Báo Mỹ vạch mặt TQ dùng tàu cá dân sự tấn công Biển Đông

Ngày 10/07/2014 16:53 PM (GMT+7)

Ngoài trang bị lực lượng tàu ngầm, tàu chiến, ngư lôi hùng hậu, Trung Quốc còn triển khai nhiều tàu đánh cá dân sự để tấn công các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh trên Biển Đông.

Theo World Affairs (Các vấn đề quốc tế) - tạp chí có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), giới chuyên gia nhận định rằng những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông hiện nay là một phần trong tham vọng xây dựng và mở rộng năng lực "Hải quân Biển xanh" (lực lượng hải quân có tiềm lực và có khả năng vươn ra những vùng biển xa, hoạt động dài ngày) của Trung Quốc. 

Hồi tháng 7/2013, dưới sự chỉ đạo của một cơ quan phi quân sự mang tên Cục quản lý Đại dương quốc gia (SOA), Trung Quốc đã hoàn thành chương trình tân trang và gia cố toàn bộ các tàu cá dân sự và tàu chống buôn lậu. Ngay cả, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc (CCG) cũng nằm dưới sự kiểm soát của SOA.

Báo Mỹ vạch mặt TQ dùng tàu cá dân sự tấn công Biển Đông - 1

 Tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông. 

Trong khi, Hải quân Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trên Biển Đông, CCG và SOA lại chịu trách nhiệm tiến hành những công việc bẩn thỉu mà báo chí đăng tải trong các bản tin nóng trong thời gian qua. Còn các tàu chiến và máy bay của quân đội Trung Quốc sẽ hành động với vai trò bảo vệ cho đội tàu của CCG và SOA trong trường hợp lực lượng này bị thất thế. 

Nói cách khác, Trung Quốc đang bảo vệ lãnh thổ của mình bằng cách triển khai các lực lượng quy mô nhỏ nhưng tựu chung là nhằm truyền đi thông điệp: "Đây là vùng đất của chúng tôi". 

Trên tạp chí The Diplomat, Giáo sư James R. Holmes tại Trường ĐH Chiến tranh Hải quân Mỹ đã gọi chiến lược trên Biển Đông của Trung Quốc là "ngoại giao cây gậy nhỏ" khi điều động các tàu thuyền phi quân sự để phục vụ mục đích quân sự và bảo vệ chủ quyền lãnh hải mà nước này tự vạch ra. 

Hành động dùng vòi rồng áp suất lớn tấn công các tàu các nước ngoài, chủ động đâm va vào tàu cá láng giềng, và quấy rầy hoạt động của các tàu hải cảnh nước ngoài cũng nằm trong chiến lược "cây gậy nhỏ" của Trung Quốc. Do đó, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, về lâu dài, Trung Quốc sẽ dần chiếm ưu thế trên Biển Đông. 

Âm mưu sử dụng lực lượng tàu của CCG và SOA chứ không phải là tàu chiến của quân đội để tấn công các tàu nước ngoài đã cho thấy Trung Quốc muốn giảm nhẹ mức độ khiêu khích và khiến Mỹ dễ dàng bỏ qua. 

Như chuyên gia Robert Kaplan từng chia sẻ trong cuốn sách mới xuất bản mang tên "Asia’s Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific" (tạm dịch: Cái vạc dầu của châu Á: Biển Đông và sự kết thúc của thời kỳ ổn định của Thái Bình Dương), thì "chiến tranh không phải là mục tiêu của Bắc Kinh mà quốc gia này muốn dàn xếp các lực lượng nhằm tăng cường sức mạnh địa chính trị và thanh thế". 

Trong khi đó, Mỹ - quốc gia hùng mạnh hiện diện tại Thái Bình Dương và được đánh giá có khả năng đối đầu với Trung Quốc, lại đang bận rộn tìm kiếm sự ủng hộ chính trị để can thiệp vào tình hình Biển Đông nhằm ngăn chặn sự hung hăng từ lực lượng phi quân sự Trung Quốc. 

"Ngang nhiên" dùng tàu phi quân sự để chiếm Biển Đông

Bằng việc sử dụng các lực lượng với mục đích thông thường là bảo vệ cho lợi ích quốc gia, Trung Quốc đang dần đặt chân tới mọi ngóc ngách trên Biển Đông – khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền. 

Điển hình hồi đầu tháng Năm, Trung Quốc đã để cho một công ty phi quân sự là Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia (CNOOC) lai dắt và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. 

Báo Mỹ vạch mặt TQ dùng tàu cá dân sự tấn công Biển Đông - 2

  Trung Quốc điều tàu hải cảnh bảo vệ cho hoạt động trái phép của giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Thậm chí, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương còn ngang nhiên cho rằng giàn khoa Hải Dương-981 được đưa tới "vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc". 

Theo World Affairs, nguy hiểm hơn, Bắc Kinh còn triển khai một hạm đội giám sát gồm 80 tàu từ lực lượng Hải giám vốn không thuộc lực lượng Hải quân mà nằm dưới sự quản lý của SOA tới bảo vệ cho hoạt động trái phép của Hải Dương-981. 

Trên thực tế, nhiều tàu thuyền của lực lượng Hải giám vốn là các tàu chiến Hải quân Trung Quốc từng sử dụng. Tuy nhiên, khi được chuyển cho lực lượng Hải giám, hệ thống vũ khí hạng nặng trên các tàu này đã được gỡ bỏ. 

Điểm nóng trong những ngày qua là thông tin một tàu cá của Việt Nam đã bị đâm va và đánh chìm bởi 1 trong số 40 chiếc tàu cá treo cờ Trung Quốc bao vây và ngăn cản hoạt động của tàu cá Việt Nam. Theo đó, tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đánh chìm khi đang hoạt động cách nơi Bắc Kinh hạ đặt trái phép Hải Dương-981 17 hải lý. 

Trước đó, CCG đã bị cáo buộc chủ động đâm va và phun vòi rồng vào các tàu cá Việt Nam. Song, đây có lẽ là lần đầu tiên, một tàu cá Trung Quốc đánh chìm tàu cá nước ngoài. Trong khi đó, theo quyền pháp lý của Trung Quốc, các tàu cá nước này thường được lực lượng tàu thuyền từ Cục Quản lý Đánh bắt cá Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của SOA đi theo hộ tống. 

Thâm hiểm hơn hôm 28/5, Bắc Kinh còn đưa ra thông báo cho rằng SOA sẽ đảm nhận trách nhiệm quản lý một mạng lưới mới được thiết lập bao gồm đánh giá "tình hình sinh thái" và "toàn bộ quá trình phát triển" của các hòn đảo thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Điểm đáng nói là chính quyền Trung Quốc không hề nói cụ thể chính xác về những hòn đảo hoặc lãnh thổ nằm trong tuyên bố trên. Điều đó cho thấy Bắc Kinh đang có ý định đưa các lực lượng kiểm soát tới cả những hòn đảo đang xảy ra tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Đây cũng là một phần trong chiến lược "chủ quyền không tranh cãi" mà Trung Quốc từng công bố. 

Nói cách khác, thông qua việc triển khai các cán bộ trắc địa dân sự tới quản lý những hòn đảo mà Trung Quốc tự xác lập chủ quyền, Bắc Kinh đã tránh né được những cáo buộc cho rằng nước này hành động vì mục đích quân sự.  

Báo Mỹ vạch mặt TQ dùng tàu cá dân sự tấn công Biển Đông - 3

  Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Cowpens của Mỹ từng phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh va chạm với một tàu Trung Quốc trên Thái Bình Dương hồi tháng 12/2013. 

Dù không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, song Mỹ vẫn có trách nhiệm bảo vệ cho các quốc gia đồng minh trong khu vực tránh khỏi nguy cơ tấn công từ Trung Quốc. 

Ngoài ra, dù đầu tư nâng cấp năng lực Hải quân song Trung Quốc vẫn còn chạy sau Mỹ rất nhiều. Hiện nay, Washington đang triển khai 6 nhóm tấn công tàu sân bay tại châu Á trong khi Bắc Kinh mới chỉ có 1. Mỹ có tới 12 tàu tuần dương tên lửa dẫn đường và Trung Quốc chỉ có 1. Tại Thái Bình Dương, Mỹ có tới 29 tàu khu trục tên lửa dẫn đường còn Trung Quốc có 8. Do đó, việc Bắc Kinh đưa lực lượng Hải quân ra đối đầu với Mỹ được xem là "nhiệm vụ bất khả thi". 

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên một khu vực rộng lớn tại Biển Đông được thể hiện qua tấn bản đồ "đường chín đoạn" hay còn gọi là "đường lưỡi bò", trải dài trên diện tích 1,3 triệu dặm vuông, lớn hơn cả toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ. 

Do đó, chiến lược dùng các tàu biển dân sự của Trung Quốc để tuần tra toàn diện tích rộng lớn này là không thể. Điều chắc chắn là Hải quân Trung Quốc sẽ buộc phải tham gia nếu Bắc Kinh thực sự có ý định theo đuổi tuyên bố "chủ quyền không tranh cãi" trong tương lai. Tuy nhiên, theo World Affairs, trong thời gian tới, Bắc Kinh sẽ vẫn chỉ dựa vào sức mạnh của các lực lượng dân sự để cố tình thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. 

Nội dung đươc thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ World Affairs, tạp chí chuyên về lĩnh vực ngoại giao quốc tế của Mỹ, được xuất bản từ năm 1837. 

Theo Minh Thu (Infonet.vn)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot