Các buổi sáng, giáo viên phải dậy sớm, chặn đường trẻ trốn đi nương, "lùa" các em vào lớp. Học sinh làm sai cũng không dám mắng vì sợ các em tìm đến lá ngón.
PGS. TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã kể lại câu chuyện là đối thoại với một giáo viên vùng cao được hàng trăm giáo viên (GV) và phụ huynh chia sẻ. Chuyện dạy học đến ăn uống, không có sóng điện thoại, điện sáng cho đến việc phải tự bỏ tiền túi mua kẹo nịnh học sinh đi học của thầy giáo này khiến không ít người "cười chảy ra nước mắt".
"Các buổi sáng, GV phải dậy sớm, chặn đường trẻ trốn đi nương, "lùa" các em vào lớp. GV mà để HS trốn học thì bị trừ thi đua".
Chúng tôi xin chia sẻ lại câu chuyện này:
"Em (thầy giáo trong câu chuyện - PV) đi bộ đội về thì thi vào sư phạm. Loay hoay xin việc ở quê không được, em lên đây. Nhờ chú em xin được làm giáo viên một trường gần biên giới. Nay em làm được 4 năm rồi. Vợ em người Thái là giáo viên mầm non, bé nhà em mới 2 tuổi...".
Tôi: - Lương thế nào em?
Thầy giáo - Em kể với bạn bè ở quê lương vợ chồng em 10 triệu, chúng nó kêu sao nhiều thế. Trên này cái gì cũng đắt gấp vài lần dưới xuôi, nhà em 3 người, tằn tiện may mới đủ. Lương GV bọn em còn chi nhiều khoản khác như: thuê nhà, mua quần áo, kẹo để "nhử" học sinh (HS) đi học, "quan hệ" với trưởng bản để họ còn giúp vận động dân cho con đi học. Các khoản góp quỹ tình thương, khuyến học, ủng hộ này nọ thì trừ thẳng vào lương. Lại còn mừng sinh nhật các sếp...
- Là sao em?
- Sống phải khéo chứ không thì đẩy đi bản xa, khổ lắm. Sợ nhất là qua suối mùa lũ, đã từng có mấy GV chết đuối rồi ạ. Lũ mà GV bỏ lớp thì lại bị kỉ luật...
- Khó khăn lớn nhất đối với GV là gì?
- Ngôn ngữ ạ. HS lớp em dạy là người dân tộc Mông, vào lớp 1, các em chưa hề biết tiếng Kinh, GV thì không biết tiếng dân tộc. Thầy trò phải "đánh vật" với nhau cả học kì may ra mới hiểu nhau đôi tí. Dạy các em hát Quốc ca "Đoàn quân Việt Nam đi..., hai, ba!" thì các em hát "Đoàn quân Việt Nam đi hai ba...".
- HS lớp mấy thì đọc thông, viết thạo?
- Cũng tùy ạ, HS dân tộc Thái chẳng hạn thì hết lớp 1, còn HS người Mông thì có khi lớp 3,4, thậm chí lớp 5.
- Tỉ lệ lên lớp thế nào em?
- Hầu hết HS "phải" lên lớp ạ, lưu ban hiếm lắm. Năm đầu mới dạy, em được giao lớp 3, hầu như các em đều chưa biết đọc, biết viết. Hỏi dạy thế nào thì Hiệu trưởng không trả lời, em đành dạy lại lại chương trình lớp 1, từ đầu, cho các em.
- Có trợ giảng là người dân tộc để giúp HS học giai đoạn đầu khi các em chưa biết tiếng Kinh không?
- Nghe nói trước đây có dự án tài trợ 30 nghìn /ngày gì đó cho trợ giảng thì có. Nay thì không có ạ, chỉ có thầy trò với nhau thôi.
- Ban Giám hiệu có chỉ đạo sát sao chuyên môn không?
- Cũng tùy từng người thôi ạ. Có Hiệu trưởng cả năm không tới điểm bản lần nào.
- Thế thì GV "sướng" nhỉ, dạy kiểu gì cũng được...
- Vâng (cười). Cái đó thì tùy lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp thôi ạ. Một vài GV không làm chủ được mình sinh ra nghiện hút, bị buộc thôi việc. Buồn lắm ạ!
- Thông tin thời sự GV có nắm bắt được không?
- Ai có smartphone thì đọc báo mạng, ai chỉ có "cục gạch" thì coi như không biết gì thời cuộc. Chỗ em không có điện nên không đài, không ti-vi. Báo giấy cũng không có ạ. Đời sống tinh thần đơn điệu lắm ạ.
- Ngoài thời gian dạy học, GV làm gì?
- Chúng em phải lao động xây dựng trường học, đến gia đình vận động HS đi học, vào bản uống rượu với dân để xây dựng quan hệ. Phải tham gia thể thao, nếu không thì bị phạt tiền, vắng buổi nào thì bị trường trừ 50 nghìn.
- Trường em có nhà công vụ cho GV không?
- Không ạ. Chúng em tự thuê nhà, mỗi tháng 1 triệu. Gần điểm trường em, trước đây, ông Bộ trưởng lên khởi công hay khánh thành gì đó nhà công vụ Huổi Khon cho GV nhưng không ở được vì nhà xây trên đồi cao, nơi nước không tới...
- GV liên lạc như thế nào?
- Các bản nay đều có sóng điện thoại. Khó nhất là nạp pin cho điện thoại. Có nơi dùng thủy điện mini... Chỗ bản em dân chủ yếu dùng đèn dầu thắp sáng.
- Dân bản quan hệ với GV thế nào?
- Nói chung, dân bản chưa nhận thức được tầm quan trọng của GD, nhiều gia đình không muốn cho con đi học mà muốn trẻ ở nhà trông em hay đi nương. Có gia đình khi GV đến vận động cho trẻ đi học thì họ bảo thầy cô giỏi thì bảo nó, tôi nói nó không nghe. Có bé đến lớp ngồi không nhúc nhích, không nói, không chơi, GV không dám nói gì vì sợ bé giận, buồn rồi ăn lá ngón.
Đối với nhiều người dân tộc Mông, chỉ vì bị mắng mỏ cũng có thể tìm đến lá ngón. Ngay cả phụ huynh cũng bảo không dám mắng vì sợ bé tìm đến lá ngón... Phức tạp lắm ạ! Nhiều HS bế em bé đi học, đưa em vào lớp học gây mất trật tự, làm GV rất khó dạy.
Các buổi sáng, GV phải dậy sớm, chặn đường trẻ trốn đi nương, "lùa" các em vào lớp. GV mà để HS trốn học thì bị trừ thi đua. Nhưng còn có những em bị "lọt". Trên này, chỉ có GV quan tâm đến phụ huynh, HS, ngược lại thì không. Cũng có người dân săn bắn được bán cho GV...
- Nguồn lương thực, thực phẩm thế nào?
- Gạo thì chúng em mua tích trữ. Thực phẩm thì chủ yếu đồ khô như cá khô, lạc, trứng..., mua ăn dần. Đôi khi chúng em cũng vào bản mua thức ăn tươi nhưng đắt lắm.
- Em có định định cư lâu dài trên này không?
- Chắc không có cách nào khác ạ. Giờ xin chuyển được về dưới xuôi cũng mất vài ba trăm. Mà trình độ chúng em cũng hạn chế, dạy "kiểu" trên này quen rồi.
- Em có nghĩ miền núi sẽ đuổi kịp miền xuôi không?
- Đuổi thì có, kịp thì chắc không ạ.