Lên kế hoạch đi xuyên Việt cùng bạn trong ba tháng, nhưng khi dừng chân tại Đà Lạt, nhóm bạn của anh Trương Thanh Duy đã kẹt lại đây hơn 2 tháng trời vì dịch bệnh.
Ấp ủ từ hồi còn học đại học, anh Trương Thanh Duy (quê Hậu Giang) đã muốn thực hiện chuyến đi cắm trại xuyên Việt của mình cùng những người bạn thân thiết. Mãi đến năm 25 tuổi, khi anh thấy mình đã có đủ kiến thức xã hội, tiền tiết kiệm để thực hiện giấc mơ này, anh đã lên kế hoạch trong thời gian nghỉ việc của mình. “Sau ba năm đi làm lúc nào cũng cố gắng tiến lên phía trước, luôn luôn bị áp lực trước sự thành công của bạn bè trang lứa. Tôi nghĩ đã đến lúc mình dành cho bản thân một khoảng thời gian nghỉ ngơi để trải nghiệm và học hỏi từ chuyến đi này”, anh tâm sự.
Trước khi đi, anh đã cố gắng chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cắm trại, thể lực cũng như tiền bạc cho 3 tháng thực hiện hành trình. Anh cho biết tình hình dịch bệnh lúc đấy khá ổn, vì chuyến đi hầu hết sẽ đến những vùng hoang vu có phong cảnh đẹp để cắm trại nên anh cũng có phần chủ quan không lường trước được mọi tình huống. Dù chỉ tính sẽ đi qua những tỉnh thành không có dịch, nhưng không ngờ là tình hình chung trở nên phức tạp một cách nhanh chóng.
Nhóm bạn anh Duy dự tính sẽ đi xuyên Việt dọc cung đường biển từ Nam ra Bắc trong vòng ba tháng với kinh phí mỗi ngày 400 nghìn đồng/người. Chia sẻ về những ngày đầu chuyến đi, anh nói: “Sau khi ở Đắk Lắk 1 tháng, giữa tháng 6 chúng tôi chuyển sang Đà Lạt. Thời điểm đấy chúng tôi vẫn hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát nên vẫn ở lại đợi. Nhưng sau đó các lệnh giãn cách liên tiếp được ban hành nên nhóm không quay đầu được nữa”.
Trương Thanh Duy (25 tuổi, Hậu Giang)
Lúc này, anh và nhóm bạn của mình tìm cách thay đổi cuộc sống sớm thích nghi tại Đà Lạt để tiết kiệm chi phí hơn. Anh cho biết hiện tại nhóm bạn của anh đã chuyển từ khách sạn ra thuê nhà ở, nhà có bếp để tiện nấu ăn và không phải tiếp xúc với nhiều người. Tại đây, nhóm cùng chia tiền nhà và ăn uống nên phí sinh hoạt vẫn rất hợp lý. Dù phải dừng chân tạm thời tại đây ngoài kế hoạch, nhưng anh Duy cho biết đây cũng là trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình tuổi trẻ của mình.
Khác với hình ảnh một thành phố thu hút du khách nườm nượp, giờ đây, Đà Lạt đã bớt đi vẻ nhộn nhịp thường thấy và vắng vẻ hơn mọi khi. “Lúc tôi đặt chân đến đây, thời tiết tại Đà Lạt vẫn còn mát mẻ và nhiều nắng. Hiện thành phố đã vào mùa mưa, có khi mưa cả ngày, dày sương mù, nhưng cơn mưa như vậy chắc chỉ ở đây mới có. Những lúc như vậy tôi chỉ thèm một tí nắng trời”, anh nói.
Buổi tối dựng lều đốt lửa của Duy và nhóm bạn.
Dù đã từng có dịp lên Đà Lạt trước đây, nhưng vì quỹ thời gian hạn hẹp nên anh Duy vẫn chưa thăm thú được nhiều nơi. Anh vui vẻ kể: “Lần này tôi có thời gian ở lại lâu để làm điều mình thích, trồng cây, trồng rau,…Ở lại càng lâu sống chậm như một người Đà Lạt. Đây cũng là cái duyên lớn, nói là mắc kẹt nhưng thực tế là một cơ hội rất thú vị”.
Anh cho biết trước đây mình học về nông nghiệp và từng có thời gian làm việc tại công ty xuất khẩu nông thủy sản ở Tiền Giang. Vốn là người yêu thiên nhiên, cây cối nên sống ở Đà Lạt là dịp để anh được học hỏi và trải nghiệm môi trường ở đây.
Đà Lạt đã trở thành "người bạn thân" của Duy trong tháng ngày bị kẹt vì dịch.
“Có lẽ vì những chuyến đi cắm trại trong rừng, núi đã giúp tôi thích nghi tốt hơn hoàn cảnh sống ở đây hay bất kì nơi nào xa lạ. Tôi có thể tự nấu ăn, sắp xếp thời gian để một ngày làm được nhiều việc nhất và đặc biệt là phải giữ một tinh thần lạc quan thì mọi thứ sẽ tự động dễ dàng hơn, như càng ở lâu tôi càng có thêm nhiều người bạn tại Đà Lạt rất hiếu khách”, anh giải thích.
Được biết, để có thêm chi phí trang trải cho chuyến đi và thỏa mãn đam mê của mình, anh nhận thêm nhiều công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội để có thêm thu nhập, nhiều clip tiktok ghi lại khoảnh khắc đặc biệt ở Đà Lạt mùa giãn cách đã thu hút rất nhiều người “nhớ thương” thành phố này quan tâm. Anh cũng tâm sự với tình hình dịch bệnh kéo dài, anh đã chuẩn bị tinh thần ở lại Đà Lạt lâu hơn, nếu thời gian này tìm được công việc phù hợp với mình, anh quyết định sẽ ở lại lâu dài.
Bữa cơm do nhóm của Duy tự nấu.
“Tôi có ý định sẽ sinh sống tại Đà Lạt, nơi đây có nhiều lựa chọn công việc liên quan đến ngành học nông nghiệp của tôi. Tôi cảm thấy thoải mái với không khí lành lạnh, tiết trời ở đây. Đặc biệt khung cảnh tại nơi này cũng phù hợp với nội dung sắp tới tôi sẽ chia sẻ trên kênh mạng xã hội của mình”, anh tiết lộ.