 ngay sát cửa hang. Tới độ sâu 0,7m lại phát hiện được 3 mảnh xương chẩm của 1 sọ người. Chúng tôi liền lấp hố lại, để năm 2018 sẽ xin phép Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch cho khai quật phần cửa của hang này
Di cốt người ở Hang Dê vẫn đang được chúng tôi chỉnh lý để tìm hiểu về mặt loại hình chủng tộc. Việc phát hiện và khai quật Hang Dê đúng vào dịp Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, được Nhà nước công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, càng có thêm những bằng chứng về khoa học để bổ sung cho sưu tập hiện vật rất phong phú của huyện Kinh Môn, Hải Dương.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Hội Khảo cổ học Việt Nam