Trước gần 130 trẻ tử vong do bệnh sởi và liên quan đến sởi, trên một số tờ báo mạng và diễn đàn mạng xã hội đang đặt câu hỏi: “Phải chăng Bộ Y tế giấu dịch, không muốn công bố dịch sởi là do bệnh thành tích?".
Nhìn nhận sai lệch
Bài viết trên các diễn đàn mạng có dẫn Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012-2015, trong đó có nội dung: “Chương trình đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2012, giảm số trường hợp mắc sởi xuống dưới 1 bệnh nhân/1 triệu dân”.
Đồng thời, các diễn đàn đặt câu hỏi: “Phải chăng Bộ Y tế đang e ngại việc công bố dịch sẽ khiến cho “Chương trình mục tiêu quốc gia y tế” không đạt được, mà cụ thể là dịch sởi thể loại trừ trong năm 2012.... Và dĩ nhiên nếu công bố thì chắc chắn ảnh hưởng tới thành tích của Bộ Y tế”.
Bài viết cũng dẫn thông tin: “90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đủ 8 loại vaccin trong đó có vaccin phòng sởi. Khi dịch bùng phát thì Hà Nội mới “lòi ra” 88,5% số ca mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Trong đó 24% là trẻ dưới 9 tháng tuổi”.
Bài viết đã rất hùng hồn khẳng định: “Nếu chỉ vì "chủ nghĩa thành tích" mà Bộ Y tế không cho công bố dịch sởi thì đây không còn là "lỗi" mà là "tội" rõ ràng!”.
Bài viết đã khiến dư luận hết sức bức xúc, ùa vào cùng “đấu tố” Bộ Y tế mà không cần kiểm chứng bài viết đó có xác thực hay không.
Trong những ngày trực, người điều dưỡng này đã đứng suốt 24/24h để chăm sóc các bệnh nhi bị sởi (Ảnh chụp tại Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai)
Trên thực tế, đến năm 2012, ở Việt Nam, số ca mắc sởi đã giảm tới 800 lần so với năm 1984, tuy nhiên mục tiêu giảm số mắc sởi xuống dưới 1 bệnh nhân/1 triệu dân là không đạt được. Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, miễn phí cho trẻ em dưới 2 tuổi cũng đã mở rộng tới 11 loại vaccin. Riêng vaccin sởi tiêm 2 mũi vào tháng tuổi thứ 9 và nhắc lại vào tháng thứ 18 (chứ không phải tiêm 8 vaccin cho trẻ dưới 1 tuổi như trong bài viết - PV). Có thể nhận thấy, các số liệu mà diễn đàn mạng dẫn ra đều đã quá lạc hậu và sai lệch.
"Khi đã công bố dịch thì sẽ phải áp dụng các biện pháp hành chính ở mức độ cao, trên diện rộng như: hạn chế giao thông, đóng cửa trường học, hạn chế hội họp, vui chơi đông người, thậm chí cả đóng cửa thành phố, đóng cửa biên giới" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay, Việt Nam đang đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2017 để hướng tới mục tiêu loại trừ sởi trước năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần chứng minh trong 36 tháng liên tiếp không có virus sởi lưu hành trên phạm vi toàn quốc (trong điều kiện hệ thống giám sát sởi hoạt động tốt). Tuy nhiên, ông Phu cho biết, đây là một thách thức rất lớn của Việt Nam vì bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cực kỳ dễ lây. Trong khi đó cách duy nhất để loại trừ bệnh sởi là tiêm vaccin. Trong khi đó, trong vài năm trở lại đây, do liên tiếp xảy ra các vụ tai biến vaccin nên nhiều bậc cha mẹ đã không đưa con đi tiêm chủng trong đó có vaccin sởi mà hậu quả nhãn tiền là việc bùng phát dịch sởi trên diện rộng.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tiêm chủng vaccin sởi mũi 1 hàng năm vẫn đạt 90-95%. Tuy nhiên, chỉ có 80% số quận, huyện đạt tỷ lệ này. Còn tỷ lệ tiêm vaccin mũi 2 chỉ đạt khoảng 70%. Nếu tiêm mũi 1, trẻ đạt miễn dịch 80%, tiêm đủ hai mũi, trẻ đạt miễn dịch 95%.
Như vậy, hàng năm, số trẻ chưa được tiêm vaccin sởi, mới chỉ tiêm 1 mũi và tiêm đủ nhưng vẫn không có miễn dịch “tích lũy” lại con số không nhỏ. Khi có dịch sởi bùng phát thì các trẻ này chính là đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh. Con số 88,5% trường hợp bị bệnh sởi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng vaccin sởi của Hà Nội là “hợp lý”. Cần phải phân biệt rõ, đây là tỷ lệ trong số ca mắc sởi, chứ không phải 88,5% trẻ em của Hà Nội chưa được tiêm chủng (PV).
Trong khi đó, bài viết trên mạng lại đánh đồng con số “90% trẻ được tiêm vaccin sởi” với số “88,5% ca mắc sởi chưa được tiêm chủng và tiêm chủng không đầy đủ”. Điều này giống như đổ thêm dầu vào lửa, khiến nhiều người dân chưa đọc kỹ bài viết, cảm thấy hoang mang và phẫn nộ.
Luôn khẳng định “có dịch”
Liên quan đến việc không công bố dịch sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định: “Bộ Y tế không giấu dịch mà đang làm mọi cách để hạn chế dịch sởi lây lan. Tuy nhiên, muốn ra công bố dịch, cần phải dựa trên quy định của pháp luật chứ không phải muốn công bố là công bố”.
Ông Long cho biết, theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khi bệnh dịch vượt quá tầm kiểm soát của một tỉnh hoặc do những biến đổi mang tính độc lực cao, nguy hiểm cho cộng đồng thì mới công bố dịch. Và khi đã công bố dịch thì sẽ phải áp dụng các biện pháp hành chính ở mức độ cao, trên diện rộng như: hạn chế giao thông, đóng cửa trường học, hạn chế hội họp, vui chơi đông người, thậm chí cả đóng cửa thành phố, đóng cửa biên giới.
Còn người bệnh hoặc người nghi nhiễm bệnh sẽ bị cưỡng chế cách ly vào các khu vực quy định của Nhà nước chứ không chỉ là khuyến cáo cách ly như hiện nay.
Nếu đã “công bố dịch” thì tỉnh, thành phố hoặc quốc gia sẽ phải đặt trong tình trạng khẩn cấp, ngăn sông cấm chợ.
Trong khi đó, dịch sởi chưa phải đến mức “quá tầm kiểm soát”, cũng chưa tìm thấy “độc lực khác lạ ở virus sởi”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Long khẳng định, việc chưa tổ chức “công bố dịch” nhưng không phải chúng ta không có dịch. “Tất cả các văn bản chỉ đạo, triển khai phòng chống bệnh sởi của Bộ Y tế đều ghi rõ “dịch sởi” - Thứ trưởng Long nói.
Ông Long cũng thừa nhận, tuy Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống dịch sởi từ cuối năm 2013 - ngay khi dịch sởi bùng phát nhưng thực tế có chuyện “nóng chỉ đạo, lạnh thực hiện” của tuyến dưới. Do đó, bệnh dịch đã không được dập tắt nhanh chóng.
Như vậy, bài viết đã kết tội Bộ Y tế giấu dịch vì thành tích bằng các văn bản cũ, số liệu cũ và bóp méo sự thật. Khi có dịch bệnh, cần tuyên truyền để người dân hiểu và cộng tác với cán bộ y tế, cán bộ dự phòng để cùng ngăn chặn dịch bệnh. Những bài viết như vậy, chẳng khác nào nới rộng khoảng cách, khiến người dân hoang mang, mất tin tưởng vào ngành y. Đó cũng chính là lý do khiến dịch bệnh khó kiểm soát hơn. Tính đến ngày 27.4, cả nước đã tích lũy gần 3.700 ca mắc sởi trong số gần 10.500 ca sốt phát ban nghi sởi. Đã có 129 ca tử vong do sởi và các biến chứng liên quan đến sởi. Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch sởi đang giảm chậm, tuy nhiên, số ca sởi bị biến chứng nặng phải thở máy vẫn còn gần hơn 20 ca, tiên lượng xấu. Hiện, tại “vùng trũng” dịch sởi là Bệnh viện Nhi T.Ư, số ca nhiễm chéo bệnh sởi đã giảm chỉ còn 5-7 ca/ngày. Không còn cảnh bệnh nhân nằm ghép. Số bệnh nhân đến khám cũng giảm mạnh, chỉ còn dưới 1.000 ca/ngày.