Việc diễn viên xiếc bị cá sấu cắn vào mặt khiến nhiều người đặt câu hỏi, lâu nay các chương trình mạo hiểm thế này do ai kiểm soát về nội dung, chất lượng? Hay chỉ khi “mất bò mới lo làm chuồng”?!
Vụ việc nam diễn viên xiếc bị cá sấu cắn vào mặt ở Hà Nam khi đang biểu diễn vẫn đang nhận nhiều luồng ý kiến từ dư luận.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV, NSƯT xiếc Hồng Lộc (đoàn xiếc thú Hồng Lộc – người đầu tiên ở Việt Nam huấn luyện được cá sấu) cho rằng, nam diễn viên kia không hề có kỹ năng, không được huấn luyện bài bản. Anh này vô cùng liều lĩnh bởi dám đùa giỡn với tính mạng khi biểu diễn cùng cá sấu.
NSƯT Hồng Lộc cho biết: “Tôi là người đầu tiên huấn luyện thành công cá sấu ở Việt Nam nhưng tôi không dám nhận huấn luyện cá sấu tại các khu du lịch để họ thu hút khách. Bởi, cá sấu là loài bò sát “máu lạnh”, không có ý thức, vì thế huấn luyện để nó có ý thức và “diễn” theo mình là điều rất khó, cần phải có thời gian, sự kiên trì. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới rất ít diễn viên dám “diễn” cùng cá sấu”.
Theo NSƯT Hồng Lộc, tai nạn nói trên do rất nhiều nguyên nhân, chứ không thể đổ lỗi cho việc MC nói quá to khiến cá sấu giật mình. Có thể do nam diễn viên xiếc thiếu chuyên nghiệp, không có kinh nghiệm và chuyên môn, dùng sự liều lĩnh của mình để “mua vui” cho khán giả. Thứ hai, do con thú chưa được huấn luyện bài bản và chủ nhân chưa thuần phục, chưa hiểu hết tính nết của con thú nên mới để xảy ra tai nạn đáng tiếc như vậy.
Ảnh cắt từ clip
“Nếu như đoàn xiếc nào muốn liều lĩnh với loài bò sát máu lạnh cần phải sang Thái Lan (quốc gia nổi tiếng với các chương trình biểu diễn với cá sấu) học hoặc mời chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực huấn luyện thú dữ hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm. Không nên liều lĩnh “mua vui” cho khán giả bằng chính tính mạng của mình”, NSƯT Hồng Lộc nhận định.
Hiện nay có nhiều đoàn xiếc tự do, đi khắp nơi để biểu diễn và quảng cáo ngay cả với thú dữ mà không hề nghĩ đến sự rủi ro, nguy hiểm cho chính bản thân họ, về điều này, NSƯT Hồng Lộc cho rằng, điều mấu chốt phải nằm ở các cơ sở, cơ quan chủ quản trước khi cấp phép cho các đơn vị đi biểu diễn. Các cơ sở quản lý hàng năm phải có trách nhiệm kiểm duyệt chương trình về nội dung, sự an toàn ra sao và những tiết mục nào được, hay không được đưa ra biểu diễn.
“Tôi được biết, ở tỉnh Hải Dương có đến hàng chục đoàn xiếc gia đình nhưng sở VH –TT&DL tỉnh Hải Dương chỉ cấp giấy phép cho một số đoàn đi biểu diễn. Cũng có thể khi thẩm duyệt chương trình, các đoàn xiếc sẽ mượn tiết mục của nhau để qua mặt “ban giám khảo” và khi ra sân khấu họ sẽ làm theo cách của họ mà không hề có chút nghệ thuật cũng như sự an toàn cho khán giả, diễn viên của đoàn xiếc. Mặt khác, tôi còn biết có đoàn xiếc mượn giấy phép biểu diễn của nhau để đi “mưu sinh”!”, NSƯT Hồng Lộc nhận định.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Việt - Phó Giám đốc sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương cho biết: "Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 5-6 đơn vị hoạt động biểu diễn xiếc nghệ thuật. Chúng tôi cũng chỉ cấp phép hoạt động cho 5-6 đơn vị đó. Đã có đoàn công tác ở tỉnh Hà Nam về đơn vị chúng tôi làm việc về nội dung này. Chúng tôi giao cho thanh tra của sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương cùng phối hợp giải quyết. Quan điểm của Sở là không bao che sai phạm, sai đến đâu thì sẽ xử lý đến đó”.