Năm 2005 đề xuất quyền được chết từng được đưa ra nhưng chưa được xem xét, lần này Bộ Y tế hy vọng đề xuất này được chấp thuận nhằm giải phóng cho những bệnh nhân nặng có mong muốn kết thúc cuộc đời.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế cho rằng, quyền được chết (quyền an tử) là nội dung mà Cục này mới đề xuất đưa vào góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang trình lãnh đạo Bộ Y tế xem xét.
Đề xuất này dựa trên thực tế các bác sĩ từng chứng kiến rất nhiều người bệnh mà nền y học tiên tiến cũng bó tay (bệnh nhân sống thực vật, ung thư giai đoạn cuối – họ sống mà như chết trong đau đớn, vật vã). Với những người còn ý thức thì mong muốn duy nhất của họ lúc đó là kết thúc cuộc đời sớm ngày nào đỡ khổ cho họ và cho người thân. Do họ không “tự chết” được nên nhiều người nhờ bác sĩ “giúp” họ.
TS Quang nhấn mạnh: Trên thực tế luật pháp đã quy định mọi công dân đều có quyền được khai sinh và khai tử. Vì thế, quyền được chết cũng là chính đáng. Hiện đã có một số quốc gia cho phép thực hiện quyền này như Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ và Thụy Sĩ...
TS Nguyễn Huy Quang
Vì vậy, TS Quang cho rằng, nếu pháp luật cho phép và họ giúp cho người bệnh sớm ra đi một cách thanh bình: cho thuốc mê, nghe một bản nhạc, xem bộ phim... Đấy cũng được coi là nhân đạo còn hơn để người bệnh sống mà như không sống.
Ngoài ra TS Quang cũng cho biết thêm, với bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên đủ tỉnh táo, năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình thì họ có quyền lựa chọn cho mình quyền được chết. Lúc này họ có thể viết chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Còn với những trường hợp sống thực vật thì gia đình sẽ là người tiếp tục hay kết thúc cuộc sống của người bệnh.