Khi bị bỏng như trường hợp bị nổ bốt điện ở Hà Đông, người dân trước hết nhanh chóng dập lửa, sau đó dùng nước sạch dội lên vết bỏng.
Chiều ngày 17/11, tại phố Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Đông – Hà Nội) đã xảy ra vụ nổ bốt điện gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ nổ đã làm 5 người bị thương do bỏng, trong đó có 3 người bị thương nặng.
Những nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, sau tiếng nổ xảy ra, có những người bị cháy như ngọn đuốc, người dân ngay lập tức dùng mọi biện pháp nhằm dập lửa, đồng thời sơ cứu nạn nhân bị cháy bằng cách lấy nước dội lên người.
Vậy cách sơ cứu đó liệu có an toàn và hiệu quả cho nạn nhân? Để trả lời câu hỏi này, PGS.TS Lê Năm – nguyên GĐ Viện Bỏng quốc gia cho biết, về nguyên tắc sơ cứu bỏng do cháy bốt điện - trạm biến áp thì cách nhanh và hiệu quả nhất là dùng nước sạch dội ngay lên vết thương.
Theo PGS Năm, việc dùng nước ngay lập tức dội lên sẽ có tác dụng hạ nhiệt giúp vết thương đỡ sâu hơn. Điều đó vô cùng tốt cho quá trình điều trị và hồi phục sau này. “Việc này phải được thực hiện sớm khi gặp nạn, nếu để lâu, việc sơ cứu này không còn tác dụng”, PGS Năm khuyến cáo.
Việc dùng nước dội lên vết bỏng là vô cùng cần thiết trong sơ cứu người bị bỏng.
PGS Năm cho biết thêm, thông thường những vụ tai nạn bất chợt như vậy người dân khó có thể tìm được nguồn nước sạch ngay gần đó. Vì thế, có thể tạm thời sử dụng các nguồn nước khác nhau để sơ cứu cho nạn nhân. Sau đó, người dân phải tìm nguồn nước sạch để rửa sạch vết thương cho họ. Sau khi sơ cứu, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất để bác sỹ xử lý.
Cùng liên quan đến vấn đề này, PGS Năm cho rằng, các nạn nhân từ vụ nổ trạm biến áp thường là do bỏng nhiệt chứ không phải bỏng điện. Vì các tia lửa điện phóng cháy tạo thành lửa lan ra những người ở khu vực gần.
Bỏng nhiệt ít nguy hiểm hơn bỏng điện, bỏng do điện giật nguy hiểm hơn rất nhiều vì dòng điện sẽ tàn phá cơ thể, phá hủy các tổ chức gây bỏng sâu, di chứng nặng.
Theo thống kê, mỗi năm Viện Bỏng quốc gia có khoảng 4.000 bệnh nhân bị bỏng vào điều trị, trong đó không ít ca bị bỏng do cháy nổ trạm biến áp gây ra. Trong đó, nhiều trường hợp xử lý tốt vết thương ban đầu, khi đến viện tổn thương do bỏng nông, không nguy hiểm tới tính mạng.
Không dùng nước lạnh để sơ cứu người bị bỏng Khi sơ cứu người bị bỏng, người dân tuyệt đối không dùng nước lạnh hoặc đá lạnh để dội hoặc chườm vết thương. Bởi như vậy, không những không có tác dụng giảm sự phát triển của vết thương mà còn làm cho nạn nhân có nguy cơ bỏng lạnh sâu hơn. Ngoài ra, người dân không nên dùng bất kỳ loại lá, loại thuốc hay loại nước nào (trừ nước lã ở nhiệt độ bình thường) để rửa hoặc bôi lên vết thương. Vì dùng mỡ chăn, nước mắm, mẻ cơm bôi hoặc rửa vết bỏng vô tình khiến vết bỏng bị nhiễm khuẩn sâu hơn, gây khó khăn trong điều trị sau này. Cuối cùng, với những trường hợp bị bỏng nặng, người sơ cứu tuyệt đối không lột đồ của nạn nhân, vì như vậy rất dễ lột da người bị bỏng. Trong trường hợp đó, cần phải nới lỏng quần áo, dùng vật sắc nhọn cắt bỏ từng ít một, sau đó chuyển vào bệnh viện để các bác sĩ có chuyên môn sơ cứu. BS Nguyễn Thống - Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn) |