14 tuổi, T. chứng kiến bố mẹ chia lìa đôi ngả. Cũng năm đó, cuộc đời cô rơi vào nỗi đắng cay khi làm vợ một người đàn ông chưa từng quen biết.
Hôn nhân bất ngờ
Cô gái trẻ mà chúng tôi nhắc đến là Nguyễn Thị Huyền T. (21 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội). 21 tuổi, với nhiều cô gái khác, có lẽ đây là cái tuổi đẹp nhất nhưng T chẳng được như bao người. Mặc dù có làn da trắng, mọi nét trên khuôn mặt hài hòa, ở cô có những nỗi u sầu, lo lắng, mái tóc lưa thưa, lốm đốm những sợi bạc.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, T. đã có cuộc sống mới. Chúng tôi gặp T. trong Viện Bỏng Quốc gia, nơi hơn một tháng nay, cô chăm sóc đứa con không may bị bỏng do nhúng tay vào nồi xương đang đun trên bếp.
T. từng có một cuộc sống gia đình trọn vẹn đúng nghĩa cùng bố mẹ và em trai. Năm lên 14 tuổi, cuộc sống của gia đình T. xảy ra biến động khi liên tục có những tiếng cãi vã, thậm chí va chạm "tay chân" của bố mẹ. Và rồi cả hai chia lìa đôi ngả, bố cô quyết định vào Tây Nguyên làm kinh tế.
Nguyễn Thị Huyền T. và con trai. Ảnh: Ngọc Thi
Lúc đó, đang theo học lớp 6 nhưng T. phải bỏ học giữa chừng để vào Tây Nguyên cùng bố. Ở miền đất mới, bố T. xây dựng hạnh phúc với người phụ nữ khác. Nghe theo lời khuyên của người phụ nữ này, bố gả T. cho một gia đình giàu có ở thị trấn Madaguoil, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
Nói về những tháng ngày đó, T. vừa kể vừa lau những giọt nước mắt: “Hồi đó tôi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ dựng lên một đám cưới và bảo tôi mặc đồ cô dâu, người dân trong làng đến chúc mừng nhiều lắm. Sau khi tôi đi lấy chồng thì bố và dì chuyển ra Bắc sinh sống. Chồng tôi là một người đàn ông sinh năm 1975, cưới xong, anh ta nói với tôi là nhà họ bỏ tiền mua về để làm lụng và chăm mẹ chứ bản thân tôi chưa đủ “tầm” làm vợ”.
Một thời gian dài sau mẹ đẻ T. mới biết cô con gái trẻ người non dại chưa kịp lớn đã lấy chồng. Nước mắt chảy ngược, bà cũng chỉ biết nén nỗi đau vào trong dù mỗi khi nghĩ đến con gái lòng đau từng khúc ruột.
Ngày tháng “làm trâu làm ngựa”
Ngày được bố đón, T. đã nghĩ mình sẽ có một cuộc sống nơi đất khách êm ấm nhưng cô lại không ngờ cuộc đời bắt đầu những tháng ngày cay đắng từ đây.
Kể từ ngày lấy chồng T. có cuộc sống khổ cực, làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm. Hằng ngày, T. dậy từ sáng sớm lên đồi phát nương đến tối mịt mời về. Mặc dù làm việc chăm chỉ nhưng T. vẫn bị bỏ đói thường xuyên, đã có lần nằm lả trên đồi vì đói, may mắn thay khi có dân làng đi làm nương phát hiện và cứu sống.
Biết đau, biết khổ nhưng lúc này để tìm đường giải thoát với T. là lực bất tòng tâm. Ước mơ trở về quê trở thành vô vọng khi trong người không có tiền, lạ lẫm về địa lý. Lúc đó, T. đã dặn lòng mình cố gắng cam chịu và nuôi ý định trở về trong tương lai.
Con trai T. đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Ảnh: Ngọc Thi
Mất 3 năm sống cuộc sống cơ cực chỉ biết cắm mặt vào làm rồi chăm chút bữa cơm cho gia đình họ. Dẫu vất vả như vậy nhưng T vẫn bị gia đình họ đối xử tệ bạc. “Tôi chả bao giờ có một đồng tiền dính người, quần áo thì rách, nhàu nhĩ. Mọi người trong làng biết chuyện họ đều lấy làm thương hại. Thậm chí, nhiều khi những đồ dùng cần thiết cho con gái tôi còn không có, nhiều khi phải cầu cứu hàng xóm”, T. cho biết.
Năm lên tuổi 19 tuổi, cuộc sống của T. có sự biến đổi khi một ngày “chồng hờ” của mình dẫn về một người phụ nữ khác và một đứa trẻ và giới thiệu là vợ con. Đến lúc này, T. mới biết anh ta đã có gia đình. Tình cờ T. nghe anh ta nói với mẹ đẻ là từ nay gia đình nhỏ của họ sẽ sinh sống ở đây. Tiếp đó, người mẹ bảo anh ta giờ phải bày cách để tống khổ T. ra khỏi nhà, không thì sợ hàng xóm dị nghị.
Trước đó đã khổ, kể từ ngày vợ con của “người chồng hờ” về đoàn tụ, cuộc sống của T. lại khổ hơn khi bị vu oan nhiều chuyện. Lúc đó, gia đình họ bán một đàn lợn mua được mấy chỉ vàng, mẹ “chồng hờ” đổ tội cho T. lấy trộm.
Đứng trước sự oan trái, T. khóc lóc giải thích nhưng đều trở thành vô nghĩa, mọi người trong gia đình không tin lời cô, hàng xóm lân cận thương cho T. vô tội nhưng không giúp được gì. Cuối cùng, không thể chịu đựng được cách đối xử tệ bạc của gia đình họ, T quyết định bỏ nhà ra đi...
(còn nữa)