Con vào lớp 1 "mắc kẹt" ở Hà Nội: "Tôi từng nghĩ đến chuyện cho con nghỉ học một năm"

K.T - Ngày 31/08/2021 14:40 PM (GMT+7)

Dù “mắc kẹt” ở quê nhưng con anh Nghĩa và chị Quỳnh vẫn có thể học online, còn trường hợp của con gái chị Vân Nguyễn (28 tuổi, Hưng Yên) đang kẹt ở Hà Nội quả thực vô cùng oái oăm.

Chỉ còn vài ngày nữa, nhiều tỉnh thành trên cả nước sẽ tiến hành lễ Khai giảng trực tuyến năm học 2021-2022. Sau đó học sinh bắt đầu bước vào học kì I bằng hình thức học online tại nhà nhằm đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Song đó cũng là nỗi lo của nhiều phụ huynh có con học lớp 1 – 2 “mắc kẹt” ở vùng dịch hoặc ở quê không thể trở về nhà.

Con vào lớp 1 amp;#34;mắc kẹtamp;#34; ở Hà Nội: amp;#34;Tôi từng nghĩ đến chuyện cho con nghỉ học một nămamp;#34; - 1

Đầu tháng 7/2021, chị Quỳnh Vũ (33 tuổi, Hà Nội) đã nộp hồ sơ, xin học thành công cho con trai vào lớp 1 tại một trường tiểu học tại quận Cầu Giấy. Nhưng hiện bé lại “mắc kẹt” ở quê với ông bà, không thể trở lại thành phố. Vì thế chị cứ nghĩ đến chuyện tụi nhỏ sắp khai giảng rồi học online mà bồn chồn, lo âu. Chị sợ con sẽ không nắm bắt kịp với nhịp học của các bạn, sợ con mải chơi không tập trung học, sợ con không có ai kèm cặp...

“Hẳn nhiều người thắc mắc vì sao tôi sợ nhiều thứ thế nhưng ai có con vào lớp 1 phải học online ở quê sẽ thấu hiểu phần nào tâm trạng của tôi. Ngay từ khi Hà Nội giãn cách xã hội, tôi đã xác định tâm lý con phải học online nhưng không biết làm thế nào để đưa con lên trên này. Cuối cùng vợ chồng tôi thống nhất để con ở quê và nhờ đứa cháu học cấp III “quản lý” giúp”, người mẹ 33 tuổi tâm sự.

Mặc dù đã có người kèm con nhưng chị Quỳnh vẫn chưa thấy yên tâm. Bởi cháu của chị cũng phải học online không thể sát sao, quan tâm em tận tình như bố mẹ. Hơn nữa ông bà lại cao tuổi, mắt kém, không nhìn rõ mặt chữ, vì thế khó có thể dạy cháu làm bài tập về nhà.

Nhiều phụ huynh lo lắng khi con phải học online tại nhà. (Ảnh minh họa)

Nhiều phụ huynh lo lắng khi con phải học online tại nhà. (Ảnh minh họa)

“Con tôi chưa có bộ sách giáo khoa lớp 1 bởi ở trường ở quê học khác bộ trên Hà Nội. Tôi không thể nhờ người “lùng mua” hoặc gửi sách trên này về quê được. Tôi đành bảo đứa cháu tải bộ trên mạng về cho em học. Bởi vậy việc học của con lại càng khó khăn hơn. Tôi biết lớp 1 chưa phải học gì nhiều nhưng vẫn “đứng ngồi không yên””, chị Quỳnh nói.

Tối nào, chị Quỳnh cũng gọi điện dặn dò cậu con trai nhỏ phải nghe lời ông bà và chị, không được mải chơi quên học... Và đương nhiên cậu bé luôn “vâng vâng... dạ dạ” nhưng người mẹ ấy hiểu con chỉ “vâng dạ” một lúc là sẽ quên ngay. Chị kể: “Bố mẹ chồng thấy tôi nhắc nhở thằng nhỏ nhiều quá còn cáu gắt, bảo làm như thế sẽ tạo áp lực cho con. Thậm chí ông bà còn cho rằng tôi lo lắng thái quá, lớp 1 đâu cần phải học nhiều biết nhiều... Tôi biết con ham chơi lại được ông bà chiều nên kiểu gì cũng chểnh mảng học hành. Giờ tôi chỉ mong thành phố hết giãn cách để được về quê đón con lên trên này”.

Cũng giống hoàn cảnh của chị Quỳnh, anh Minh Nghĩa (35 tuổi, TP.HCM) kể, vợ chồng anh cho con về Đắk Lắk với bà nội từ tháng 5 – ngay sau khi thi học kì II lớp 1 do lo ngại thành phố bùng dịch. Đến giờ, Sài Gòn chưa hết dịch, các trường đề xuất học online. Anh chưa cần nói đến chuyện máy tính để con học trực tuyến bởi có thể mua mới một chiếc. Vấn đề anh lo ngại chính là sách giáo khoa để con theo học lớp 2.

Anh cho biết, sách giáo khoa mà con trai anh học là bộ “Chân trời sáng tạo”, trong khi đó Đắk Lắk lại cho học sinh học bộ khác. Vì thế chị gái anh đi mòn các hiệu sách ở trên quê chẳng kiếm được cuốn nào. “Không có sách giáo khoa, con mình học bằng gì? Mình không biết Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cho các địa phương - trường chủ trương chọn bộ sách giáo khoa để giảng dạy có nghĩ đến trường hợp này? Và nếu TP.HCM áp dụng học online sẽ có bao nhiêu học sinh rơi vào trường hợp giống con mình?”, ông bố 8X đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Khi nhắc đến việc con trai anh có thể học sách giáo khoa online, anh Nghĩa thẳng thắn bày tỏ: “Mình biết giờ chỉ có cách cho thằng nhỏ học sách giáo khoa online nhưng có nhiều bất cập. Một đứa trẻ lớp 2 chưa sử dụng thành thạo máy tính, lại ở cùng bà nội đã nhiều tuổi, thử hỏi làm sao nó có thể học online tốt chứ. Bản thân con mình còn không biết làm như thế nào để mở phần mềm zoom thì việc kết hợp vừa học sách online vừa học online sẽ ra sao? Mình thực sự lo lắng cho con mình nói riêng và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ nói chung.

Có thể nói, Sài Gòn là thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Vậy tại sao không trì hoãn lễ khai giảng của tụi trẻ lại chứ? Phụ huynh sẽ đồng ý cho con học muộn 2-3 tháng so với các tỉnh thành khác”.

Con vào lớp 1 amp;#34;mắc kẹtamp;#34; ở Hà Nội: amp;#34;Tôi từng nghĩ đến chuyện cho con nghỉ học một nămamp;#34; - 3

Dù “mắc kẹt” ở quê nhưng con anh Nghĩa và chị Quỳnh vẫn có thể học online, còn trường hợp của con gái chị Vân Nguyễn (28 tuổi, Hưng Yên) đang mắc kẹt tại Hà Nội quả thực không biết phải xoay xở ra sao. Chị kể: “Giữa tháng 7, vợ chồng tôi cho con lên nhà dì ở Ba Đình chơi với mấy đứa em đến khi nào vào năm học mới sẽ đón con về. Nào ngờ Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lúc này quê tôi thông báo những ai ở vùng dịch về phải cách ly tập trung 14 ngày. Chúng tôi lo lắng con còn nhỏ, không thể đi cách ly một mình được rồi bảo nhau đợi đến 23/8 xem sao? Cuối cùng, con bé phải ở lại nhà em gái mình đến tận giờ”.

Ai cũng mong dịch COVID-19 sớm được đẩy lùi để học sinh được đến trường.

Ai cũng mong dịch COVID-19 sớm được đẩy lùi để học sinh được đến trường.

Điều chị Vân lo lắng nhất chính là việc học sinh lớp 1 ở xứ nhãn sẽ học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cụ thể học trực tiếp theo phương án chia đôi lớp, chia ca sáng - chiều. Mỗi học sinh đến trường tối đa 3 buổi/tuần; mỗi buổi không quá 1/3 số học sinh lớp 1 của trường đến tại cùng một thời điểm. “Với lịch học như vậy, con tôi chắc chắn không thể tham gia rồi. Hơn nữa, lớp 1 bắt đầu tựu trường từ 25/8 và đến nay con tôi đã bị nhỡ mất một tuần. Tôi rất lo cho con bởi đây là năm đầu tiên con được cắp sách tới trường mà lại nhỡ nhàng vì dịch như vậy”, người mẹ trẻ tâm sự.

Trước vấn đề nan giải này, chị Vân đã trình bày rõ hoàn cảnh của con với ban giám hiệu nhà trường. Nhưng họ chỉ biết tạo điều kiện cho con chị tham gia những buổi học online, còn buổi trực tiếp tại trường không có cách nào khắc phục. “Tôi từng nghĩ đến chuyện cho con nghỉ học một năm nhưng nhiều người cản quá! Họ khuyên tôi bình tĩnh, chịu khó chờ đợi Hà Nội hết giãn cách thì đón con về học cũng chưa muộn. Bởi kiến thức lớp 1 chưa nhiều và không nặng như các lớp khác, con vẫn có thể theo kịp các bạn. Dẫu vậy tôi vẫn không thể yên tâm được”, chị Vân chia sẻ.

Đối với mỗi trường hợp gặp khó khăn khi học online, phụ huynh nên chủ động liên lạc với giáo viên chủ nhiệm lớp của con để các thầy cô hỗ trợ, đưa ra phương án hợp lý nhất, giúp con có thể hoàn thành việc học trực tuyến của mình. Với tình trạng học sinh chưa có sách giáo khoa, cha mẹ có thể cho con học sách online hoặc nhờ thầy cô gửi ảnh tài liệu bài giảng và chuyển cho con ôn tập.

Bi hài chuyện HS lớp 1 học online: Vài phút đầu im ắng, sau đó ồn ào đủ thứ chuyện
Đồng hành cùng con lớp 1 học online, không ít phụ huynh đã phải chứng kiến những câu chuyện dở khóc dở cười.

Giáo dục

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h