Bi kịch người đàn bà bảy lần “đẻ mướn”

Ngày 04/09/2013 10:33 AM (GMT+7)

Bảy lần sinh con là bảy lần chị vượt cạn một mình. Bảy lần sinh con, nhưng đứa ở lâu nhất với chị là 5 năm, còn thường cứ khi con được 3 hoặc 4 tháng, chị lại “bán”, lại “cho” đi. Thương nhất là đứa con thứ 7, nó chỉ ở vỏn vẹn với chị có 4 ngày.

Cuộc đời chị là một chuỗi bất hạnh, khi liên tiếp trở thành nạn nhân của những người đàn ông ham vui, say xỉn, thiếu trách nhiệm.

Hồng nhan bạc phận vì một chữ tình

Vượt qua con đường ngoằn ngoèo, lởm chởm sỏi đá, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Tần (SN 1968), trú tại xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An trong một buổi trưa nắng gắt. Ngôi nhà của chị nằm trên một con dốc cao, cỏ mọc um tùm che kín cả lối vào. 

"Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng thanh niên và phụ nữ xã tìm ra chỗ ở của cả 7 đứa con của cô Tần, xã cũng đã phối hợp với hai người chị gái làm lại nhà cho cô Tần và tạo điều kiện cho mẹ con đoàn tụ nếu có nhu cầu. Mong rằng từ ngôi nhà mới, cuộc đời cô Tần sẽ có thay đổi, những đứa con sẽ tìm về với cô ấy...”.

Ông Lê Khắc Thanh Trưởng công an xã Lạng Sơn

Cuộc đời chị là một chuỗi ngày đau khổ. Cách đây hơn 20 năm, chị không thuộc dạng “sắc nước hương trời” nhưng cũng làm làng trên xóm dưới ngả nghiêng bởi vẻ xinh xắn, duyên dáng và cái nết ngoan ngoãn, hay làm hay làm. Ngày còn ở với bố mẹ, nhà chị trai làng dập dìu, nhiều bậc cha mẹ có con trai đến tuổi cưới vợ cũng đánh tiếng hỏi xin chị về làm dâu. Nhưng chị đã đem lòng yêu thương anh hàng xóm hiền lành, chân chất. Bố mẹ mất khi chị vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người con gái, hai chị gái lại đi lấy chồng nên chị một mình lủi thủi trong căn nhà nhỏ.  Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến, vì tình yêu nên chị đã hiến dâng tất cả. Chị có bầu và sinh cậu con trai đầu lòng vào năm 1989, khi ấy chị vừa tròn 21 tuổi. Không trầu cau, không người bưng lễ, nhưng chị vẫn bằng lòng tin tưởng vào hạnh phúc được hứa hẹn dài lâu, bỏ ngoài tai mọi lời xầm xì bàn tán. 5 năm sau, lại một bé gái xinh xắn chào đời, nhưng chị vẫn phải mang tiếng “không chồng mà chửa”. Bởi người hàng xóm mà chị yêu thương từ thuở còn thiếu nữ, người thường xuyên chung chăn gối với chị bấy lâu lại sẵn sàng phủ nhận tất cả và đoạn tuyệt với chị.

Phần vì một mình nuôi con vất vả, phần vì không chịu được những lời đàm tiếu, nên dần dần chị bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Nhiều lúc ức chế quá, chị lại cười sằng sặc một mình, hát vu vơ vài câu không rõ nghĩa rồi đâm ra ngớ ngẩn. Chị bị xem như người thần kinh, lúc tỉnh thì không nói không rằng, khi lên cơn lại hát vang nhà, nhảy nhót và nói lảm nhảm.

 Người đàn bà bất hạnh trong ngôi nhà cũ, nơi có bảy đứa trẻ chào đời

Bi kịch tiếp nối bi kịch

Khi chị không còn ý thức được hành động của mình nữa thì tấn bi kịch của cuộc đời chị càng lúc càng kéo dài hơn. Căn nhà chị ở được làm từ khi bố mẹ còn sống, theo thời gian đã ọp ẹp, cửa nẻo tạm bợ. Không có đàn ông trong nhà, hai đứa con còn nhỏ và bản thân chị không được tỉnh táo nên những đêm tối trời, nhà chị lại trở thành đích đến của những gã đàn ông ham vui, say rượu. Một lần thành quen, rồi kẻ nọ truyền tai kẻ kia, vào ban đêm, ngôi nhà toang hoác của chị bỗng trở thành chốn lui tới của những gã đàn ông vô đạo đức. Và cứ thế, chị lần lượt trở thành mẹ của 5, 6 rồi 7 đứa trẻ không cha.

Do sống đơn thân, không thể nuôi nổi những đứa con mình sinh ra, nên bất cứ ai đến xin con, chị đều cho cả, thậm chí có người đến xin chính là bố của đứa trẻ. Chị bảo: “Không có tiền, không nuôi được đâu. Cho người ta mình còn được quà”. Căn bệnh thần kinh khiến chị không còn cảm giác đau đớn khi phải lìa xa những khúc ruột của mình, và chính căn bệnh ấy khiến chị không ý thức được rằng mình đã trở thành người đẻ mướn cho thiên hạ.

Bây giờ, chị Tần không thể nhớ rõ mình đã cho con cho những ai, chỉ nhớ mình đã đẻ 7 đứa con - 4 trai và 3 gái. Đứa sống với chị lâu nhất là 5 năm, còn lại thường bọn trẻ chỉ ở với chị từ 2 - 3 tháng, sau đó lại có người xin làm con nuôi. Tội nhất là đứa thứ 7, vừa lọt lòng mẹ đã có người đến xin, họ để lại cho chị 5 triệu đồng cùng ít quà xem như thù lao cho người “đẻ mướn”.

Ngày chúng tôi tới, chị Tần đã có ngôi nhà mới do chính quyền xã cùng hai người chị gái  phối hợp giúp đỡ. Chị Xuân, hàng xóm nhà chị Tần cho biết: “Từ khi cô Tần có nhà mới, cửa nẻo chắc chắn hơn, đêm đến chúng tôi cũng được tròn giấc hơn, không còn giật mình vì tiếng chó sủa hờ, tiếng bước chân những người say rượu nữa... Giờ chúng tôi cũng chỉ mong cô ấy có một cuộc sống tốt hơn thôi, đời cô ấy cũng khổ nhiều rồi...”.

Theo Văn Thanh - Hải Sâm (Giaothongvantai.com.vn)

Tin liên quan